Ngát hương trà sen Mê Linh
Huyện Mê Linh giải phóng 99% diện tích đất nông nghiệp thuộc dự án đường vành đai 4 6 tháng đầu năm, huyện Mê Linh thu ngân sách gần 3.000 tỷ đồng |
Làm giàu từ đầm sen
Trong suốt nhiều năm, vì các lý do khác nhau, diện tích đất trồng lúa tại thôn Liễu Trì (xã Mê Linh) thường xuyên bị ngập úng, thậm chí, không ít cánh đồng bị hoang hóa. Mỗi năm, bà con chỉ gieo cấy được một vụ lúa nhưng năng suất thấp, giá trị kinh tế không cao. Do đó, nhiều hộ dân đã bỏ không những diện tích đất này.
Là người con của quê hương Liễu Trì, chứng kiến những cánh đồng bạc màu, bị hắt hủi, hoang phế, anh Lã Quang Khanh rất buồn bã. “Mỗi tấc đất đều là tấc vàng”, anh thầm nghĩ. Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, anh Khanh hạ quyết tâm sẽ làm giàu trên chính mảnh đất bạc màu của quê hương.
Nghĩ là làm, từ năm 2011, anh Khanh đã thuê đất nông nghiệp của các hộ không canh tác để nuôi trồng thủy sản. Thời gian đầu mới bắt tay vào sản xuất, do thiếu kinh nghiệm, ít hiểu biết kỹ thuật nên giá trị đem lại từ nuôi trồng thủy sản không cao.
Anh Lã Quang Khanh nỗ lực chung tay phát triển thương hiệu trà sen Mê Linh |
Năm 2016, anh Khanh chuyển sang trồng sen. Từ những kiến thức thông qua sách vở và học tập ở bạn bè, anh Khanh nhận thấy, sen có sức sống mãnh liệt, gần như không có sâu bệnh nên việc trồng không quá khó. Anh bắt đầu trồng sen trên diện tích 5 héc-ta.
Đến năm 2017, anh Khanh tiếp tục đàm phán với các hộ dân trong thôn để thuê đất trồng sen. Năm đó, anh đồng ý trả cho người dân 25kg thóc/sào/năm và thuê lại khoảng 20 héc-ta đồng trũng.
Đứng trước cánh đồng phủ kín bèo tây, cỏ lác mọc um tùm, vợ anh lắc đầu ngán ngẩm. Ngược lại, bản thân anh Khanh lại nhìn thấy cơ hội đổi đời. Anh thuê người dọn dẹp, cải tạo suốt gần 1 năm trời. Làm được đến đâu, anh bắt đầu trồng sen đến đó.
Lúc đấy, do chưa có kinh nghiệm, anh trồng giống sen quỳ để lấy hạt nhưng năng suất không cao, bị chuột bọ phá hoại gần hết. Thu không đủ bù chi khiến anh lỗ cả trăm triệu đồng. Những tưởng anh sẽ nản chí song nghị lực của người đàn ông này lại lớn đến không ngờ.
“Vấn đề lúc đó là tôi vẫn chưa thuê được mặt nước lớn, nhà này cho thuê, nhà khác không đồng ý, nên đầm sen mỗi nơi một ít, rất khó để canh tác”, anh Khanh phân tích. Để mở rộng đầm sen, tiện cho canh tác quy mô lớn, năm 2018, anh tiếp tục đi vận động người dân cho mình thuê ruộng. Mỗi năm mở rộng thêm vài chục héc-ta, đến nay diện tích đầm sen của anh Khanh đã vượt quá 50 héc-ta.
Thay vì trồng giống sen lấy hạt như trước, hiện nay, anh chọn trồng loại sen phục vụ nhu cầu chơi hoa và ướp trà là sen bách diệp. Ngoài ra, anh còn trồng sen bạch liên có giá trị kinh tế cao, kén người chơi.
Anh Khanh nhìn thấy cơ hội đổi đời từ trồng sen |
Mỗi mùa thu hoạch sen (từ tháng 5 - 9 hằng năm), anh Khanh cùng với hàng chục nhân công tất tả từ sáng sớm. Sen hồng dùng để ướp trà phải được thu hái từ sớm tinh mơ. Bởi tầm 4 - 5 giờ sáng, lúc đó búp hoa sen vừa chớm nở sẽ giữ được trọn vẹn mùi hương. Sen trắng thì được hái vào buổi chiều cho kịp chuyến chợ đêm chở đi khắp Thủ đô phục vụ khách.
Phát triển thương hiện trà sen Mê Linh
Hiện nay, trên diện tích 50 héc-ta, mỗi ngày gia đình anh Khanh cung cấp cho thị trường 8.000 - 10.000 bông hoa sen. Ngoài phục vụ nhu cầu thưởng hoa của người dân, gia đình anh Khanh còn liên kết với Hợp tác xã Tâm Trà Thái (tỉnh Thái Nguyên) và một số hộ trồng chè ở xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) để cung cấp hoa, lá sen.
Đáng chú ý, gia đình anh Khanh cũng tự xây dựng quy trình ướp trà riêng và xây dựng thành thương hiệu trà sen Mê Linh, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 2-3 tấn sản phẩm, doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng/năm, cao gấp 3-5 lần canh tác lúa truyền thống.
Nhận định về hướng phát triển của trà sen Mê Linh, ông Lê Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, cho biết, mô hình trồng sen của gia đình anh Lã Quang Khanh không chỉ giúp nâng cao thu nhập, làm đẹp cảnh quan làng quê, mà còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Gia đình anh Lã Quang Khanh đầu tư nhiều máy móc, công nghệ phục vụ chế biển, bảo quản trà sen |
Được biết, nhằm hỗ trợ người nông dân phát triển kinh tế, UBND huyện Mê Linh đã giao Phòng Kinh tế huyện phối hợp với các xã, thị trấn rà soát lại những diện tích vùng trũng trồng lúa kém hiệu quả để khuyến khích người dân chuyển đổi sang trồng sen kết hợp nuôi thủy sản, hạn chế bỏ ruộng hoang.
Bên cạnh đó, huyện Mê Linh cũng hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào quá trình sản xuất; Hỗ trợ cơ sở sơ chế, chế biến thành các sản phẩm từ sen, tham gia đánh giá, phân hạng trong chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, phát triển trà sen là một hướng đi đúng, hứa hẹn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, để mô hình trồng sen phát triển bền vững, sản phẩm từ hoa sen trở thành thương hiệu riêng, huyện Mê Linh cần mở rộng diện tích, phát triển thêm mô hình và xây dựng thành làng nghề sen, kết hợp sản xuất và phát triển du lịch sinh thái, nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Bởi, khi trở thành làng nghề, Mê Linh sẽ tạo ra bộ sản phẩm đặc trưng trong "giỏ hàng" OCOP của huyện nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.