Dịch Covid-19 khiến làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc diễn ra nhanh hơn
Công nhân trong một nhà máy sản xuất giày ở Chiết Giang, Trung Quốc (Ảnh: Inquirer)
Bài liên quan
Điều gì xảy ra nếu không có vắc-xin ngừa Covid-19?
Các tỷ phú Mỹ ngày càng giàu hơn trong đại dịch
Sự nguy hiểm của 'làn sóng lây nhiễm thứ hai' dịch Covid-19
Thế giới biến chuyển như thế nào thời hậu Covid-19
Trên thực tế từ năm ngoái, một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao.
Vừa qua, đợt dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa. Các công ty buộc phải tính đến phương án dịch chuyển để đảm bảo thời hạn sản xuất. Việt Nam là một trong số những điểm đến đầy hứa hẹn.
Điểm mặt những ông lớn
Đầu tiên, không thể không nhắc đến công ty Samsung Electronics (công ty công nghệ thông tin và điện tử đa quốc gia của Hàn Quốc) có mặt chính thức tại Việt Nam vào năm 2008. Đó là nhà máy sản xuất điện thoại đầu tiên được xây dựng tại Bắc Ninh. Tiếp theo đó là nhà máy sản xuất điện thoại thứ hai được triển khai tại tỉnh Thái Nguyên; khu tổ hợp sản xuất hàng gia dụng và tivi tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mới đây, Samsung vừa công bố việc chính thức bắt đầu xây dựng dự án Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (R&D) tại Tây Hồ, Hà Nội với quy mô lớn nhất Đông Nam Á.
Trung tâm R&D của Samsung Việt Nam có tổng mức đầu tư khoảng 220 triệu USD với diện tích xây dựng 11.603m2 và diện tích sàn là 79.511m2, dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2022. Khi đi vào hoạt động, trung tâm này sẽ tuyển lực lượng nhân sự quy mô từ 2.200 - 3.000 người.
Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất của Samsung tại Việt Nam (Ảnh: Samsung) |
Đối với các ngành như may mặc hay sản xuất, vốn đang có sự cạnh tranh gay gắt do mức độ tương đồng cao trong xuất khẩu giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Hai ông lớn của ngành thời trang thể thao là Adidas và Nike đều đang gia tăng sản xuất tại Việt Nam.
Từ năm 2010, Adidas đã cắt giảm sản lượng giày dép mà hãng sản xuất tại Trung Quốc xuống chỉ còn một nửa. Việt Nam trở thành thị trường thay thế. Các nhà máy ở Việt Nam sản xuất 44% lượng giày Adidas trong năm 2017, tăng từ 31% từ năm 2012, trong khi các nhà cung cấp Trung Quốc chiếm 19%, giảm từ mức hơn 30% năm 2012.
Tại hãng Nike, tình hình cũng tương tự. Một thập niên trước đây, Trung Quốc là nhà sản xuất giày dép chính của hãng giày Mỹ. Ngày nay, tình hình đã thay đổi. Nike hiện có đến 50% sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam.
Đối với lĩnh vực khá mới mẻ là sản xuất linh kiện máy bay, Việt Nam cũng bắt đầu gia nhập. Đầu năm ngoái, tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC, Mỹ) đã động thổ nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine tại Đà Nẵng. UAC là nhà sản xuất linh liện máy bay hàng đầu thế giới cho Boeing, Airbus, Embraer, Bombardier… và dự kiến sản xuất cả động cơ cho Rolls Royce tại Việt Nam.
Theo kế hoạch, khi đi vào hoạt động từ năm 2020, tập đoàn của Mỹ dự kiến sẽ sản xuất 4.000 chi tiết trong tổng số 5 triệu chi tiết máy bay các loại cho sản phẩm máy bay Boeing 787, 777 và 737 của Boeing và xuất khẩu sang thị trường hàng không Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á.
Mục tiêu vào năm 2021, hãng đạt giá trị xuất khẩu 25 triệu USD, nâng lên 85 triệu USD vào năm 2022 và tạo ra giá trị xuất khẩu trên 180 triệu USD mỗi năm từ sau năm 2026.
Nắm bắt cơ hội
Từ cuối tháng Hai, tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới Apple đã đăng tuyển một loạt vị trí nhân sự tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Những nhân viên được tuyển trong đợt này sẽ tham gia vào quá trình phát triển sản phẩm, làm việc với các đối tác để đảm bảo về nguồn cung và thời hạn đặt ra.
Bên cạnh đó, Apple còn tuyển dụng một số vị trí quản lý cấp cao liên quan đến mảng quan hệ Chính phủ và quản trị văn phòng tại Hà Nội.
Đây có thể là dấu hiệu cho thấy tập đoàn này đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển đổi quy trình sản xuất sang nhiều quốc gia hơn, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn còn căng thẳng.
Không chỉ Apple, tháng Tám năm ngoái Google cũng kên kế hoạch dời dây chuyền sản xuất dòng Pixel giá rẻ sang Việt Nam. Nhiều nhà sản xuất khác cũng có dự định tương tự.
Một cửa hàng của Apple ở New York, Mỹ (Ảnh: AFP) |
Những tín hiệu khả quan trên được cho là do Việt Nam có đội ngũ lao động trẻ và chi phí thấp, môi trường chính trị ổn định và là một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Dân số trẻ từ 25 - 54 tuổi ở Việt Nam chiếm đến 46%; lương lao động ngành sản xuất cạnh tranh. Dù chi phí nhân công của Việt Nam đang tăng lên nhưng vẫn thấp hơn so với Trung Quốc, Thái Lan. Do đó, cơ hội để các thương hiệu lớn quan tâm tới thị trường và doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn.
Tăng trưởng GDP năm 2019 của Việt Nam đạt 6,8%, duy trì nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Theo Ngân hàng thế giới, Việt Nam đứng thứ 70 trong 190 nền kinh tế dễ hoạt động kinh doanh. Trong ASEAN, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5.
Tuy nhiên, theo nhận định của Jones Lang Lasalle (JLL), công ty hàng đầu thế giới về dịch vụ bất động sản của Mỹ, không phải tất cả các ngành sản xuất đều có thể dễ dàng chuyển sang Việt Nam. Mức lương công nhân sản xuất tại Trung Quốc tuy cao nhưng trình độ tay nghề của công nhân nơi này cũng cao hơn Việt Nam.
Mặt khác, quy mô của Trung Quốc không thể được nhân rộng, lượng lao động công nghiệp di cư ở Trung Quốc còn cao hơn dân số Việt Nam. Hơn nữa, thị trường nội địa vô cùng lớn của nước này cũng là một yếu tố khiến các nhà sản xuất phải cân nhắc.
Thuận lợi nhiều nhưng thách thức cũng không ít. Đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam chứng tỏ được thực lực để trở thành mảnh đất “công xưởng” mới hay không?