Diện mạo hạ tầng giao thông Thủ đô ngày một hiện đại
Tăng cường khả năng kết nối giao thông Thủ đô
Hà Nội với vai trò là Thủ đô, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế của cả nước đang ngày một nỗ lực vươn mình. Hàng loạt dự án giao thông quan trọng của Hà Nội đã đưa vào sử dụng, cùng nhiều dự án giao thông đang triển khai góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và làm cho diện mạo hạ tầng giao thông Thủ đô ngày một hiện đại.
Minh chứng dễ thấy, Hà Nội đã từng bước đưa vào khai thác, vận hành hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông đô thị quan trọng; góp phần tăng khả năng kết nối, giảm ùn tắc giao thông, tạo động lực để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Theo đó, nhiều con đường, nút giao thông đã được xây dựng rộng rãi, khang trang như: Vành đai 2, cầu Vĩnh Tuy, đường Vành đai 3, trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ), Quốc lộ 1A (đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi), một số đoạn tuyến của đường vành đai 2,5 và 3,5. Các công trình cầu vượt tại các nút giao thông quan trọng như nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt; An Dương - đường Thanh Niên, đường nối từ Vành đai 3 đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường Tản Lĩnh - Ba Vì... Những trục giao thông này đã, đang cải thiện hạ tầng giao thông, diện mạo đô thị, tạo thêm lực phát triển cho Thủ đô.
Thành phố Hà Nội đã liên tục chú trọng đầu tư nhằm hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông |
Ngoài ra, nhiều tuyến cao tốc quan trọng kết nối vùng, lấy Thủ đô làm trung tâm đã hoàn thành, đưa vào khai thác như: Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Hải Phòng; Pháp Vân - Cầu Giẽ... thúc đẩy giao thương, văn hóa, góp phần khẳng định vị thế và sự phát triển ổn định, bền vững của Thủ đô.
Đặc biệt, hiện Hà Nội đã khởi công Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và đang được tích cực triển khai. Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 có tổng chiều dài khoảng 112,8km, qua địa phận thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh.
Đây là dự án quan trọng quốc gia, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị... Do đó, ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện dự án, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã thể hiện sự quyết tâm cao, tinh thần đoàn kết, tập trung, đồng bộ trong chỉ đạo thực hiện.
Thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh lân cận trong triển khai dự án, tổ chức thực hiện nhanh, hiệu quả từng nội dung có liên quan đến địa phương mình, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ chung của toàn bộ dự án.
Vận tải hành khách công cộng từng bước được đồng bộ
Cùng với tăng cường xây dựng hạ tầng giao thông Thủ đô, hệ thống phương tiện vận tải của thành phố cũng đồng bộ, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội. Với lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, thời gian qua mạng lưới xe buýt Hà Nội tiếp tục được phát triển, điều chỉnh hợp lý hóa để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.
Cụ thể, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố gồm 154 tuyến (trong đó 132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour).
Đáng chú ý, mạng lưới xe buýt hiện đã tiếp cận 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%; 512/579 số xã, phường thị trấn, đạt 88,4%; 65/75 bệnh viện đạt 87%; 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đạt 67%; 27/27 các khu công nghiệp lớn đạt 100%; 33/37 các khu đô thị đạt 89,2%; 23/24 làng nghề đạt 95,8%; 23/25 khu di tích lịch sử văn hoá khu du lịch đạt 92%;
Hệ thống xe buýt cũng kết nối với 7 tỉnh thành lân cận như: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông vào vận hành |
Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông vào vận hành, khởi đầu cho kỷ nguyên mới của vận tải công cộng nhanh - khối lớn, hiện đại, văn minh, thân thiện với môi trường.
Thành phố đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội, để đưa vào khai thác vận hành trước đoạn trên cao vào năm 2024; tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại.
Được biết, thời gian tới Hà Nội cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại, làm cơ sở khởi công trong giai đoạn 2025 - 2030; nghiên cứu quy hoạch vị trí sân bay thứ 2.
Đặc biệt, tại Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng 10 cầu vượt sông Hồng gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4), Thăng Long mới (Vành đai 3), Tứ Liên, Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).
Có thể thấy, những thành tựu và kết quả đạt được trong phát triển hạ tầng đã góp phần giảm tải áp lực giao thông cho Thủ đô, từng bước hạn chế ùn tắc và tại nạn giao thông trên địa bàn, tăng cường kết nối Thủ đô với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Nhờ đó, giao thông vận tải đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.