Đề xuất tạo điều kiện cho shipper hoạt động
Thứ trưởng hai Bộ thống nhất duy trì đội ngũ shipper trong mùa dịch Sở Công thương Hà Nội lập danh sách 700 shipper giao nhận hàng hóa |
Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, Bộ Công thương đang phối hợp với các Bộ ngành, các địa phương để sớm cho hoạt động và duy trì trở lại phương thức giao nhận thương mại điện tử, trong đó có nhân viên giao hàng (shipper).
Theo ông Hải, quan điểm của Bộ Công thương là nên duy trì đội ngũ shipper có điều kiện, bởi khi áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao gây áp lực cho các chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối. Bản thân các phương thức hiện tại cũng chưa thực sự đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân.
"Việc hạn chế nhân viên giao nhận hàng hóa thương mại điện tử đã phần nào cắt đứt chuỗi lưu thông từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, khiến người dân phải đến các siêu thị, chợ truyền thống, ra đường gây nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh", ông Đặng Hoàng Hải đánh giá.
Đề xuất các địa phương tạo điều kiện cho shipper hoạt động |
Ông Hải cũng cho biết, Bộ Công thương ủng hộ phương án các địa phương cho phép hệ thống logistics của các sàn thương mại điện tử tiếp tục được hoạt động bình thường trong địa bàn của mình. Tuy nhiên, điều kiện hoạt động là các sàn thương mại điện tử, công ty giao nhận phải đăng ký danh sách nhân viên hoạt động với Sở Giao thông vận tải.
Theo đó, nhân viên được đăng ký phải có hợp đồng lao động. Sở Giao thông vận tải sẽ cấp thẻ hoạt động, hoặc tin nhắn xác nhận hoạt động... tùy theo từng địa phương.
Theo vị này, các shipper của các sàn thương mại điện tử sẽ được sàn đăng ký trực tiếp với Sở Giao thông vận tải. Nếu sàn thương mại điện tử có các đối tác vận chuyển như giao hàng nhanh, giao hàng tiết kiệm, J&T Express, AhaMove... thì sàn phải làm việc với hãng giao nhận, đăng ký danh sách với Sở.
"Sàn thương mại điện tử phải đứng ra đăng ký danh sách shipper cho hãng giao nhận là đối tác của mình. Đối tác chỉ được vận chuyển hàng cho sàn, không được vận chuyển bất kỳ loại hàng hóa nào khác", ông Hải đề xuất.
Tương tự, nếu siêu thị, nhà cung ứng thực phẩm có nhu cầu thuê đối tác vận chuyển hàng hóa, thì họ phải đứng ra đăng ký shipper với Sở Giao thông vận tải. Những người giao hàng này phải có hợp đồng lao động và chỉ được vận chuyển hàng hóa cho siêu thị, nhà cung ứng thực phẩm.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 27/7, Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn đã đề xuất duy trì đội ngũ shipper để đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội.
Đồng thời, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị Bộ Công thương phối hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp bưu chính tham gia sâu hơn vào khâu lưu thông, phân phối, nhất là trong việc ưu tiên tạo “luồng xanh” cho lưu thông hàng hóa thiết yếu.
Đáp lại ý kiến của đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng nhất trí cao với đề xuất duy trì đội ngũ shipper.
Tuy nhiên, theo ông Hải, để duy trì cần sự chung tay của các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong việc thống kê nhân lực giao hàng của từng đơn vị, từ đó, tập trung ưu tiên tiêm vắc xin cho đội ngũ này, đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.
Ngày 29/7, đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, cơ quan này đã nhận được hơn 15.200 tài xế xe mô tô hai bánh đăng ký vận chuyển hàng hóa. Trong đó, Sở Công thương gửi danh sách 699 xe, Sở Thông tin và Truyền thông gửi thông tin 14.484 xe.
Hiện Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã cấp mã xác nhận cho 14.270 xe, từ chối 275 xe do biển số không phải là mô tô hai bánh, còn 663 xe chờ duyệt.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội xác nhận thông tin phương tiện được phép hoạt động cho shipper qua tin nhắn điện thoại. Các shipper có thể chụp ảnh màn hình tin nhắn và xuất trình khi lực lượng chức năng kiểm tra.