Đô thị Hà Nội "chuyển mình" toàn diện
Phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại Hành trình tái hiện ký ức đô thị Hà Nội qua từng thước phim Cần có duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, lâu dài, cơ bản, hiện đại |
Phát triển toàn diện cả bề rộng lẫn chiều sâu
Quán triệt theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Quốc hội khoá XII, gắn với thực hiện Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội đã phát triển toàn diện cả bề rộng lẫn chiều sâu, thay đổi lớn lao từ tầm vóc, diện mạo, quy mô đến nhịp độ cuộc sống.
Đến nay, nhiều dự án khu đô thị mới được xây dựng đồng bộ, văn minh, hiện đại như: Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, Mỹ Đình, Vinhomes Smart City... về phía Tây; Việt Hưng, Vinhomes River side, Vin City Ocean Park, Vin 2... về phía Đông; Linh Đàm, Garmuda... về phía Nam; Ciputra, Tây Hồ Tây, khu Ngoại giao đoàn... ở phía Bắc, đem lại không gian phát triển đô thị mở rộng và hiện đại hơn.
![]() |
Hạ tầng cơ sở khang trang, đồng bộ tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh (Ảnh: Đỗ Tâm) |
Sự hiện diện của các khu đô thị mới ở Hà Nội không chỉ góp phần tích cực vào việc giải quyết căn bản nhu cầu nhà ở, sinh hoạt của người dân mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tạo nên những không gian sống tốt hơn nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ cuộc sống ngày càng cao của người dân.
Cùng với việc đồng bộ hóa hạ tầng đô thị trong khu vực nội đô, TP cũng đang tập trung đầu tư, chuẩn bị các điều kiện để xây dựng các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân, đến nay, hai huyện Đông Anh và Gia Lâm đã cơ bản thực hiện xong giai đoạn đầu tư, xây dựng phát triển để lập Đề án thành lập quận, phường. Các huyện còn lại đang trong thời điểm rà soát, đánh giá và công nhận trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của các khu vực dự kiến thành lập quận, phường.
Đồng thời, TP đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc với một số dự án: TP thông minh Bắc Hà Nội, công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, triển khai Khu tổ hợp thương mại quy mô lớn outlet, kêu gọi đầu tư phát triển khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài... và đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để dần xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành TP thông minh trong tương lai gần.
![]() |
Thủ đô Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ |
Để có thêm những không gian vui chơi, sinh hoạt văn hóa, giải trí cho người dân, trong thời gian qua, Hà Nội đã nghiên cứu xây dựng, từng bước đưa vào các không gian, tuyến phố đi bộ: Trần Nhân Tông kết nối với hồ Thiền Quang, Công viên Thống Nhất; Trịnh Công Sơn, thành cổ Sơn Tây...
TP cũng tiếp tục triển khai 4 dự án nước sạch nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn. Hạ tầng thoát nước được đầu tư, đáp ứng tưới tiêu phát triển nông nghiệp...
Hướng tới xây dựng TP "không dây" an toàn, văn minh, Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị viễn thông, điện lực thực hiện hạ ngầm đường dây điện, cáp viễn thông đi nổi. Theo đó, hàng loạt "mạng nhện" gây mất mỹ quan đô thị trên nhiều tuyến phố đã dần được thanh thải, xóa bỏ. Các tuyến phố sau khi được "xóa rác trời", thực hiện chỉnh trang hè phố, kết hợp trồng cây xanh... mang đến bộ mặt đô thị ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp và văn minh hơn.
Bên cạnh đó, TP nỗ lực khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử, các không gian công cộng; gắn với bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan, lịch sử, bảo tồn không gian lịch sử văn hóa; nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị, quản lý và xử lý hiệu quả các vấn đề về nhà ở đô thị, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự và an toàn giao thông, xử lý chất thải, nước thải và bảo đảm vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị...
Bứt phá mạnh mẽ
Để sớm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển đô thị, tại Kế hoạch số 216/KH-UBND, TP Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu tỉ lệ đô thị hóa dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 60 - 62%, đến năm 2030 đạt khoảng 65 - 75%. Một số chỉ tiêu cụ thể nhằm nâng cao chất lượng đô thị cũng được đặt ra, như đầu tư xây dựng 2-3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh; đến năm 2030, có 3-5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế.
![]() |
Một góc Thủ đô Hà Nội |
