Doanh nghiệp logistics đề xuất đẩy mạnh kết nối hệ thống cảng biển quốc gia
Diễn tập an ninh cảng biển tại kho cảng PV GAS Vũng Tàu |
"Chìa khóa" tiến gần hơn tới kinh tế biển "xanh" |
Công bố danh mục 34 cảng biển Việt Nam |
Cảng Đà Nẵng dẫn đầu khu vực miền Trung về lượng hàng hóa trong năm 2021 (Nguồn: mt.gov.vn) |
Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) phối hợp với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn vừa tổ chức Hội nghị thường niên năm 2022 với hơn 500 đại biểu đến từ 79 cảng thành viên, cùng các doanh nghiệp logistics trong cả nước.
Kết quả kinh doanh có nhiều khởi sắc
Theo ông Bùi Văn Quý, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam kiêm Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, sau 2 năm bị gián đoạn bởi dịch COVID-19, Hội nghị thường niên VPA 2022 được tổ chức trong bối cảnh kết quả sản xuất kinh doanh của các thành viên có nhiều khởi sắc dù còn nhiều khó khăn phía trước do tình hình kinh tế thế giới có dấu hiệu suy thoái.
Ông Lê Công Minh - Chủ tịch VPA cho rằng, những khó khăn trong giai đoạn phục hồi hậu đại dịch COVID-19 đã đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế Việt Nam, các cảng biển nói riêng. Tuy nhiên, nhờ Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; hơn 42% vào năm 2025 và hơn 44% vào năm 2030. Hàng hóa XNK tăng đồng nghĩa hoạt động vận tải cũng tăng lên.
Theo báo cáo của VPA, kinh tế Việt Nam sau giai đoạn dịch bệnh đang cố gắng duy trì tốc độ phát triển cao trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn bất định trên phạm vi toàn cầu. Thương mại hàng hải nói riêng phát triển chưa ổn định do những yếu tố thay đổi về nguồn hàng, giá cả, chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam nhấn mạnh kinh tế biển là 1 trong 3 trụ cột để thành phố phát triển (Ảnh Đoàn Minh) |
Thống kê sản lượng hàng hóa tại miền Trung, đối với 2 cảng Đà Nẵng và Quy Nhơn dẫn đầu với hơn 10 triệu tấn thông qua năm 2021. Riêng cảng Đà Nẵng có sản lượng container cao nhất hơn 668,000 TEU (tăng 20%), cảng Quy Nhơn đạt 160,000 TEU giảm 12% so với năm trước.
Các cảng có sản lượng cao tiếp theo là Quốc tế Lào Việt, Chân Mây, Cam Ranh, PTSV Quảng Ngãi, Gemadept Dung Quất, Thị Nại có sản lượng trên 1 triệu đến 3,6 triệu tấn, cảng Cái Mép - Thị Vải đạt 5,4 triệu TEU (tăng 20% so với năm 2020). Riêng cảng Nghệ Tĩnh duy trì được sản lượng container thông qua hơn 86,000 TEU, nhưng giảm 7% so với năm trước.
Tăng cường kết nối - khai thác bền vững
Trong những năm qua, VPA luôn là trung tâm gắn kết sức mạnh nội sinh, tăng cường đoàn kết, tính minh bạch trong hoạt động của các cảng thành viên, đóng vai trò tham mưu đắc lực cho Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan về Quy hoạch phát triển cảng biển Việt nam, chính sách giá, phát triển cảng xanh, chuyển đổi số hướng đến phát triển bền vững...
Cảng biểnChu Lai (Quảng Nam) đã hoàn thiện hồ sơ thủ tục để xây dựng bến cảng mới đón tàu 5 vạn tấn |
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam nhấn mạnh, thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP Đà Nẵng đang nỗ lực phấn đấu trở thành một trung tâm kinh tế biển.
Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã nêu rõ kinh tế biển là 1 trong 3 trụ cột để TP phát triển và trên thực tế, TP có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển.
Trong đó, cảng Đà Nẵng là một nhân tố quan trọng trong tổ chức và hoạt động của VPA, là cảng biển có sản lượng hàng hóa thông qua cao nhất miền Trung, đặc biệt là hàng container. Lãnh đạo TP sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các cảng biển của TP kết nối thêm với các cảng biển trong khu vực và trên thế giới.
Tại hội nghị gần 500 đại biểu đến từ 79 cảng thành viên, các doanh nghiệp logistics trong cả nước thảo luận, tìm giải pháp để thực hiện các mục tiêu trong Quy hoạch phát triển tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050; phát triển cảng bền vững, xây dựng cảng thông minh, cảng xanh, chuyển đổi số…
Tại hội nghị, các doanh nghiệp logistics đã đề xuất nhiều giải pháp khai thác cảng biển theo hướng bền vững (Ảnh Út Vũ) |
Tại hội nghị, đại diện cảng Hải Phòng đã trình bày về giải pháp quản lý giá dịch vụ cảng biển và cạnh tranh lành mạnh, đồng thời kiến nghị điều chỉnh khung giá dịch vụ cảng biển quy định tại Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT ngày 14/11/2018 của Bộ GTVT.
Cùng với đó, ông Ngô Minh Thuấn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đề xuất các giải pháp về đồng bộ hệ thống hạ tầng hoạt động khai thác cảng; cải cách chính sách, thủ tục hành chính, pháp lý; Thúc đẩy kết nối chuyển đổi số, áp dụng công nghệ đối với khai thác cảng, phụ trợ hậu cảng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đặc biệt, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam đã đưa ra các kiến nghị cụ thể, cấp bách nhất với Nhà nước và các cơ quan thẩm quyền. Cụ thể, điều chỉnh giá dịch vụ cảng biển sát hợp với quy mô đầu tư và nhu cầu phát triển của từng loại cảng biển, giảm nhanh mức độ bao cấp cho vận tải nội địa, quốc tế.
Bên cạnh đó, xem nạo vét duy tu cảng biển là hoạt động công ích, khắc phục nhanh khó khăn bất cập về thỏa thuận địa điểm đổ vật chất nạo vét cải tạo luồng, duy tu trước bến hàng năm của cảng biển phạm vi toàn quốc.
Đồng thời, ưu tiên đầu tư cho luồng lạch, giao thông kết nối cảng biển với hậu phương theo quy mô thiết kế và tiềm năng phát triển từng khu vực; Nhanh chóng có Nghị định hướng dẫn thực hiện cơ chế đổi mới phát triển cảng biển theo mô hình cơ quan quản lý cảng biển vùng miền theo quy định của Bộ luật Hàng hải năm 2015.
Bài toán phát triển kinh tế cảng biển hiện còn nhiều khó khăn và thách thức |
Những con số ấn tượng về khối lượng hàng hóa được thông qua cảng biển Việt Nam thời gian qua đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng khẳng định vị trí, tầm quan trọng của kinh tế cảng biển trong phát triển kinh tế ở nước ta.
Tuy nhiên, bài toán phát triển kinh tế cảng biển hiện còn nhiều khó khăn và thách thức, nhất là việc hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng phục vụ…
Chính vì vậy, để đẩy mạnh phát triển toàn diện và bền vững kinh tế cảng biển, thì việc lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời gian tới cần sự đồng bộ và chiến lược dài hạn.