Phấn đấu đến năm 2025, Hà Nội có khoảng 50% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH
Chủ trì buổi làm việc có Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An, Trưởng đoàn khảo sát; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến và Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà.
Quang cảnh buổi làm việc |
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho người dân tham gia BHXH
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội: Hà Nội có trên 104.000 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), cũng là địa phương có số tiền chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng lớn nhất cả nước.
Ước tính đến hết năm 2023, số người tham gia BHXH trên địa bàn TP là 2.218.675 người, tăng 544.836 người (tương ứng tăng 32,6%) so với năm 2018, chiếm 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Số người tham gia BHTN là 2.054.556 người, tăng 468.272 người (tương ứng tăng 29,5%) so với năm 2018, chiếm 39% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội là 656.085 người, chiếm khoảng 52,5% số người sau độ tuổi nghỉ hưu.
Trong 5 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, mặc dù tình hình kinh tế của Thủ đô và đất nước bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn, tác động đến việc làm, nợ BHXH… Song, TP cơ bản đã hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra, góp phần đảm đảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội Phan Văn Mến báo cáo tại buổi làm việc |
Về một số kết quả nổi bật trong cải cách chính sách BHXH theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW, Thành ủy, UBND TP đã chỉ đạo công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là điều kiện tiên quyết cho việc đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHXH nhằm chuyển đổi tác phong làm việc từ hành chính sang hành chính phục vụ; Đảm bảo các chế độ, chính sách, thủ tục hồ sơ, quy trình thực hiện BHXH, BHTN đều được công khai, minh bạch.
TP đã thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; Cắt giảm tối đa các thủ tục, giấy tờ, đơn giản hóa thủ tục hành chính; Thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong lĩnh vực BHXH; Thực hiện dịch vụ Bưu chính công (đơn vị, doanh nghiệp không phải trả cước phí của dịch vụ vận chuyển) giảm chi phí và thời gian đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đơn vị, doanh nghiệp tham gia và thu hưởng các chế độ BHXH.
Bên cạnh đó, từ năm 2020, BHXH TP đã triển khai tính năng cho phép người tham gia nộp tiền đóng tiếp BHXH tự nguyện thông qua các ứng dụng như ngân hàng điện tử, trên website, phần mềm trên thiết bị di động hoặc tại quầy giao dịch của các ngân hàng. Hà Nội cũng đã triển khai ứng dụng VssID- Bảo hiểm xã hội số trên nền tảng thiết bị di động. Đến tháng 4/2023, có 3.724.860 người đăng ký tài khoản giao dịch điện tử và cài đặt ứng dụng VssID.
Xác định việc xây dựng đội ngũ viên chức, người lao động trong lĩnh vực BHXH, BHTN, bảo hiểm y tế có trình độ chuyên môn cao, phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, tận tâm với công việc là nhiệm vụ quan trọng, hằng năm, BHXH TP cử nhiều lượt công chức, viên chức và người lao động tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị... Đồng thời, thường xuyên quán triệt, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại buổi làm việc |
Đặc biệt, để tăng nhanh số doanh nghiệp và người lao động tham gia BHXH, Bảo hiểm xã hội TP đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành thống kê toàn bộ danh sách các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn. Cùng với đó, TP giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện cho từng đại lý thu; Tăng cường vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện; Khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện... Nhờ đó, đến 31/12/2022, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn TP là 75.015 người, tăng 52.331 người so với năm 2018.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền đối với chính sách bảo hiểm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, báo cáo của Thành ủy Hà Nội cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại, như tính tự giác chấp hành pháp luật BHXH của một số đơn vị chưa cao, đặc biệt là các đơn vị sử dụng ít lao động (dưới 10 lao động), trong khi việc xử lý các hành vi gian lận, trốn đóng BHXH, BHTN, bảo hiểm y tế cũng còn hạn chế…
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo nâng cao số lượng người tham gia BHXH tự nguyện; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người tham gia BHXH, nhất là trong việc chi trả tiền lương hưu hằng tháng. Tuy vậy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng cho rằng, số người tham gia BHXH của TP còn chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của Thủ đô; Nhận thức của cấp ủy, chính quyền đối với việc cải cách chính sách BHXH đã được nâng lên nhưng một số nơi vẫn còn hạn chế; Tỷ lệ nợ BHXH cũng còn lớn…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, trong thời gian tới, Thành ủy Hà Nội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 50% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; Khoảng 40% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Đạt khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An kết luận buổi làm việc |
Kết luận buổi làm việc, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An, Trưởng đoàn khảo sát, ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đồng bộ, toàn diện, tích cực trên nhiều mặt của TP Hà Nội trong thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW, nhất là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thông tin, tuyên truyền, xây dựng văn bản cụ thể hóa… Đặc biệt, với số lượng người thụ hưởng chính sách BHXH rất lớn, song, Hà Nội đã thực hiện tốt phương châm chi trả đảm bảo an ninh, an toàn, đúng kỳ, đúng đối tượng, thông qua đó, tạo niềm tin tốt cho người lao động, người tham gia BHXH trên địa bàn.
Lưu ý khu vực kinh tế tư nhân của TP rất sôi động, đóng góp ngày càng lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, với tỷ lệ 1,5% lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH như hiện nay là thấp và chưa tương xứng với tiềm năng. Do vậy, Trưởng đoàn khảo sát đề nghị Hà Nội cần có giải pháp để nâng tỷ lệ này lên, hướng đến mục tiêu BHXH toàn dân.
Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Hà Nội, đồng chí Đỗ Ngọc An cho biết, Đoàn khảo sát sẽ tiếp thu để gửi đến Chính phủ, Quốc hội phục vụ quá trình xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Đồng chí cũng đề nghị TP Hà Nội sớm hoàn thiện báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW để để gửi Đoàn khảo sát.