"Đồng bộ" ý thức với giao thông hiện đại
Tuyên truyền Luật Căn cước mới, tăng cường ý thức cho học sinh Cần thẳng thắn và trách nhiệm hơn trước nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm Trình phương án về nồng độ cồn khi tham gia giao thông |
Xu hướng văn minh
Hà Nội đã bước vào những ngày nắng nóng, phải đi xe máy hay xe đạp vào những ngày này mới thấy hết được "mặt trái" của đô thị với hiệu ứng nhà kính, khói xăng xe và bụi bặm của đường phố.
Đó là chưa kể những lúc tắc đường, lúc gặp mưa rào bất chợt xối xả, hết xăng hết điện giữa chừng, cán phải đinh, bị xe to tạt đầu... bao nhiêu bất tiện của việc dùng phương tiện cá nhân đều khiến chúng ta ít nhất một lần ngao ngán.
Người dân Hà Nội ngày càng sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhiều hơn |
Chị Thùy Anh (ở quận Đống Đa, Hà Nội) sợ nhất những lúc tan tầm. "Len lỏi trong đám tắc đường, sặc sụa mùi khói xăng và bụi, không mặc áo chống nắng thì toàn thân đều mùi khét lẹt mà mặc thì nóng chảy mồ hôi, tôi thực sự ước giá như Hà Nội bớt các phương tiện cá nhân đi.
Bảo sao có rất nhiều người yêu Hà Nội hơn vào những ngày lễ vì lúc đó không còn nhiều xe cộ ồn ào, không còn những tiếng còi xe máy gắt gỏng, những tiếng rú ga lạng lách hay ngõ nhỏ cũng có thể tắc bất cứ lúc nào", chị Thùy Anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, với việc cơ quan chức năng thực hiện nghiêm ngặt về kiểm tra nồng độ cồn khi tham gia giao thông khiến những người uống rượu bia không còn "cơ hội" lách luật, bất chấp, coi thường tính mạng của bản thân và người khác khi đã "lâng lâng" mà còn cầm lái.
Bởi thế, lựa chọn phương tiện giao thông công cộng vừa đảm bảo an toàn, văn minh vừa tiện lợi. Với hệ thống xe bus chạy khắp nội thành, ngoại thành, kết nối các tuyến giao thông trong khu vực và hệ thống nhà ga xe điện đang tiếp tục hoàn thiện, người dân Thủ đô đang được hưởng lợi ích vô cùng to lớn từ những hiện đại mà Hà Nội đang có được.
Giao thông công cộng là xu hướng, là thói quen văn minh, là lựa chọn thông minh, tiết kiệm cho người đô thị.
Để giao thông công cộng thực sự phát triển, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định Điều 31 “Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng”.
Theo Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), việc đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại TP Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) và bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững.
Nói như TS Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam: "Cơ chế về TOD như quy định trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo cơ sở cho việc đẩy nhanh hoàn thiện mạng lưới tuyến đường sắt đô thị của Thủ đô, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp như đã đề ra trong Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị".
Góp lối sống xanh cho thành phố
Những người còn "khư khư" với những phương tiện di chuyển cá nhân sẽ dần thay đổi quan niệm bởi Hà Nội đang tạo những điều kiện thuận lợi, đổi mới từng ngày với người dân về các phương tiện giao thông công cộng.
Ngày trước, người ta thường có suy nghĩ: Nhà tôi trong ngõ nhỏ, xe bus không chạy qua, phải đi rất xa mới ra được bến xe, chỗ tôi đi làm không tiện chuyến xe, không có chuyến nào chạy qua nhà, phải bắt rất nhiều chuyến, tôi còn phải tạt chỗ nọ chỗ kia...
Ngày nay, đúng như giới trẻ thường nói "thích thì tìm cách, không thích thì tìm lý do", người Hà Nội đã có rất nhiều cách để tận dụng các phương tiện công cộng cho cuộc sống của mình xanh, sạch hơn.
"Tôi mua chiếc xe đạp gấp, sáng đạp ra ga tàu điện, gấp lại xách lên tàu, lúc xuống thì bỏ xe ra đạp đến cơ quan, vừa nhanh vừa tiện lợi, lại được tranh thủ tập thể dục mỗi ngày", anh Minh (ở quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ.
Còn chị Hải Yến (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) thì cho biết sáng mình đi bộ ra điểm để xe đạp công cộng, đạp xe đến ga tàu rồi khi xuống tàu lại đạp xe đạp về công ty. "Thực sự quá tiện lợi mà cảm giác mình luân chuyển giữa các phương tiện giao thông trong ngày thấy mình năng động, trẻ trung, khởi đầu một ngày mới với đầy hứng khởi", chị Yến tâm sự.
Phấn khởi tương tự, chị Phương (ở quận Long Biên, Hà Nội) còn mách cho khắp đồng nghiệp và chị em, bạn bè cài đặt app xe bus vào điện thoại. Chị hào hứng kể: "Mình có thể đi khắp Hà Nội và các tỉnh lân cận với xe bus, tiện lợi vô cùng. App báo đúng giờ xe đến, báo điểm đến, báo chỗ xuống, văn minh hiện đại, chẳng tội gì mà tự lái xe máy vừa đông vừa nguy hiểm lại bụi bặm".
Hình ảnh buổi sáng buổi chiều Hà Nội với những guồng xe đạp thong dong, với những chiếc xe bus ra vào bến bao bước chân từ học sinh, sinh viên đến công chức, người già tản về các nẻo đường mang đến một Hà Nội năng động hơn, xanh và sạch hơn.
Ý thức sử dụng phương tiện giao thông công cộng của người dân ngày càng nâng lên. Tại ga tàu điện, người dân trật tự, lần lượt lên xuống tàu, không chen lấn, xô đẩy. Những người lần đầu tiên đi còn bỡ ngỡ sẽ được nhân viên và cả những người đã thạo hướng dẫn rất nhiệt tình.
Ngay cả những cụ ông, cụ bà cũng rất hào hứng và đã nhanh chóng sử dụng tàu điện để di chuyển trong thành phố. "Ga tàu sạch, tàu chạy nhanh, không có tiếng ồn, lại không phải chịu mưa, nắng, nóng, thật quá thuận tiện để di chuyển nhưng điều khiến tôi thích nhất là người sử dụng phương tiện này đều rất văn minh, không ồn ào, không tụ tập nói chuyện oang oang hay ăn uống trên tàu", bà Hoàng Thị Lệ (ở quận Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ sự tâm đắc.
Rõ ràng, phương tiện giao thông công cộng của Hà Nội ngày càng phát triển và khi Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo thêm những ưu đãi cho phát triển hệ thống xuyên suốt khắp thành phố thì người dân càng nên nâng cao ý thức.
Ý thức ở việc tăng cường sử dụng xe buýt, xe đạp, tàu điện. Ý thức thêm nữa ở việc tham gia các phương tiện công cộng một cách văn minh bằng việc trả xe đạp để ngay ngắn, xếp hàng ngay ngắn khi lên xuống tàu xe, trật tự, lịch sự không chen lấn xô đẩy hay gây tiếng ồn và có những hành động đẹp giúp đỡ mọi người...
Có như thế thì sự văn minh, phát triển của thành phố sẽ "đồng bộ" với ý thức của người dân, làm cho Hà Nội đẹp hơn, đáng sống hơn nữa.