Cần thẳng thắn và trách nhiệm hơn trước nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm
Hình thành những thói quen tốt để đảm bảo thực phẩm an toàn Mất an toàn thực phẩm trong...tủ lạnh Thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn tiện nhưng có lợi? |
Cả nể thành... đau bụng
Cười nói tưng bừng chúc mừng chủ nhà vừa xây được căn biệt thự to đẹp, hiện đại sau nhiều năm tích cóp xong, chị Hiền (ở huyện Đông Anh, Hà Nội) cùng đồng nghiệp ngồi vào bàn tiệc. Lúc bóc các tấm màng bọc bảo vệ các đĩa thức ăn ra, chị Hiền đã nhìn thấy một quả cà chua bi bị chuột gặm nham nhở trong đĩa xa lát nhưng vì là bạn thân của chủ nhà nên chị nghĩ nếu giờ nói ra mọi người ăn mất ngon.
Chị vội vàng lấy mẩu giấy ăn bọc quả cà chua bi đó lại, nhanh tay lẳng xuống gầm bàn, không ai kịp phát hiện ra. Tất nhiên, cả bữa tiệc chị không động đến món xa lát đó. Không những thế, chị còn tích cực khen cỗ ngon, món nào cũng "điểm 10" để xứng tầm với căn nhà đẹp mà bạn chị vừa khánh thành.
Ngay khi ra khỏi bàn tiệc, vốn là người "yếu bụng", chị Hiền đã thấy nhâm nhẩm đau. Rất may, khi về nhà chị uống liền mấy viên thuốc vào nên "êm dạ" trở lại. Hôm sau, chị nghe bạn bè, đồng nghiệp kể có người bị "tào tháo đuổi" chạy suốt đêm.
Những món ăn cần phải được chuẩn bị kĩ lưỡng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong mùa nắng nóng (Ảnh minh họa) |
Dù vậy, khi gặp anh Thành - người mời tân gia hôm đó, ai cũng vẫn hồ hởi khen nhà đẹp, tiệc ngon. "Đó là phép lịch sự. Nếu giờ mình kêu ca phàn nàn là bị đau bụng, bị rối loạn tiêu hóa thì bạn mình sẽ mất vui.
Họ sẽ vô cùng áy náy, có khi còn gửi lại quà mừng nhà mới, rồi hàng ngày nhìn nhau không được thoải mái lắm. Thôi thì cố gắng bỏ qua, nếu không thực sự bị ngộ độc thực phẩm nặng thì quên đi là xong", chị Hiền đưa ra quan điểm.
Tâm lý "chỉ là một bữa ăn thôi mà", "lần sau đi nhớ mang theo thuốc", "lần sau không quay lại nữa"... tồn tại với không ít người. Bởi vậy, dù được mời ăn cỗ hay trả tiền tại các quán ăn, cửa hàng tại Hà Nội, những người này thường "tặc lưỡi bỏ qua".
"Nhà người ta có cỗ, ai cũng mong chu toàn nhất nhưng chẳng may thế này thế kia, ai muốn vậy đâu". "Quán này không ngon thì lần sau ăn quán khác. "Một đi không trở lại", đó cũng là cách "góp ý" với chất lượng và sự phục vụ của nhà hàng rồi". Một số người đưa ra quan điểm.
Nâng cao ý thức để đảm bảo an toàn cho mình và mọi người
Trong khi đó, "thẳng thắn với các nguy cơ mất an toàn thực phẩm" là quan niệm mà chị Thúy An (ở quận Long Biên, Hà Nội) luôn đặt lên hàng đầu. "Bởi lẽ, thực phẩm là thứ liên quan trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của mỗi người", chị Thúy An nhấn mạnh.
Chị kể câu chuyện, một buổi sáng đầu tuần, do vội không kịp ăn sáng ở nhà, chị mua gói xôi cốm ngay trước cửa cơ quan. Khi vừa mở ra, mùi hạt sen thiu khó chịu sộc ngay vào mũi, chị đóng gói xôi lại, gọi ngay cho số điện thoại ghi trên nhãn gói xôi: "Cô quay lại lấy ngay giúp cháu đi, xôi bị thiu rồi cô ạ".
