Dịch sốt xuất huyết giảm mạnh
Cụ thể, tuần vừa qua ghi nhận 862 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 159 ca so với tuần trước đó và giảm 2.707 (tức giảm 75,8%) so với tuần cao điểm nhất. Đặc biệt, cả nước không ghi nhận thêm ca tử vong. Số bệnh nhân đã khỏi bệnh là 33.990 người (chiếm 97,8%), còn 781 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện.
Riêng tại thành phố Hà Nội - nơi diễn ra dịch sốt xuất huyết sớm hơn mọi năm với diễn biến phức tạp, hiện nay số ca mắc đã giảm mạnh liên tục trong suốt 9 tuần qua. Ghi nhận tuần qua cho thấy có tổng cộng 1.021 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 46 ca so với tuần trước đó và giảm 2.547 ca so với tuần cao điểm của thành phố.
Hiện nay, Hà Nội ghi nhận trung bình mỗi ngày có khoảng 100 ca mắc rải rác tại các quận, huyện và không có sự gia tăng đột biến số trường hợp mắc mới ở các quận, huyện trên toàn thành phố.
Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: Trước diễn biến tích cực của dịch, ngành y tế vẫn đang tiếp tục giám sát và triển khai đồng bộ mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không chủ quan vì dịch sốt xuất huyết thường kéo dài tới tháng 11 hàng năm.
Bộ Y tế khuyến cáo: Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả, người dân phải đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Hàng tuần, người dân cần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bình bông; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt lăng quăng/bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, các ổ nước đọng.
Các gia đình nên loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, hũ, mảnh chai, chum vại vỡ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Khi bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà...