Điểm mới trong “Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030”
Hơn 50.000 suất ăn “Tấm lòng doanh nghiệp trẻ Hà Nội” tặng lao động nghèo Hơn 34.000 lao động tự do đã được nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng, số còn lại sẽ nhận trong những ngày tới |
Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại
Đầu tháng 2/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030. Mục tiêu chung của chương trình là tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động; Góp phần huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại. Chương trình cung nhằm bảo đảm kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động các nước trong khu vực và trên thế giới.
Người lao động đến làm thủ tục lại Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An (Ảnh tư liệu) |
Thực hiện chương trình nêu trên, hàng loạt các tỉnh, thành như Bắc Giang, Sóc Trăng, Ninh Thuận, Phú Yên... đã công bố kế hoạch riêng để hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030.
Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,1% vào năm 2025 và đạt 40% vào năm 2030; Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% năm 2025 và 90% năm 2030. Phấn đấu đến năm 2030 duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 2%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 2,35%.
Toàn tỉnh phấn đấu năm 2025 có 80% và năm 2030 có trên 90% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông được hướng nghiệp. Đến năm 2025, Bắc Giang hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các phần mềm ứng dụng, hệ thống kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu và thực hiện chuyển đổi, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động.
Trong khi đó, Sóc Trăng phấn đấu tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; Duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3,5%. Tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2025 là 45% và đến năm 2030 là 40%. Toàn tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo dưới 8%; Duy trì tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%.
Ninh Thuận đặt mục tiêu khá cao đối với tỷ lệ lao động qua đào tạo (70%). Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị của tỉnh này cũng không hề thấp (dưới 4%) và mỗi năm giải quyết việc làm mới cho khoảng 16.000 lao động.
Các giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng thị trường lao động
Như đã nói ở trên, Ninh Thuận là tỉnh đặt kỳ vọng lớn vào việc phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại. Ngày 30/3/2021, ông Nguyễn Long Biên, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận ký ban hành “Kế hoạch triển khai chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030”.
Trong đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện, gồm: Triển khai thực hiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động tỉnh Ninh Thuận phát triển theo hướng hiện đại; Hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động; Hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động; Hỗ trợ phát triển mạng lưới an sinh và bảo hiểm; Hỗ trợ kết nối thị trường lao động trong và ngoài nước, phát triển các thị trường lao động đặc thù.
Phú Yên phấn đấu nâng cao chất lượng thị trường lao động (Ảnh: Hân Nguyễn) |
UBND tỉnh Phú Yên cũng giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh sử dụng hệ thống chỉ số đánh giá phát triển thị trường lao động, việc làm, thu nhập và dự báo thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động; Tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm phù hợp.
Căn cứ các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên chủ động phối hợp, hướng dẫn những cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng mới cho người lao động.
Đồng thời, tỉnh Phú Yên xây dựng hệ thống chứng nhận nghề, kỹ năng nghề và tổ chức đánh giá kỹ năng của người lao động phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động và đáp ứng cao nhu cầu phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.