Kỳ vọng “thông huyết mạch” tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn
Mở rộng nhiều tuyến đường kết nối khu vực ngoài đê sông Hồng với trung tâm Hà Nội |
Thực trạng giao thông chung
Ông lý giải thế nào về nghịch lý “càng làm đường thì càng ùn tắc” của Bình Dương?
- Ở thời điểm tỉnh Bình Dương được tái lập (năm 1997), toàn tỉnh chỉ có 2.186km đường giao thông, đa phần là kết cấu sỏi đỏ, cán đá láng nhựa, bề rộng chỉ hai làn xe, đã xuống cấp, quy mô, chất lượng khai thác ở mức thấp.
Bằng cách vận dụng sáng tạo chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước, tỉnh Bình Dương đã kêu gọi được nhiều nguồn vốn trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, trong đó có phương thức đầu tư BOT, đã được áp dụng thành công góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, đô thị hóa tỉnh nhà.
Ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bình Dương |
Hiện nay, Bình Dương được đánh giá là có hệ thống giao thông được đầu tư tốt, phát triển nhanh nhưng bên cạnh đó là hiện tượng ùn tắc giao thông ở khu vực cửa ngõ phía Nam của tỉnh.
Tốc độ phát triển giao thông của Bình Dương cũng chưa theo kịp với nhu cầu và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, thu hút đầu tư. Công nghiệp phát triển, kéo theo dân số cơ học tăng nhanh do lao động ngoài tỉnh đến sinh sống và làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, tổng số lao động ngoài tỉnh nhập cư đang làm việc và sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Dương hơn 1,2 triệu người (chiếm 53% dân số toàn tỉnh). Việc tăng dân số cơ học kéo theo sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân dẫn đến nhiều áp lực đối với hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng giao thông, trật tự - an toàn giao thông… góp phần gia tăng những khó khăn, thách thức trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn đoạn qua phường Phú Lợi |
Khi tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn được đưa vào khai thác, các doanh nghiệp vận tải điều chỉnh lộ trình đến các đầu mối giao thông phía Nam, trong đó, nhất là các phương tiện từ Tây Nguyên, Bình Phước và các khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi (TP HCM) nên lưu lượng phương tiện trên tuyến đường này tăng cao (nhất là xe container, xe tải…), do đó đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông một số nút giao, nhất là khu vực cửa ngõ phía Nam của tỉnh.
Với nhiệm vụ là người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải, xin ông cho biết Sở đã làm gì để giải vấn đề trên?
- Trước tình hình đó, ngành Giao thông vận tải đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tham mưu UBND tỉnh nhiều giải pháp để tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.
Khu vực vòng xoay An Phú |
Trước hết là tiếp tục rà soát, tham mưu rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hoá, đô thị hoá của tỉnh; tiếp tục đầu tư các tuyến đường theo trục Bắc Nam, Đông Tây, các tuyến vành đai Đông Tây...
Trên cơ sở quy hoạch đó, tham mưu kế hoạch, phân kỳ đầu tư cho từng giai đoạn. Một dự án, công trình trọng điểm của tỉnh đã và đang được tâp trung thực hiện như: Hoàn thành đưa vào sử dụng toàn tuyến đường Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng; Nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 từ cầu Vĩnh Bình đến ngã tư Lê Hồng Phong đạt quy mô 8 làn xe; Đặc biệt là dự án O&M của đường Mỹ Phước - Tân Vạn nhằm tiếp tục đầu tư giao lộ khác mức (hầm chui, cầu vượt…).
Chúng tôi cũng tiến hành “gieo hạt” cho các dự án giao thông đường thủy, đường sắt để giảm tải cho giao thông đường bộ.
Tuyến đường huyết mạch
Xin ông cho biết về tầm quan trọng của tuyến đường Mỹ Phước- Tân Vạn?
- Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn là điểm nhấn quan trọng để kết nối các khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương, qua đó tạo bứt phá kinh tế cho địa phương.
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn đi qua 5 địa bàn của tỉnh Bình Dương gồm TP Dĩ An, TP Thuận An, TP Thủ Dầu Một, TX Bến Cát và huyện Bàu Bàng.