TP cũng đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng; phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường Vành đai 4 và xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2027. TP cũng sẽ đầu tư, xây dựng phát triển đô thị, hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô.
Hiện, TP Hà Nội quyết tâm cao độ hoàn thiện đồng bộ các phần việc quan trọng, nhằm hoạch định vóc dáng Thủ đô trong tương lai, trong đó có 2 đồ án quy hoạch mang tầm vóc bao trùm, toàn diện.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định đến năm 2030 cũng định hướng phát triển Hà Nội là Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", xanh, thông minh, ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Các nội dung đề xuất, phương án phát triển trong Quy hoạch Thủ đô tập trung xoay quanh 5 trụ cột phát triển gồm: Văn hóa, con người và di sản nghìn năm văn hiến; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại; xã hội số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt trong quá trình phát triển đã được các chuyên gia, nhà khoa học chỉ ra trong quá trình nghiên cứu tổ chức lập quy hoạch, Quy hoạch Thủ đô đã xác định được 4 khâu đột phá phát triển bao gồm: Thể chế và quản trị; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đô thị, môi trường và cảnh quan.
Quy hoạch Thủ đô đồng thời xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Nhiệm vụ về bảo vệ môi trường; giao thông, phát triển đô thị, nông thôn; nhiệm vụ về kinh tế; nhiệm vụ về văn hóa xã hội; nhiệm vụ về an ninh, an toàn; nhiệm vụ về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực.
Về tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội sẽ là TP kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Có thể thấy, những thành quả của chặng đường hoạt động tái thiết đô thị đã mở ra kỳ vọng về việc thúc đẩy mạnh hơn lĩnh vực này trong những giai đoạn tới, góp phần phát triển Thủ đô theo hướng hiện đại, bền vững.
Đô thị Hà Nội với lịch sử lâu đời, đan xen nhiều phong cách kiến trúc, đa dạng không gian và rất nhiều các loại hình công trình hạ tầng. Hàng nghìn di tích đã và đang cần được trùng tu, cải tạo. Những giá trị văn hóa này là nền tảng quan trọng cho các dự án tái thiết đô thị, giúp bảo tồn và phát huy những nét đẹp truyền thống.
![]() |
Nhiều chuyên gia đánh giá, điểm mạnh của Hà Nội là có văn hóa lịch sử lâu đời, một dữ liệu quan trọng để giới nghệ sĩ sáng tạo; nhất là hàng trăm di tích trong đô thị đang cần trùng tu, cải tạo lại thay vì đóng cửa thường xuyên.
Những không gian công cộng cũng như không gian điểm tham quan cần phải đổi mới, sáng tạo dựa trên dòng chảy văn hóa lịch sử. Các dự án nghệ thuật công cộng hay dự án thúc đẩy phát huy giá trị di sản cần được tích hợp thêm nghệ thuật để trở thành không gian sáng tạo, kích thích hoạt động kinh tế, du lịch phát triển.
Cùng với đó, hơn 100 cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô Hà Nội, được coi như nguồn tài nguyên lớn nếu TP tái thiết, chuyển đổi thành các không gian sáng tạo hoặc không gian công cộng.
Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Trương Ngọc Lân, Phó Trưởng Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, TP còn một tiềm năng lớn nằm ở các không gian thiên nhiên như: Khu vực sông Hồng, gắn với đó là khu dân cư ven sông; hồ Tây, sông Tô Lịch, các làng nghề…
Tái thiết đô thị không đơn giản là cải tạo trên các khu vực đã có sẵn mà người ta phải tác động vào đó nhiều khía cạnh, cả mối liên hệ với xung quanh như hạ tầng, sinh kế, sinh hoạt cộng đồng của cư dân. Thời gian qua, Hà Nội thực hiện nhiều dự án mang tính chất tái thiết đô thị, mặc dù quy mô nhỏ nhưng đem lại bộ mặt mới cho khu vực đó, đồng thời cung cấp thêm không gian cho giới hoạt động sáng tạo, nghệ sĩ, kiến trúc sư.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Các chương trình cải tạo, chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị Hà Nội thực hiện thời gian qua đang từng bước tăng tính hấp dẫn cho Hà Nội, góp phần nâng cao chất lượng, môi trường sống của người dân, hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Nghiên cứu xây chung cư 40 tầng tại khu tập thể cũ Thành Công

Khởi công hai dự án giao thông quy mô hơn 1.400 tỷ đồng

Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất xây dựng cao tốc từ sân bay Long Thành đến Hồ Tràm

Quảng Nam: Sớm tháo gỡ vướng mắc cho dự án cầu Thanh Nam

Gấp rút triển khai các công trình để phục vụ cho APEC 2027 tại Phú Quốc

Phương án làm đường kết nối sân bay Gia Bình với Hà Nội

Mở rộng không gian phía trước Kinh thành Huế

Điều chỉnh thời gian hoạt động các không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm

Hội An sẽ trở thành đô thị thông minh vào năm 2030
