Ra quân kiểm tra ATTP mặt hàng Tết tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội)
Phát hiện các sản phẩm chân gà chưa rõ nguồn gốc
Thực hiện Quyết định số 6284/QĐ-UBND ngày 5/12/2024 của UBND thành phố Hà Nội về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành công tác An toàn thực phẩm Tết Dương Lịch, Tết Nguyên Đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của TP đã kiểm tra tại Công ty TNHH sản xuất chế biến thực phẩm Alishan (thôn Phù Yên, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ).
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đã kiểm tra tại Công ty TNHH sản xuất chế biến thực phẩm Alishan (thôn Phù Yên, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ) |
Qua công tác kiểm tra, ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội nhận xét, quy trình sản xuất một chiều cùng chế độ vệ sinh nhà xưởng của cơ sở chưa đảm bảo, tường nhà mốc, chưa có kho chứa đựng thực phẩm…
Mặt khác, có 15 người tham gia chế biến thực phẩm nhưng cơ sở chưa xuất trình đầy đủ hồ sơ khám sức khoẻ của họ.
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội yêu cầu công ty TNHH sản xuất chế biến thực phẩm Alishan truy xuất nguồn gốc sản phẩm chân gà |
Ngoài ra, qua kiểm tra hồ sơ pháp lý, cơ sở công bố thiếu một số dữ liệu. Đặc biệt, qua kiểm tra nguồn gốc chân gà đưa vào chế biến được cơ sở nhập từ một công ty ở tỉnh Thái Bình.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình truy xuất nguồn gốc chân gà từ đâu. Nếu công ty này không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của chân gà, chúng tôi sẽ đưa ra hình thức xử lý. Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng lấy mẫu chân gà về để kiểm định chất lượng”, ông Đặng Thanh Phong cho biết.
Kiểm tra phụ gia thực phẩm tại Công ty TNHH sản xuất chế biến thực phẩm Alishan |
Tiếp hành kiểm tra xử lý phát hiện 10 cơ sở vi phạm ATTP
Sau buổi kiểm tra thực tế, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của TP về công tác đảm bảo ATTP đã có buổi làm việc với huyện Chương Mỹ.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm huyện Chương Mỹ, hiện trên địa bàn huyện có hơn 3.700 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Trong dịp Tết năm nay, huyện thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm. Mỗi đoàn kiểm tra phụ trách từ 10 - 11 xã, thị trấn. Đến nay, các đoàn đã kiểm tra được 160 cơ sở, qua đó phát hiện 10 cơ sở vi phạm chủ yếu về điều kiện trang thiết bị dụng cụ chưa bảo đảm và tiến hành xử phạt gần 10 triệu đồng.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Phòng Y tế huyện Chương Mỹ - Nguyễn Minh Ngọc cho biết: Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của các ban, ngành, cơ quan, đơn vị, Ban Chỉ đạo công tác ATTP của huyện Chương Mỹ thường xuyên duy trì chế độ giao ban, kịp thời triển khai các kế hoạch của thành phố và của huyện về công tác an toàn thực phâm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đề ra các biện pháp thực hiện nên việc triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025 đã đạt được tiến độ đề ra.
Qua công tác kiểm tra, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm qua kiểm tra đã có sự hiểu biết cơ bản về thủ tục hành chính, hồ sơ an toàn thực phẩm; một số cơ sở chủ động đăng ký tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ cho người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm, người phục vụ trực tiếp, gián tiếp tại cơ sở.
Công tác tuyên truyền đã có tác động đên chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cơ sở, vật chất, trang thiết bị dụng cụ đã được nâng cấp, bố sung theo quy định.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Chương Mỹ |
Để phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm gia tăng trong dịp Tết, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đề nghị, huyện Chương Mỹ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, nhất là những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết.
“Cùng với việc kiểm tra điều kiện vệ sinh của cơ sở, người sản xuất, chế biến có tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm hay không, các đoàn kiểm tra còn cần tập trung truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu đưa vào chế biến. Nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm. Qua kiểm tra cũng cần lấy mẫu xét nghiệm nhanh để đánh giá và xử lý kịp thời thực phẩm không bảo đảm an toàn và có nguy cơ cao gây ngộ độc”, ông Vũ Cao Cương lưu ý.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm trong dịp Tết năm 2025, trong đó 3 đoàn do lãnh đạo các Sở: Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương làm trưởng đoàn và 1 đoàn do lãnh đạo Cục Quản lý thị trường thành phố làm trưởng đoàn.
Nội dung kiểm tra tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, trọng tâm vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Ất Tỵ và các lễ hội, như: Thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm, các cơ sở dịch vụ ăn uống…
Theo đó, đoàn liên ngành số 1 của TP sẽ tiếp tục công tác thanh kiểm tra từ ngày 25/12/2024 đến 15/3/2025 để kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới.