Điểm tô ngôi nhà, đón mùa xuân mới
"Hương xuân vùng cao" đến với du khách Thủ đô |
Được thừa hưởng nét khéo léo nội trợ của mẹ nên chị Lê vừa thạo vừa yêu mến các công việc chăm sóc gia đình hàng ngày như cắm hoa, chế biến món ăn. Chị có niềm đam mê đặc biệt với các loại đồ gốm.
Chị Lê cho biết: “Gốm là sản phẩm gần gũi với đời sống người Việt mình. Từ các loại bình, lọ đến bát, đĩa, đồ đựng thức ăn hay hộp bút, lọ tăm… trong nhà tôi đều là sản phẩm gốm. Bước chân vào không gian có nhiều đồ gốm cho tôi cảm giác mộc mạc, thân thiện như được tìm về truyền thống của ông bà mình”.
Những loài hoa mang đầy sắc xuân đến trong nhà chị Mộc Lê |
Hầu khắp các cửa hàng gốm nổi tiếng của Hà Nội chị Lê đều ghé qua. Theo chị đây cũng là một cách để giảm thiểu đồ nhựa, gần gũi với thiên nhiên đồng thời góp phần phát triển thủ công truyền thống của Hà Nội. Chị cho biết có được những bộ bát đĩa đẹp thì người làm bếp cũng hào hứng hơn và người thưởng thức cũng sẽ thấy ngon mắt, ngon miệng hơn.
Có được chiếc bình, lọ đẹp rồi chị Lê cũng sẽ tìm những loài hoa phù hợp để cắm trưng bày trong nhà cho mọi người vừa được ngắm hoa vừa được ngắm gốm. Những ngày thường, chị Lê cắm xen kẽ hoa trong nước và hoa nhập khẩu. Hoa trong nước thì theo mùa, hoa nhập khẩu thì theo trend.
“Cứ có loài hoa nào mới nổi, mới nhập về là tôi phải mua để cắm bằng được. Đó cũng là cách để kéo gần thế giới đến với mình hơn. Không gì trên thế giới có mà Hà Nội không có. Hơn nữa, năm nay trong điều kiện dịch bệnh như thế này không đi du lịch nước ngoài được, cắm hoa nhập từ mọi nơi trên thế giới cũng như được thưởng thức một phần vẻ đẹp của đất nước mà mình chưa đặt chân đến”, chị Lê chia sẻ.
Càng gần đến ngày Tết Nguyên đán, chị Mộc Lê lại tìm về những giá trị truyền thống. Trong nhà chị lúc này toàn những loài hoa quen thuộc của Hà Nội, của miền Bắc. Những bông hoa trưởng thành trong giá rét vẫn khoe sắc ngời ngời mang đến cho con người hi vọng về một mùa xuân mới sẽ mang theo nhiều thay đổi mới.
Đó là hoa địa lan vàng, hoa cúc trắng, hoa thạch thảo tím… Bên cạnh đó cũng là hoa đồng tiền với mong muốn… năm mới làm ăn phát tài hơn. Năm nay, chị Lê đặc biệt thích cắm lan vũ nữ vì loài hoa này tươi lâu và mang đến màu sắc sáng tươi cho ngôi nhà. Không thể thiếu những bông cẩm tú cầu được chị trồng trong vườn nhà, cắt vào để hoa khỏi bị gió lạnh của miền Bắc táp héo mất.
Những ngày này trong nhà chị Lê không thể thiếu những cành mai trắng khẳng khiu, đơn sơ tinh khiết, thứ mai thuần Việt, không phải tuyết mai nhập khẩu về. “Ngày Tết với tôi, một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội thì cứ phải là những thứ gì gần gũi, quen thuộc với mình. Hoa nào cũng đẹp nhưng hoa mà gợi ra không khí cổ truyền thì thích hợp nhất, đem đến cho tôi nhiều cảm xúc nhất”, chị Lê cho biết.
Từ sân vào nhà, những chậu cúc rủ màu vàng tươi được chị Lê trang trí như để đón người đi làm, đi công tác về với một lời chào và nụ cười ấm áp. Màu vàng là gam màu dễ chịu nhất khi về cuối năm thời tiết có những lúc ảm đạm. Đặc biệt, những bông hoa cúc này sau khi chơi xong chị Lê còn dùng vào việc cho vào nồi lá xông. Mùi hương thơm dịu của hoa cúc cùng với tinh dầu các loại lá bưởi, sả, gừng… sẽ mang đến cảm giác nhẹ nhõm cho cả nhà, giúp tăng cường sức khỏe trong mùa dịch bệnh.
Đương nhiên cái tết Hà Nội không thể thiếu những bông thược dược. Đối với chị Lê, thược dược như là loài hoa đến trước báo mùa xuân. Bắt đầu từ cuối đông, khi mùa xuân chuẩn bị đến hoa thược dược đã khoe sắc. Mỗi bông thược dược, mỗi màu sắc đặc trưng của loài hoa này đều là thứ màu ghim vào kí ức của những người yêu cái đẹp. Do thiết kế nhà hiện đại, không phù hợp để bày chăn con công và những thứ đồ cổ nên chị Lê không chọn decor không gian cho giống ngày xưa nhưng cứ mỗi lần chị cắm hoa này, bố mẹ chồng, bố mẹ chị đều xuýt xoa như gặp lại cái Tết của những năm Hà Nội xa xưa.
Cũng như mọi nhà Hà Nội, chị Lê có thú chơi đào sớm. Từ đầu tháng Chạp hễ người ta bán đào tỉa là chị đã mua về để cắm bày trong nhà. Chị tâm sự: “Dù tháng cuối năm còn nhiều lo toan, còn rất nhiều việc phải làm nhưng cắm một bình hoa không mất bao nhiêu thời gian. Đây cũng chính là thời gian để tôi nghỉ ngơi, thư giãn. Hơn nữa, càng phải đau đầu suy nghĩ thì lại càng phải tìm ra một thú vui lành mạnh để trút xả năng lượng sau đó mới tỉnh táo minh mẫn để tiếp tục làm việc được”.
Chị Lê cũng cho biết, cữ này hàng năm khi chưa có dịch bệnh chị thường hay cùng bạn bè đi lên vườn đào, vườn hoa Nhật Tân, Quảng Bá để chụp ảnh. Rồi những khi có thời gian thì chị lại dạo các cửa hàng, trung tâm thương mại… để săn đồ sale, chuẩn bị Tết cho chồng con.
Năm nay dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, không đến chỗ đông người được, rút về hoạt động trong không gian gia đình, không vì lẽ đó mà chị thấy bớt đi niềm vui. “Căng thẳng, cuồng chân hay không là do mình, nếu chăm chỉ, khéo tay, sáng tạo thì không gian quanh mình cũng đủ để ta bày biện, sắp xếp và chơi theo cách của mình cả tháng, cả năm mà không biết chán”, chị Lê cho hay.
Năm cũ rồi sắp qua, năm mới chuẩn bị đến. “Có lẽ, nhiều năm sau này chúng ta còn nhắc lại thời điểm khó khăn này. Dù gian nan đến đâu cứ vững tâm là sẽ vượt qua. Vững tâm không phải cứ hô hào là có. Mình phải tự tìm cách khắc phục. Với tôi, cắm hoa, trang trí nhà cửa cũng là một cách để duy trì tinh thần lạc quan, phấn khởi cho cả nhà.
Hãy cứ nhìn không gian tràn ngập hoa lá rực rỡ của mùa xuân sắp đến đi, trong lòng chúng ta sẽ cảm thấy vui tươi, nhẹ nhõm, dấy lên những niềm hi vọng. Tôi tin rằng, mùa xuân mới sẽ tới với nhiều đổi thay mới, chúng ta sẽ thích ứng linh hoạt, sống chung với dịch bệnh một cách hòa bình hơn để cuộc sống bình thường thực sự trở lại”, chị Lê hào hứng bày tỏ.