Doanh nghiệp bất động sản nỗ lực “vượt” bão
Các doanh nghiệp bất động sản không có rủi ro vỡ nợ trong ít nhất 12 tháng tới Nền tảng văn hóa của doanh nghiệp bất động sản Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản |
Trải qua nhiều cơn khủng hoảng, suy thoái nhưng có lẽ đợt “bão” này đã khiến các doanh nghiệp bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Bên cạnh những doanh nghiệp “khụy ngã” có không ít đơn vị đang cố gắng cầm cự, trụ lại giữa cơn chao đảo của thị trường.
Lỗ vẫn cố gắng làm
Tham gia kinh doanh trong nhiều lĩnh vực nhưng mọi người thường biết đến Novaland là một trong những công ty kinh doanh bất động sản lớn của TP Hồ Chí Minh cũng như nhiều tỉnh thành khắp cả nước, với nhiều đại dự án, được đầu tư xây dựng hoành tráng.
Tuy nhiên, gần đây cái khó của doanh nghiệp đã được thể hiện khá rõ trong báo cáo tài chính nửa đầu năm 2024. Theo báo cáo này, lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong 6 tháng đầu năm nay của Novaland ghi nhận lỗ 7.327 tỷ đồng; tổng doanh thu hợp nhất 3.731 tỷ đồng, bao gồm doanh thu đến từ bán hàng, cung cấp dịch vụ và từ hoạt động tài chính.
Doanh thu thuần bất động sản đạt gần 1.891 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái, được ghi nhận từ việc bàn giao tại các dự án như: NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Aqua City, Palm City.
Một góc dự án NovaWorld Phan Thiết đang được doanh nghiệp nỗ lực thi công, khôi phục niềm tin của khách hàng |
Lý giải về sự chênh lệch trong lợi nhuận sau thuế, theo Novaland phần lớn đến từ khoản trích lập dự phòng tiền thuê đất, tiền sử dụng đất phải nộp tính theo phương án giá đất năm 2017 của dự án 30,106ha Nam Rạch Chiếc, phường An Phú, TP Thủ Đức. Tuy nhiên, những rắc rối pháp lý liên quan đến một số dự án của Novaland chỉ là một trong nhiều cái khó mà các công ty bất động sản đang phải đối diện.
Có thể nói trong nhiều năm liên tiếp, hàng loạt những khó khăn nối tiếp nhau kéo đến khiến các công ty bất động sản chao đảo. Khởi điểm “khó” trong thời gian gần đây phải nói đến đại dịch COVID-19. Cơn đại dịch làm tê liệt các hoạt động kinh doanh, sản xuất trong một thời gian dài. Đại dịch đi qua, hàng loạt các doanh nghiệp quay lại thị trường bằng những bước chân “khập khiễng”.
Chưa kịp hồi phục hoạt động sau đại dịch, các doanh nghiệp lại tiếp tục đối diện cơn khủng hoảng suy thoái kinh tế trên thế giới. Các ngành nghề bắt đầu khan hiếm đơn hàng, các công ty bắt đầu phải tính chuyện cắt giảm lao động, giảm giờ làm. Những biến động đó khiến người lao động, người dân bắt đầu phải tính đến chuyện thắt chặt chi tiêu.
Thị trường mặt bằng cho thuê phải đối mặt với làn sóng trả mặt bằng. Thị trường bất động sản mất dần tính thanh khoản, hoạt động mua bán gần như tê liệt. Thị trường bán lẻ đối diện với lượng khách suy giảm nghiêm trọng…
Tất cả những biến động này tác động mạnh vào nhiều doanh nghiệp. Doanh nghiệp lớn thì tính chuyện thu nhỏ hoạt động, doanh nghiệp nhỏ thì đóng cửa, chỉ giữ lại cái tên. Nhà đầu tư thì tính chuyện rút vốn… giữa cái khó lại chồng thêm khó.
Không ít tên tuổi lớn trong ngành bất động sản lâm vào tình cảnh bị “tẩy chay” vì không thể giao nhà đúng hạn, cũng không thể hoàn trả số tiền mà nhà đầu tư muốn rút vốn. Niềm tin vào doanh nghiệp bị xói mòn.
Giữa “cơn bão” đó, nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực tìm giải pháp để trả lại niềm tin cho khách hàng. Theo đại diện Novaland, hàng loạt các dự án trọng điểm như NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận), NovaWorld Ho Tram (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Aqua City (Đồng Nai)… đang được Novaland đẩy mạnh thi công. Nỗ lực tái cấu trúc tài chính, từng bước khôi phục hoạt động kinh doanh, khôi phục niềm tin nhà đầu tư và thực hiện cam kết với khách hàng.
Dự kiến, trong 6 tháng cuối năm 2024, Novaland sẽ hoàn thiện xây dựng và bàn giao 2.600 sản phẩm.
