Đề xuất tính điện một giá: Cần thẩm định kĩ để hài hòa cả người mua lẫn người bán
Người dùng ít chịu thiệt, dùng nhiều được hưởng lợi?
Hai phương án biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt được Bộ Công thương đưa ra lấy ý kiến như sau: Một là phương án giá điện sinh hoạt từ 6 bậc hiện hành còn 5 bậc; Hai là, áp dụng song song cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt 5 bậc và giá bán lẻ điện một giá (khách hàng được quyền lựa chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá).
Cần lập ban thẩm định giá điện (Ảnh minh họa) |
Ở phương án thứ 2, Bộ Công thương cũng đưa ra 2 phương án để lấy ý kiến. Trong đó, phương án 2A, giá điện ở bậc 5 - bậc cao nhất lên tới hơn 5.100 đồng/kWh. Còn giá điện một giá áp dụng ở phương án này là 2.703 đồng/kWh.
Với phương án 2B, bậc 3 và 4 cũng có mức tăng thêm so với biểu giá cũ (tương đương bậc 4 và 5) từ 90 đồng - 149 đồng/kWh do gộp số bậc thang. Với bậc 5, mức giá bán lẻ điện tăng thêm hơn 520 đồng/kWh. Một giá điện ở phương án này cũng nằm trong khung bậc thang 3 - 4 nhưng mức giá cao hơn so với phương án 2A là 2.889 đồng/kWh.
Theo Bộ Công thương, các phương án sửa đổi nêu trên nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại chính hiện nay của biểu giá điện, theo hướng phù hợp hơn với thực tế sử dụng điện của các khách hàng hiện nay.
Phương án 1: Giá điện sinh hoạt từ 6 bậc hiện hành còn 5 bậc |
Phương án 2: Áp dụng song song cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt 5 bậc và giá bán lẻ điện một giá |
Chị Đặng Thị Nga (38 tuổi, khách hàng ở Long Biên, Hà Nội) cho rằng: "So với biểu giá cũ thì chỉ những người dùng ở các bậc thang từ 0 - 200kWh được lợi vì giá giữ nguyên, còn từ bậc thang 201 kWh trở lên, người dùng có thể sẽ phải chịu thiệt đơn thiệt kép do giá bán lẻ tăng so với biểu giá cũ. Như gia đình tôi mức tiêu thụ điện trung bình mỗi tháng khoảng 400 kWh thì tiền điện sẽ tăng nhiều nên mong là cơ quan chức năng có phương án hợp lý hơn".
Thực tế, phương án điện một giá sẽ giúp người tiêu dùng có thêm quyền lựa chọn nhưng nằm vào số ít, khoảng 20-30% với sử dụng lượng điện cao sẽ có lợi. Người tiêu dùng mức thấp chiếm 70-80% sẽ thiệt thòi nếu chọn phương án này do áp dụng đồng giá, dù dùng ít hay dùng nhiều.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, áp dụng giá điện một giá sẽ tính giá đơn giản, dễ áp dụng và dễ theo dõi, thuận tiện trong việc kiểm tra, giám sát, bình đẳng đối với tất cả khách hàng cùng mua một loại hàng của cùng một nhà cung ứng.
Tuy nhiên, xét về mặt kinh tế, một giá trong điều kiện nguồn lực khan hiếm, cung không đủ cầu... sẽ khó tạo ra áp lực mạnh để thực hiện tốt chính sách khuyến khích tiêu dùng điện tiết kiệm. Vị này cũng cho rằng điện một giá sẽ không thực hiện được chính sách an sinh xã hội đối với các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách.
Điện một giá sẽ khó thực hiện chính sách an sinh xã hội
Hiện nhiều quốc gia đang áp dụng biểu giá điện bán lẻ sinh hoạt theo bậc thang bởi mục tiêu rõ ràng trong tiết kiệm điện và người sử dụng ít điện được dùng giá thấp hơn.
Tại Úc, giá điện được quản lý bởi các công ty tư nhân. Do vậy, người dân được tự do chọn đơn vị cung cấp cũng như phương án tính giá. Các doanh nghiệp ở Úc không sử dụng phương pháp bậc thang để tính giá điện mà chọn phương pháp cố định giá. Họ thường thu thập dữ liệu sử dụng điện trên một mẫu khách hàng để lấy cơ sở định giá số điện. Khách hàng sẽ có hai cách chọn: Trả theo phí cố định hoặc trả theo từng kWh sử dụng. Do giá điện ở quốc gia này linh hoạt và thường dao động nên hầu hết người dân đều chọn phương pháp trả giá theo từng kWh sử dụng.
Ở Malaysia tính giá điện theo giờ cao điểm, áp thuế với các mức giá khác nhau vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Chính phủ đề ra chính sách này nhằm mục đích khuyến khích người dân sử dụng điện hiệu quả. Tuy nhiên, chính sách này chỉ áp dụng cho khu vực có các nhà máy công nghiệp, nông nghiệp và khai thác, không áp dụng trong khu vực của các hộ dân cư. Tuy giá điện được niêm yết khác nhau nhưng phương pháp tính đều giống nhau - sử dụng phương pháp bậc thang.
Ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, không nên đưa ra 2 mức tính bằng 145% và 155% mức giá bán lẻ điện bình quân như dự thảo. Bởi mức giá này ở sát với mức cao của biểu giá bậc thang, chứ không phải trung bình bậc 3. Điều này sẽ khiến những người dùng ít điện bị chịu thiệt. Có thể xem xét từ 5 bậc, giảm xuống một phương án biểu giá điện 3 bậc thang trước khi chuyển ngay xuống một giá. Điện một giá trước sau gì chúng ta cũng phải tính đến khi hoàn thiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh nhưng từ đây đến khi đó còn mấy năm nữa. Do vậy, thời điểm này chưa thích hợp để áp dụng điện một giá.
Mức độ điện sử dụng bình quân của người dân Việt Nam theo thống kê của EVN đang tăng lên. Năm 2016, bình quân mức dùng điện của hộ tiêu dùng sinh hoạt là 156 kWh một tháng, hiện tăng lên 189 kWh. Để khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, đồng thời phục vụ cho người có thu nhập thấp đáp ứng được nhu cầu tối thiểu, Việt Nam áp dụng biểu giá điện sinh hoạt bán lẻ bậc thang với cơ số tiến càng mua nhiều càng đắt. Vì vậy, việc sửa biểu giá điện cần nhìn nhận kĩ lưỡng từ nhiều góc độ.
Bộ Công thương cần có một ban thẩm định giá để đưa ra giá cụ thể sao cho hài hòa cả người mua lẫn người bán. Xã hội còn rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đây lại là mặt hàng không thể thiếu trong sinh hoạt, giá cả hợp lý sẽ góp một phần giúp đời sống nhân dân bớt khó khăn.