Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng tiến độ thi công các tuyến metro ở TPHCM
Hệ thống đường ray tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên |
Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM, đối với tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, năm 2020, dưới tác động của dịch Covid-19, Ban đã nỗ lực phấn đấu và đạt khối lượng tổng thể 82% (không đạt so với mục tiêu xác định vào đầu năm 2020 là 85%). Đến thời điểm hiện nay, sau đợt bùng phát dịch lần thứ 3 vào cuối tháng 1/2021, việc thắt chặt các biện pháp kiểm soát công trường cũng như biến động nhân lực trên công trường nên tiến độ đạt 82,5%.
Đồng thời, từ tháng 5/2020 đến nay, Ban nỗ lực, phối hợp với nhà thầu tổ chức triển khai thi công nhằm đảm bảo tiến độ đề ra (sau khi đợt dịch thứ nhất tạm ổn định). Tuy nhiên, dịch Covid-19 lại tiếp tục bùng phát nên việc huy động nhân sự (trong và ngoài nước) đã ảnh hưởng chủ yếu đến các gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát TP đến ga Ba Son) và CP2 (đoạn trên cao và depot).
Các biến động về nhân công chủ yếu phụ thuộc vào các biện pháp triển khai nhằm hạn chế khả năng ảnh hưởng dịch Covid-19 trong nước dù số lượng nhân công trong nước bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc không thể nhập cảnh của các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm ảnh hưởng nghiêm trọng tiến độ của các gói thầu; Một số công tác thiết kế, thi công các hạng mục phức tạp, đặc thù cần phải được các chuyên gia nước ngoài của các tổng thầu thực hiện nhằm đảm bảo tối đa chất lượng thi công cũng như tuân thủ các tiêu chuẩn, tiêu chí nước ngoài áp dụng cho dự án.
Metro Bến Thành - Suối Tiên |
Đối với tuyến metro Bến Thành - Tham Lương, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc thương thảo về phụ lục hợp đồng số 13 liên quan phát sinh cho công tác lập hồ sơ mời thầu và hỗ trợ công tác lựa chọn nhà thầu đã làm chậm việc quyết định duy trì tư vấn IC do không thể tổ chức thương thảo trực tiếp mà thực hiện qua văn bản (Liên danh tư vấn IC bên Đức, Thụy Sĩ làm việc tại nhà do giãn cách xã hội).
Vì vậy, để duy trì và đảm bảo tiến độ thi công tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM kiến nghị UBND TP HCM tiếp tục duy trì cơ chế họp giao ban kiểm tra tiến độ và kiểm tra công trình định kỳ (ít nhất 2 tuần/lần). Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM trong vai trò chủ đầu tư sẽ làm việc và phối hợp với các nhà thầu, tư vấn thuê bên thứ ba độc lập tham gia các cuộc thử nghiệm, kiểm tra nhà máy, sử dụng nhân sự của bên thứ ba này tại các nước sở tại để hạn chế tối đa việc di chuyển trong mùa dịch.
Đồng thời, Ban yêu cầu nhà thầu xem xét các phương án sử dụng nguồn vật tự, thiết bị, nhân sự tại chỗ trong nước hoặc sử dụng các nhà thầu phụ trong nước đạt các tiêu chí kỹ thuật của dự án và của các hợp đồng để có thể tạm thay thế phần nào việc phụ thuộc vào vật tư, thiết bị từ nước ngoài. Cùng với đó, yêu cầu nhà thầu xem xét phương án thử nghiệm, sử dụng, nhập khẩu thiết bị cung cấp từ các chi nhánh ở các nước mà tình hình dịch bệnh được phần nào kiểm soát và các biện pháp hạn chế đã được nới lỏng, để cung cấp cho dự án.
Mặt khác, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM cũng liên tục kiểm tra, đôn đốc tình hình thi công tại công trường giảm thiểu thấp nhất việc giảm tiến độ của dự án; Liên tục theo dõi tình hình di chuyển của toàn bộ nhân sự dự án nhằm đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch; Làm việc với tư vấn và các nhà thầu để đánh giá tình hình và các ảnh hưởng đến dự án, trong đó xem xét khả năng dịch Covid-19 là tình trạng bất khả kháng cho cả chủ đầu tư và nhà thầu nên các bên phải cùng cộng tác và chung sức vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Đối với tuyến metro Bến Thành - Tham Lương, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM kiến nghị Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư quan tâm hỗ trợ phối hợp Ban Quản lý Đường sắt đô thị trong quá trình chuẩn bị và ưu tiên rà soát hồ sơ, tham mưu UBND TP HCM xem xét, quyết định các vấn đề liên quan đến dự án.