Đổi thay tại huyện Mê Linh sau 15 năm "về với" Thủ đô
Ngát hương trà sen Mê Linh |
Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân
Thực hiện nghị quyết 15 của Quốc hội, năm 2008, huyện Mê Linh tách khỏi tỉnh Vĩnh Phúc, về với Thủ đô Hà Nội. Sau 15 năm, bộ mặt của huyện Mê Linh đã có những đổi thay tích cực, đáng chú ý.
Nhìn chung, kinh tế huyện Mê Linh duy trì tốc độ phát triển tương đối cao; Cơ cấu chuyển mạnh sang công nghiệp hóa và hiện đại hóa, phát triển ngành dịch vụ.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Ba cho huyện Mê Linh |
Đáng chú ý, quy mô ngành công nghiệp của huyện Mê Linh tăng 3,98 lần so với năm 2008, chủ yếu nhờ vào Khu công nghiệp Quang Minh I và II. Hai khu công nghiệp này đóng góp khoảng 900 tỷ ngân sách mỗi năm và giải quyết việc làm cho 38.000 lao động.
Nông nghiệp tiếp tục là điểm sáng của huyện Mê Linh. Các cánh đồng chuyên canh lớn và nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn giúp tỷ trọng ngành nông nghiệp trong bức tranh kinh tế chung của Mê Linh sáng sủa. Hiện tại, Mê Linh là địa phương sản xuất rau lớn nhất thành phố Hà Nội. Đồng thời, Mê Linh cũng trở thành thủ phủ hoa tươi của Thủ đô với sản lượng hoa cắt cành, hoa thế rất lớn.
Nông nghiệp là điểm sáng tại huyện Mê Linh |
Nhờ những điểm tích cực này, thu nhập bình quân của người dân tại huyện Mê Linh được nâng cao rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người tại huyện Mê Linh năm 2022 là 60 triệu/người, cao gấp 5,4 lần so với năm 2008.
Chú trọng văn hóa, giáo dục và an sinh
Là địa phương với hệ thống di tích dày đặc, huyện Mê Linh coi trọng xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, gắn với tâm linh, tín ngưỡng. Hai điểm đến quan trọng là Khu đền thờ Hai Bà Trưng (xã Mê Linh) và khu đồi 79 mùa xuân (xã Thanh Lâm).
Năm 2022, lần đầu tiên huyện Mê Linh tổ chức thành công lễ hội hoa với tên gọi "Mê Linh rực rỡ sắc hoa". Sự kiện này thu hút đông đảo du khách, đồng thời cũng góp phần khẳng định thương hiệu hoa Mê Linh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến dâng hương tại đền thờ Hai Bà Trưng |
Bên cạnh đó, trong 15 năm qua, hệ thống giáo dục và chất lượng giáo dục của huyện Mê Linh duy trì ổn định. Đến nay, ngành Giáo dục huyện Mê Linh đứng thứ 17/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội. Chất lượng giáo dục mũi nhọn của Mê Linh đứng thứ 13 toàn thành phố.
Y tế và an sinh tại huyện Mê Linh được chú trọng thường xuyên. Huyện Mê Linh là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai khám sức khỏe toàn dân và lập sổ khám sức khỏe điện tử (đạt 100%).
Lễ hội đền thờ Hai Bà Trưng |
Ngoài ra, công tác đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ trẻ em và phụ nữ, hỗ trợ hộ cận nghèo tại huyện Mê Linh cũng mang lại hiệu quả thiết thực. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Mê Linh hiện nay chỉ còn 0.03% (so với 10.77% vào năm 2008).
Tái khởi động dự án "đắp chiếu", giải quyết đất dịch vụ
Dự án chậm triển khai từng là vấn đề nhức nhối tại Mê Linh. Vài năm gần đây, với sự vào cuộc quyết liệt của Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy, một số dự án đã tái khởi động - cụ thể là dự án nhà ở HUD Mê Linh. Thêm nữa, 6 dự án đô thị đã cơ bản hoàn thành các thủ tục, chủ đầu tư cam kết khởi công trong thời gian sớm nhất.
Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đã tổ chức khởi công xây dựng Tổ hợp dự án nhà ở tại Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 vào năm 2022 |
Đối với các chủ đầu tư không thực hiện triển khai dự án, cố tình ôm đất, không đủ tiềm lực triển khai, tiếp tục kéo dài chậm triển khai… huyện Mê Linh kiên quyết kiến nghị thành phố thu hồi để kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực vào phát triển kinh tế địa phương. Thực tế, tháng 6 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội vừa quyết định chấm dứt, dừng thực hiện 3 dự án trên địa bàn huyện Mê Linh sau hơn 15 năm không triển khai thực hiện,
Vấn đề đất dịch vụ cũng là bài toán khó đối với Mê Linh. Lời giải cho bài toán này chỉ có vào đầu năm 2023 khi UBND thành phố Hà Nội có văn bản đồng ý chủ trương giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, tồn tại về giao đất dịch vụ cho Nhân dân Mê Linh. Hiện tại, UBND huyện Mê Linh đã tập trung xây dựng đề án giao đất dịch vụ cho người dân trên địa bàn huyện.
Nhanh chóng, quyết liệt GPMB phục vụ Vành đai 4
Huyện Mê Linh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Thậm chí, Mê Linh còn phát động một phong trào thi đua trong toàn huyện để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB).
Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh đã báo cáo kết quả công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (đoạn tuyến qua huyện Mê Linh) |
Kết quả, đến hết tháng 6/2023, Mê Linh đã chi trả trên 600 tỷ đồng kinh phí bồi thường, GPMB với diện tích 121.19 héc-ta của 3.400 hộ, đạt 99.2% diện tích đất nông nghiệp, đất giao thông, thuỷ lợi.
Ngày 27/7, huyện Mê Linh đã thực hiện bàn giao (đợt 1) phần diện tích đã được thực hiện công tác GPMB trên địa bàn các xã: Kim Hoa, Thanh Lâm, Đại Thịnh, Văn Khê và Chu Phan với tổng diện tích là 957.924,2m2/1.184.1360,0m2 (đạt 81.79% tổng diện tích toàn tuyến qua địa bàn huyện Mê Linh).
Trung tâm hành chính huyện Mê Linh |