Dự án Điện gió Quốc Vinh: Mới vận hành đã “rụng” cánh
Như Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng trong gần 10 ngày qua đã xảy ra hai vụ gãy, rơi cánh quạt điện gió khi những trụ tua-bin này mới đưa vào hoạt động không lâu.
Theo đó, vào ngày 21/11, một trụ điện gió thuộc dự án Nhà máy điện gió Quốc Vinh (nhà máy điện gió số 6) đặt tại ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng do Công ty TNHH Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng làm chủ đầu tư, đã bị gãy mất một phần cánh quạt khi đang… quay.
Ông Lê Thành Thanh - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng xác nhận sự việc và cho biết các đơn vị liên quan đang kiểm tra nguyên nhân để đánh giá cụ thể.
Trong khi đó, thông tin sự việc với báo chí vào chiều 23/11, đại diện Công ty TNHH Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng cho biết, phần cánh quạt rơi xuống rừng phòng hộ ven biển, cách trụ tua bin chừng 100m. Cột tua-bin đặt cách khu dân cư khoảng 300m nên sự việc không ảnh hưởng người dân.
"Nguyên nhân rơi cánh quạt đang được các đơn vị chức năng kiểm tra nhưng đánh giá ban đầu có thể do lỗi thiết kế ở điểm nối cánh từ nhà sản xuất. Đơn vị cung cấp thiết bị thông tin sự cố này hiếm khi xảy ra", đại diện Công ty TNHH Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng chia sẻ với báo chí.
Cánh quạt bị gãy tại dự án Nhà máy điện gió Quốc Vinh. (Ảnh: VnExpress/CĐT cung cấp) |
Được biết, Nhà máy điện gió Quốc Vinh do liên danh Công ty Cổ phần FECON (đại diện là Công ty Cổ phần đầu tư FECON) và Công ty Ecotech làm chủ đầu tư với công suất giai đoạn 1 là 30MW, tổng mức đầu tư hơn 1.420 tỷ đồng trên diện tích quy hoạch 7,5ha trên đất liền.
Nhà máy điện gió Quốc Vinh có 6 trụ turbine gió, mỗi turbine có công suất 5MW. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng khoảng 97,5 triệu kWh/năm. Dự án chính thức được công nhận vận hành thương mại (COD) vào ngày 29/10.
Tại dự án này, FECON đồng thời đảm nhiệm vai trò tổng thầu trong nước các hạng mục xây dựng và hạ tầng, phụ trách toàn bộ móng tuốc bin, hạ tầng giao thông, trạm biến áp và hệ thống đường dây truyền tải điện 110KV dài 18,9km.
Cánh quạt của một trụ điện gió tại xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu cũng bị gãy đầu tháng 11 (Ảnh: FB) |
Liên quan đến sự việc trên, đại diện một nhà đầu tư điện gió tỏ ra bất ngờ, bởi theo người này để xảy ra việc rơi cánh hoặc gặp sự cố tương tự là rất hy hữu. "Việc thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị điện gió được thực hiện rất công phu, quy trình chặt chẽ và yêu cầu kỹ thuật rất cao vì thế không được phép để xảy ra sai sót", vị này nói.
Theo người này, bằng mắt thường, nhìn từ bên ngoài, thiết kế của một tua-bin gió có vẻ đơn giản, nó chỉ là một chiếc quạt khổng lồ. Tuy nhiên, kết cấu lại vô cùng phức tạp với các quy chuẩn kỹ thuật, vật lý và động lực học chất lỏng được đưa vào thiết kế tua-bin gió.
"Chúng là một hệ thống phức tạp gồm các bộ phận hoạt động để khai thác nhiều năng lượng nhất có thể", vị này nhận xét.
Vị này cũng cho biết, đặc điểm chính của tua-bin gió là các cánh quạt. Hầu hết có ba, mặc dù một số thiết kế chỉ yêu cầu hai cánh. Các cánh quạt có hình dạng giống như cánh máy bay với thiết kế khí động học này tạo ra lực nâng nhiều hơn lực cản, khiến các cánh quạt quay để sản xuất năng lượng.
Trong khi đó, ông Hoàng Công Bảo - chuyên gia nghiên cứu về thi công các dự án điện cho rằng, việc đánh giá nguyên nhân cánh quạt tua-bin gặp sự cố như tại dự án Nhà máy điện gió Quốc Vinh phải chờ kết luận cụ thể của cơ quan chức năng.
"Nguyên nhân cụ thể phải chờ cơ quan chức năng kết luận mới biết chính xác, song có thể do cả yếu tố khách quan và cũng không ngoại trừ nguyên nhân chủ quan, có thể do thiết kế hoặc do quá trình thi công chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật", ông Bảo đánh giá.
Theo ông Bảo cũng không ngoại trừ việc thi công ẩu để đẩy nhanh tiến độ kịp được công nhận COD trước ngày 1/11/2021.
"Ở đây tôi không khẳng định việc thi công xây dựng, lắp đặt trụ điện gió tại hai dự án là không đảm bảo, bởi kết luận vẫn phải chờ phía cơ quan hữu quan. Có thể do tác động khách quan, nhưng nhiều khi lắp ráp các khớp nối chỉ cần cân bằng động bị lệch là chắc chắn xảy ra sự cố", ông Bảo nhìn nhận.
Ông Bảo cũng cho rằng, với lý do nào thì các cơ quan chức năng cũng cần đánh giá lại năng lực thực hiện dự án của các nhà đầu tư, đặc biệt là trách nhiệm của đơn vị nghiệm thu các công trình trên. "Rất may là sự cố xảy ra không gây hậu quả đáng tiếc, đây cũng là vấn đề để các nhà đầu tư điện gió khác phải thận trọng hơn trong quá trình thi công, lắp đặt", ông này chia sẻ.