Đối thoại về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết, các chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động thường xuyên được Nhà nước điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Trong khi đó không ít người sử dụng lao động, người lao động bận rộn vì công việc hoặc vì những lý do khách quan khác mà chưa có điều kiện tìm hiểu, nắm bắt được những điểm mới của chế độ, chính sách, trong đó có những chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH), an toàn vệ sinh lao động… Điều này đã khiến việc thực thi chính sách pháp luật có nơi, có lúc chưa được hiệu quả và không ít người lao động bị thiệt thòi quyền lợi.
Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc tại buổi đối thoại |
“Nhằm cung cấp kiến thức pháp luật, đặc biệt về những chế độ chính sách mới được điều chỉnh liên quan đến tiền lương, BHXH, an toàn vệ sinh lao động tới người sử dụng lao động và người lao động, góp phần để chính sách được thực thi hiệu quả, bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho người lao động, đẩy lùi tai nạn lao động, trong buổi giao lưu trực tuyến hôm nay, chúng tôi lựa chọn chủ đề là chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động”, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Người lao động tham gia chương trình |
Phát biểu tại buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, ông Nguyễn Chính Hữu - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội ghi nhận và biểu dương những cố gắng, nỗ lực của Báo Lao động Thủ đô, LĐLĐ quận Tây Hồ nói riêng, các Công đoàn cấp trên cơ sở nói chung trong việc tích cực phối hợp tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, tạo kênh thông tin nhanh, chính xác, hữu ích để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ).
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố nhấn mạnh, chủ đề “Chính sách về tiền lương, BHXH và an toàn vệ sinh lao động”, rất thiết thực, ý nghĩa, giúp đoàn viên công đoàn và người lao động có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt những kiến thức liên quan đến chính sách về tiền lương, chế độ BHXH và các vấn đề về an toàn vệ sinh lao động để từ đó có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình trong quan hệ lao động. Các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nên tổ chức nhiều cuộc đối thoại như thế này.
Ông Nguyễn Chính Hữu - Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố phát biểu chỉ đạo tại buổi đối thoại |
Tại chương trình, nhiều công nhân, lao động đã đưa ra những thắc mắc liên quan đến chính sách tiền lương và an toàn lao động. Chị Bùi Diệu Linh - Công đoàn Trường Mầm non Tây Hồ hỏi: “Những nhóm đối tượng nào được áp dụng tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023? Mức tăng cụ thể như thế nào? Lao động thử việc có được hưởng lương tháng 13 không?”.
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội trả lời: Từ 1/7 tới mức lương cơ sở sẽ có sự điều chỉnh, nếu có tính tỷ lệ thì mức lương cơ sở sẽ tăng 20%. Tất cả đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước sẽ có sự điều chỉnh trên cơ sở mức lương cơ sở nhân với hệ số theo chức danh hưởng lương từ Nhà nước. Mức lương cơ sở không áp dụng với đối tượng ngoài Nhà nước. Như vậy, tùy theo hệ số cao thì mức lương sẽ cao.
Liên quan đến hợp đồng thử việc như bạn hỏi, về nguyên tắc, người lao động sẽ được đối xử bình đẳng. Tuy nhiên, hợp đồng lao động với hợp đồng thử việc khác nhau ở chỗ hợp đồng lao động được người sử dụng lao động và người lao động xác lập với nhau trên cơ sở có xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn. Riêng hợp đồng thử việc thì với chức danh quản lý kinh doanh thì mức hợp đồng thử việc là 6 tháng, với các đối tượng khác là 22 tháng.
Về câu hỏi, lao động thử việc có được hưởng lương tháng 13 không, riêng tháng lương thứ 13 về bản chất là tiền thưởng chứ không phải là lương. Việc xác định tiền thưởng tháng 13 với người thử việc, trên khía cạnh pháp luật là không bắt buộc, tuy nhiên sẽ căn cứ vào thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Một điểm nữa, lương tháng 13 không phải đóng BHXH.
Người lao động tham gia đặt câu hỏi |
Chị Nguyễn Thị Thu Hương - Trường Trung cấp Quốc tế Hà Nội hỏi: "Lao động ký hợp đồng thời vụ có phải đóng BHXH không? Ở trường tôi, có cán bộ là lao động nam, anh đóng BHXH nhưng vợ anh không đóng thì khi vợ anh sinh con thì đối với lao động nam có được hưởng chế độ gì không"?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội giải đáp: Với trường hợp cán bộ là lao động nam, anh đóng BHXH nhưng vợ anh không đóng thì khi vợ anh sinh con thì đối với lao động nam có được hưởng chế độ. Tuy nhiên phải đi kèm với điều kiện là lao động nam phải đóng đủ bảo hiểm 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi vợ sinh. Anh sẽ được hưởng 2 tháng lương cơ sở. Ngoài ra, anh sẽ được nghỉ theo chế độ. Với ý bạn hỏi, lao động ký hợp đồng thời vụ có phải đóng BHXH không, theo quy định, hiện không có hợp đồng thời vụ.
Ban Tổ chức tặng hoa cho các chuyên gia |
Phát biểu bế mạc buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết: Hằng năm, Báo đều tổ chức trên 10 cuộc đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến. Hôm nay, tại quận Tây Hồ, sau gần 3 giờ, với hơn 30 câu hỏi tập trung vào những chế độ chính sách liên quan thiết thân đến người lao động như: Chế độ BHXH, tiền lương, an toàn vệ sinh lao động… hầu hết các câu hỏi đã được chuyên gia giải đáp thỏa đáng.