Dự án đường Mỹ Phước - Tân Vạn chuẩn bị thông xe toàn tuyến
Kỳ vọng “thông huyết mạch” tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn |
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn có chiều dài 62km từ ngã ba Tân Vạn thuộc phường Bình Thắng, TP.Dĩ An đến huyện Bàu Bàng với tổng vốn đầu tư khoảng 4.300 tỷ đồng. Trong đó, tuyến đường được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, chiều dài 42km từ ngã ba Tân Vạn đến thị xã Bến Cát (Bình Dương).
Giai đoạn 2 từ thị xã Bến Cát đến Khu công nghiệp Bàu Bàng, dài 20km hiện đang khẩn trương hoàn thiện nút giao thông ĐT741 và sắp thông tuyến. Chủ trương đầu tư tuyến đường có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm tải, hạn chế ùn tắc cho tuyến quốc lộ 13, phục vụ đắc lực cho phát triển các địa phương, nhất là các khu công nghiệp phía bắc của tỉnh như các Khu công nghiệp Mỹ Phước, Bàu Bàng.
Đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, vật lực để nhanh chóng hoàn thành các hạng mục sau cùng, kịp thời thông xe toàn tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn |
Hiện nay, đội ngũ kỹ sư, công nhân thi công thuộc Tổng Công ty Becamex IDC để nhanh chóng hoàn thiện các hạng mục. Dự kiến sau khi thông tuyến, hiệu quả kinh tế của tuyến đường này là rất lớn, góp phần thúc đẩy giao thương, lưu thông hàng hóa từ Cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh đi các Khu công nghiệp Mỹ Phước, Bàu Bàng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn sau khi thông tuyến giai đoạn 2 kết nối với giai đoạn 1 sẽ góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí khoảng 30% cho các doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hóa so với đi theo tuyến quốc lộ 13. Trong khi tuyến quốc lộ 13 đang được xem xét nâng cấp, mở rộng và xây dựng một số nút giao thông, cầu vượt để tránh ùn tắc thì việc sớm hoàn thành, thông toàn tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn đang được các doanh nghiệp, đơn vị vận tải mong chờ.
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn từ khi chính thức được đưa vào sử dụng (giai đoạn I) đã mang lại những hiệu quả tích cực đến cuộc sống của người dân cũng như kinh tế - xã hội của Bình Dương. Tuyến đường ít đi qua các khu vực đông dân cư nên là một trong những điều kiện thuận lợi để hạn chế tình trạng ùn tắc, bảo đảm tốc độ lưu thông.
Ông Nguyễn Trọng Ân, Chủ tịch UBND thị xã Bến Cát, cho biết dự kiến vào tháng 4/2021, tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn đi qua địa bàn sẽ được tổ chức thông xe, đây là sự kiện mà người dân thị xã Bến Cát rất mong chờ. Địa phương đặt nhiều kỳ vọng việc thông xe sẽ tạo đà phát triển cho đô thị tại các địa phương nơi có tuyến đường đi qua, nhất là tạo thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn |
“Thời gian qua, địa phương cũng đã tích cực vận động, tuyên truyền đến các hộ dân trong khu vực giải tỏa để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Hầu hết các hộ dân thấy được tầm quan trọng của dự án, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua nhiều hình thức vận động, tuyên truyền, hầu hết người dân đều chấp thuận với các chính sách đền bù, giải tỏa và nhận được sự đồng thuận rất cao. Hiện còn 2 hộ dân ở khu phố 7B, phường Chánh Phú Hòa do đang xây dựng nhà và đã cam kết di dời, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công vào cuối tháng 3 này”, ông Nguyễn Trọng Ân cho biết.
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn là dự án được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa do Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư. Trong suốt thời gian khai thác, toàn bộ kinh phí duy tu nền đường, mặt đường, cây xanh, vỉa hè, hệ thống thoát nước, chiếu sáng hoàn toàn do Tổng Công ty Becamex IDC đảm nhận mà không dùng đến nguồn ngân sách tỉnh.
Nhằm nâng cao khả năng lưu thông cho các tuyến đường, HĐND tỉnh vừa thông qua chủ trương dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên các tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT746, ĐT747B, ĐT743 (dự án O&M). Dự án do Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư, tổng mức đầu tư dự kiến 9.623 tỷ đồng. Trong đó, chi phí dự kiến xây dựng trạm thu phí 48 tỷ đồng, sửa chữa mặt đường 613 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 1.238 tỷ đồng…
Dự án được đánh giá phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông - vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và quy hoạch tổng thể giao thông - vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh. Quy mô và phương án thiết kế sơ bộ của dự án đã được Sở Giao thông vận tải thống nhất. Các hạng mục trong dự án không trùng lắp với các hạng mục của Dự án “Cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tại Bình Dương”. Dự án phù hợp với quy hoạch thành phố thông minh cũng như quy hoạch giao thông đô thị hiện đại.
Có thể nói, việc đầu tư tuyến đường này từ nguồn vốn xã hội hóa là cách làm chủ động, sáng tạo của Bình Dương. Tuyến đường đã góp phần quan trọng vào việc giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để tránh tình trạng các tuyến đường quá tải vào các giờ cao điểm, cần nhanh chóng đầu tư mở rộng, xây dựng các nút giao khác mức như cầu vượt, hầm chui.
Việc thực hiện các Dự án O&M nói trên minh chứng Bình Dương tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương “xã hội hóa” trong việc huy động, thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân trên địa bàn.