Để nâng cao chất lượng đại học nhất định phải đẩy mạnh tự chủ đại học
Phó Thủ tướng cho rằng, kỳ nào dù Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia chất vấn hay không thì giáo dục đều nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri. Đây là điều mừng vì Quốc hội và toàn dân quan tâm đến giáo dục. Chúng ta đều hết sức chia sẻ và bức xúc trước một số hiện tượng và một số nơi xảy ra bạo hành ở trường học, đặc biệt là đối với trẻ ở mầm non. Có rất nhiều nguyên nhân, như Bộ trưởng đã nói, trong đó có nguyên nhân liên quan đến chất lượng đào tạo giáo viên mầm non. Hiện nay chúng ta có khoảng 60% giáo viên mầm non đã được học cao đẳng trở lên, còn gần 40% đã học trung cấp.
“Đối với các giáo viên không chỉ ở mầm non mà ở các bậc học khác nếu có bạo hành với trẻ em, tôi cương quyết đề nghị trong mọi trường hợp là phải đưa ra khỏi ngành giáo dục”, Phó thủ tướng nói. Không thể vì một số cá nhân đó ảnh hưởng chung đến toàn ngành. Dù rằng việc đưa ra khỏi ngành có thể làm rất khó khăn cho đời sống sau này của cá nhân người đó hoặc gia đình họ nhưng không thể vì thế làm ảnh hưởng cả ngành giáo dục.
Theo Phó Thủ tướng, để khắc phục việc này có nhiều việc phải làm. Đầu tiên phải thực hiện việc hướng nghiệp ngay từ trung học cơ sở. Chúng ta đừng lo như một đại biểu nói rằng học trung học cơ sở xong mà sang học nghề thì sẽ không đủ kiến thức. Bởi vì cả thế giới người ta làm như vậy, học trung học cơ sở xong thì một luồng rẽ ra học nghề, một luồng rẽ ra học tiếp lên trung học phổ thông.
Về câu chuyện thất nghiệp 200 nghìn người có trình độ đại học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết con số này tại các nước trung bình khoảng 7%, yêu cầu cứ học đại học trở lên phải có việc 100% là không đúng. Việc một tỷ lệ nhất định dù học tất cả các bậc mà không có việc là bình thường ở thế giới, chính việc đó thúc đẩy cạnh tranh và vươn lên của các cơ sở giáo dục.
Học trung học phổ thông xong là một luồng tiếp tục học nghề, một luồng tiếp tục học lên đại học để theo hướng hàn lâm nghiên cứu, vì học xong trung học cơ sở mà đi học nghề, không có nghĩa là trong quá trình dạy nghề đấy chúng ta không dạy tiếp văn hóa, không dạy tiếp kiến thức, chỉ có điều dạy theo cách của người làm nghề thì chúng ta phải ủng hộ cho phương án này.
Bên cạnh đó, phải nâng cấp, nâng cao chất lượng đại học. Bộ Giáo dục đã tiến hành khảo sát, năm 2017, các trường có điểm vào trên 27 điểm thì tỷ lệ học sinh ra trường sau 12 tháng có việc làm tính từ 2016 trở lại là 96%; nhóm trường từ 24 điểm đến 27 điểm, tỷ lệ này 92%, nhóm trường từ 20 điểm đến 24 điểm là 84% và nhóm trường từ điểm sàn 15,5 điểm đến 20 điểm là 89%. Tỷ lệ chung lại tức là các cháu học sinh ra trường trong vòng 12 tháng kể từ năm 2016 đến 2017 khảo sát mà có việc làm xấp xỉ 90%, chỉ có 11,3% không kiếm được việc làm.
Đương nhiên, những việc làm này không có nghĩa là tất cả đã phù hợp đúng trình độ đại học, vì khảo sát cũng cho thấy rằng 19% số các cháu ra trường học đại học nhưng làm công việc không xứng đáng là cấp đại học.