Hãy thẳng thắn và kĩ càng hơn với những thực phẩm mình sẽ ăn (Ảnh minh họa) |
Sau đó, chị nhất định trả lại gói xôi và lấy lại tiền của mình dù bà bán xôi khẳng định là mới nấu sáng nay, không thể thiu được. Thấy thái độ có phần cứng nhắc của chị, nhiều đồng nghiệp có ý can ngăn nhưng chị nói cho rõ: "Hạt sen rõ ràng có mùi thiu. 50 ngàn đồng gói xôi không đáng là bao nhiêu nhưng không thể vì thiu mà em cố ăn.
Hơn nữa, em cũng không thể vì không ăn được nhưng vì thương cô ấy là bán hàng rong mà vứt gói xôi đi, chịu thiệt ít tiền cho qua chuyện. Cô ấy đi bán hàng thì càng phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Số điện thoại, thương hiệu xôi của cô ấy ghi rõ ràng trên nhãn thế kia cơ mà. Rõ ràng, cô ấy cần phải giữ chữ tín cho việc làm của mình.
Nếu ai cũng chỉ vì giá trị gói xôi nhỏ mà bỏ qua là dung túng cho hành động coi thường vệ sinh an toàn thực phẩm để người bán không trách nhiệm với khách hàng. Ví thử như em hôm nay cố ăn vào, rồi trong cuộc họp quan trọng mà cứ xin ra ngoài để đi vệ sinh, hay bỏ lỡ mất hợp đồng kí kết quan trọng, hay chẳng may đi đường mà không tìm được chỗ để "xả" thì sao? Mình phải góp ý thẳng thắn thì mới ngăn chặn được những nguy cơ có thể xảy ra này".
Nghe chị Thúy An phân tích, mọi người cũng thấy có lý. Lâu nay chúng ta bị tâm lý cả nể mà thành ra nhiều khi cứ để những tình trạng mất an toàn thực phẩm xảy ra. Trở lại câu chuyện của chị Hiền ở trên, một thời gian sau, trong lúc vui vui, chị kể lại với anh Thành, anh vô cùng áy náy.
Sử dụng nguyên liệu tươi sạch để có bữa ăn an toàn (Ảnh minh họa) |
Chả là hôm đó nhà anh đều bận nên thuê một nhà hàng chuẩn bị tiệc cho. Anh cũng tin tưởng nên không kiểm tra nguyên liệu để chế biến các món ăn, lại càng không kiểm soát khi đã bày lên bàn tiệc.
"Giá như bạn nói sớm thì tớ sẽ có lời xin lỗi, mong mọi người thông cảm hoặc sẽ mời một bữa khác để đền bù. Chứ để thế tớ áy náy quá. Vả lại, nếu biết thế tớ cũng sẽ báo với nhà hàng kia, để họ làm ăn cẩn thận hơn", anh Thành tiếc nuối.
Còn với nhiều khách hàng, tâm lý "chỉ ăn một lần rồi không trở lại" đôi khi cũng sẽ dẫn đến tình trạng các nhà hàng không thực sự coi trọng khách, không chịu khó nâng tầm chất lượng món ăn và thái độ phục vụ khách. Nếu bán hàng chỉ với tâm lý "vợt" được khách nào thì "vợt" thì sẽ không bao giờ tiến bộ được.
Với những danh tiếng về ẩm thực mà người Hà Nội đã tạo dựng cả ngàn năm qua, là nơi du khách bốn phương đến để khám phá, trải nghiệm nền văn hóa độc đáo trong đó có các món ăn, việc phục vụ không chuyên nghiệp sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh Hà Nội. Trong khi đó, điều này cũng ảnh hưởng lớn đến khẩu vị, sự an toàn về sức khỏe của người tiêu dùng ngay tại thành phố này.
Do đó, mỗi người chúng ta cần có thái độ thẳng thắn hơn, nâng cao ý thức phản biện, góp ý với vấn đề an toàn thực phẩm để vì sức khỏe bản thân và mọi người.