Dự án Aqua City nhìn từ trên cao. Nỗ lực đầu tư dự án đã góp phần thay đổi cảnh quan cả một khu vực rộng lớn |
Thách thức lớn nhất là khôi phục niềm tin của khách hàng
Mặc dù thị trường đã có nhiều dấu hiệu biến đổi tích cực, thế nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản đều thừa nhận khó khăn vẫn còn lớn ở phía trước.
Theo ông Võ Hồng Thắng - Phó Tổng Giám đốc DKRA Group, mặc dù các luật mới được ban hành nhưng vẫn cần thêm các thông tư, nghị định hướng dẫn thực hiện. Các nút thắt pháp lý chưa được tháo gỡ kịp thời vô hình trung đã thu hẹp khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng với lãi suất còn đang ở mức thấp, khiến không ít các doanh nghiệp gần bị động trong các kế hoạch nguồn vốn, dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, áp lực còn đến từ việc sức cầu thị trường giảm ở mức thấp do tâm lý “chờ đợi” từ người mua bất động sản thận trọng trước những sự thay đổi liên tục của thị trường.
Còn theo ông Trần Quốc Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, cần làm rõ và xóa bỏ lo ngại trong khâu định giá đất nhằm có sự hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp và người dân; làm sao tính đúng và tính đủ chi phí đầu tư hợp lý của doanh nghiệp…
“Theo tôi, ngành bất động sản đang có nhiều điểm sáng trở lại với những nỗ lực của Chính phủ, các ban, ngành và doanh nghiệp, dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp bất động sản là khôi phục lại niềm tin, sự quan tâm của nhà đầu tư lẫn khách mua ở thực trong thời gian qua”, ông Dũng nói.
Dự án Richmond City được Tập đoàn Bất động sản Hưng Thịnh đầu tư xây dựng trên địa bàn quận Bình Thạnh |
Định hướng chiến lược của Tập đoàn Hưng Thịnh trong thời gian tới sẽ phát triển các sản phẩm dựa trên nhu cầu thực của thị trường, tận dụng sức mạnh nội tại, đóng góp giá trị xã hội và tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi hướng đến tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền. Sắp tới, liên danh Công ty CP TTD Holding - Công ty CP Hưng Thịnh Incons, công ty thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh sẽ triển khai thực hiện dự án khu nhà ở xã hội tại TP Hải Phòng. Hiện tại, chúng tôi cũng đã đạt thoả thuận với tổ chức ngân hàng về việc tài trợ vốn cho các dự án để tiếp tục việc xây dựng”, ông Dũng cho biết.
“Thận trọng nhưng lạc quan” là nhận định của ông Võ Hồng Thắng - Phó Tổng Giám đốc DKRA Group về thị trường bất động sản trong thời gian sắp tới. “Khi các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản mới cùng các thông tư, nghị định hướng dẫn sau thời gian đã đủ độ “ngấm” lên thị trường sẽ góp phần rất lớn giúp tháo gỡ các vướng mắc pháp lý các doanh nghiệp đang gặp phải, khơi thông nguồn cung cũng như củng cố niềm tin nơi người mua bất động sản”, ông Thắng nhận xét.
Tương tự, cũng với tinh thần lạc quan, ông Trần Quốc Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng, nhiều chỉ số kinh tế khởi sắc, tín dụng được cải thiện, mặt bằng lãi suất vay vẫn giữ ở mức thấp và tiến độ giải ngân đầu tư công được thúc đẩy, sự quan tâm của người dân đã được cải thiện, thị trường sẽ tiếp tục khởi sắc.
Dự án Riverside Complex do Tập đoàn Bất động sản Hưng Thịnh đầu tư tại Quận 7 với kiến trúc hiện đại |
“Các doanh nghiệp hiện nay đã tìm ra, sẵn sàng cho hướng đi mới, tăng tốc phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước để giải quyết những "nút thắt". Từ đó, các chủ đầu tư sẽ tự tin hơn trong việc triển khai các dự án mới, nhà đầu tư sẽ được tiếp thêm niềm tin, tạo điều kiện cho dòng tiền từ các khoản đáo hạn ngân hàng tiếp tục đổ vào bất động sản. Khi ấy, quá trình phục hồi của thị trường bất động sản sẽ thể hiện rõ nét hơn”, ông Dũng lạc quan.
Không thể phủ nhận những giá trị mà các doanh nghiệp bất động sản đã và đang đóng góp cho xã hội. Giữa muôn vàn khó khăn mà doanh nghiệp đang đối diện, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ nhằm cụ thể hóa các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn chung cho doanh nghiệp đã và đang là “liều thuốc” giúp quá trình hồi phục kinh tế nhanh và đúng hướng. Niềm tin của nhà đầu tư bất động sản hy vọng sẽ sớm quay trở lại.