“Tôi rất thẳng thắn báo cáo với nhân dân là trong số các nhóm ngành đào tạo thì nhóm ngành đào tạo khoa học, giáo dục và giáo viên có tỷ lệ ra trường không tìm được việc cao nhất, 19%”, Phó Thủ tướng cho biết.
Nhóm thứ hai, chính là nhóm liên quan đến các dịch vụ xã hội, mặc dù chúng ta nói phải quan tâm đến nghề xã hội nhưng xã hội chưa quen tuyển dụng cái này cho nên nhóm các cháu sinh viên học các nhóm về dịch vụ xã hội ra trường tỷ lệ không kiếm được việc làm qua khảo sát cũng là 19%.
Nhóm thứ ba, chính là nhóm về môi trường. Mặc dù chúng ta rất bức xúc về môi trường và các trường đại học bắt đầu đào tạo các ngành liên quan đến môi trường nhưng doanh nghiệp và xã hội cũng chưa mở nhiều ngành này ra cho nên tỷ lệ không kiếm được việc làm là 17%.
Nhóm thứ tư, về pháp luật, vì chúng ta đào tạo quá nhiều pháp luật và tỷ lệ đấy cũng là 17%. Cuối cùng, nhóm về thể thao, văn hóa ra trường không kiếm được việc làm là 16%. “Tôi cho rằng cơ cấu đào tạo này rất cần và các cháu sinh viên nhất là năm nay thi cũng cần nghiên cứu rất kỹ”, Phó Thủ tướng nói.
Về vấn đề chất lượng đào tạo, Phó Thủ tướng đánh giá "Ba năm vừa qua, chúng ta bằng tự chủ và bằng đẩy mạnh nghiên cứu thì đã có các kết quả ban đầu rất đáng khích lệ. Tôi cho rằng đây là điểm các nhà khoa học và các nhà chuyên sâu về giáo dục đánh giá rất cao nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian vừa qua".
Liên quan đến chất vấn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo nghị quyết 29 thì lộ trình là bao nhiêu năm, có tiếp tục đổi mới hay không và hiện nay đứng ở đâu, Phó thủ tướng nói đây là một câu hỏi rất khó.
Theo Phó thủ tướng, nghị quyết 29 xác định đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, với ngành giáo dục thì tạm chia thành 8 đầu mục đổi mới: hệ thống, khung trình độ, chương trình sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy và gắn với giáo viên, phương pháp kiểm định, đánh giá và thi cử, cơ sở vật chất, quản lý nhà nước, quản trị các trường, các cơ sở giáo dục.
Đánh giá từ Phó thủ tướng là đến giờ phút này đã đạt được yêu cầu là ban hành khung hệ thống, khung trình độ, đang xây dựng chương trình sách giáo khoa, đổi mới một bước công tác kiểm định, đổi mới một bước công tác tự chủ đại học và tới đây là các trường phổ thông, đặc biệt quan trọng là chúng ta đang chuẩn bị sửa luật giáo dục và giáo dục đại học.
Yêu cầu đặt ra khi sửa luật được Phó thủ tướng nhấn mạnh là khắc phục cho bằng được điểm yếu cố hữu của chúng ta, đó là giáo dục từ phổ thông đến đại học nặng về nhồi nhét kiến thức và không khuyến khích sáng tạo cá nhân của cả học sinh và giáo viên.
Hạn chế thứ hai cần được khắc phục là hệ thống học không liên thông, không học suốt đời nên dẫn đến câu chuyện cố chạy theo bằng cấp, cứ phải cấp cao. Thứ ba là trong các cơ sở giáo dục nặng về chỉ đạo hành chính, không khuyến khích tự chủ trong các trường đại học. Quản lý trong các trường phổ thông vẫn còn nặng về mệnh lệnh và hành chính.
"Tôi xin mạnh dạn nói rằng nếu sửa được 2 luật này đảm bảo đúng theo xu thế đó cộng một số luật về công chức, viên chức thì công cuộc đổi mới của chúng ta được một nửa. Làm luật xong rồi phải làm tiếp mới được nửa còn lại", Phó thủ tướng nói.