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn đoạn qua TP Thủ Dầu Một |
Đây là tuyến đường đã giảm tải rất nhiều cho quốc lộ 13 vốn được ví là trục xương sống giao thông huyết mạch của địa phương này; giúp kết nối, liên thông các tuyến đường trên những địa bàn đi qua, góp phần rút ngắn thời gian, khoảng cách, tạo thuận lợi cho người dân và phương tiện đi lại
Cùng với quốc lộ 13, tuyến đường này đóng vai trò kết nối các khu công nghiệp trên địa bàn Bình Dương, Bình Phước, các tỉnh Tây Nguyên về TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là đến các đầu mối giao thông đường bộ, cảng biển của quốc gia.
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa do Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư hoàn toàn. Trong suốt thời gian khai thác, toàn bộ kinh phí duy tu nền đường, mặt đường, cây xanh vỉa hè, hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng, hoàn toàn do Tổng Công ty Becamex IDC đảm nhận. Nguồn ngân sách tỉnh không phải chi cho đầu tư, duy tu tuyến đường này.
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn đoạn qua TP Dĩ An |
Thực trạng giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn hiện nay đang được dư luận hết sức quan tâm, ông đánh giá sao về vấn đề này?
- Trên địa bàn tỉnh có hiện tượng hằn lún vệt bánh xe xuất hiện chủ yếu trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Nguyên nhân là do lưu lượng và tải trọng của các phương tiện lưu thông trên tuyến đường rất là cao như xe container, xe tải.
Đây là hiện tượng khá phổ biến trên các tuyến đường của cả nước, nhất là các giao lộ có lưu lượng và tải trọng phương tiện lớn. Trong nhiều năm qua, Bộ Giao thông vận tải đã huy động sự vào cuộc của các Viện Khoa học công nghệ giao thông, trường Đại học Giao thông vận tải, các giáo sư, chuyên gia đầu ngành để nghiên cứu nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục hiện tượng này.
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn không nằm ngoài tình trạng trên, đặc biệt hiện tượng này chủ yếu suất hiện ở làn giữa của xe tải nặng. Trong thời gian qua, Sở Giao thông vận tải và Tổng Công ty Becamex IDC đã thường xuyên rà soát, sửa chữa, khắc phục những đoạn tuyến bị hằn lún vệt bánh xe như cào bóc và thảm lại lớp bê tông nhựa nóng hoặc lớp bê tông xi măng. Trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải và Becamex IDC tiếp tục duy trì dặm vá, sửa chữa các điểm bị hằn lún vệt bánh xe.
Tiếp tục huy động các nguồn vốn xã hội hóa
Đó là những giải pháp tạm thời, còn những giải pháp xa, mang tính chiến lược, lâu dài thì như thế nào, thưa ông?
- Mới đây, HĐND tỉnh Bình Dương vừa thông qua chủ trương dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên các tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT746, ĐT747B, ĐT743 (dự án O&M). Dự án do Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư, tổng mức đầu tư dự kiến 9.623 tỷ đồng.
Nguồn thu của dự án này được sử dụng vào các mục đích như: Đầu tư xây dựng các cầu vượt, hầm chui, cầu vượt bộ hành tại các giao lộ, trả tiền điện chiếu sáng hằng năm. Bên cạnh đó, hằng năm tỉnh thực hiện duy tu, sửa chữa mặt đường, hệ thống cây xanh, hệ thống thoát nước, trung tu và đại tu theo định kỳ.
Để tiếp tục huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư các công trình trên, nhằm nâng cao khả năng lưu thông cho đường Mỹ Phước - Tân Vạn, tỉnh Bình Dương đã có chủ trương thực hiện dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông và các tuyến đường của tỉnh (dự án O&M), đầu tư xây dựng các hầm chui, cầu vượt tại các giao lộ.
Ngã tư Tân Vạn - Mỹ Phước và Đường DT 743 |
Xin ông cho biết rõ hơn về dự án O&M?
- Để tiếp tục huy động nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư các công trình trên, nhằm nâng cao khả năng lưu thông cho đường Mỹ Phước - Tân Vạn, tỉnh Bình Dương đã có chủ trương thực hiện dự án O&M (dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông đường Mỹ Phước - Tân Vạn và các tuyến đường của tỉnh).
Nguồn thu của trạm thu phí mới dự kiến đặt tại phía Bắc giao lộ An Phú và được sử dụng vào các mục đích như: Đầu tư xây dựng các cầu vượt, hầm chui, cầu vượt bộ hành tại các giao lộ, trả tiền điện chiếu sáng...
Việc thực hiện dự án O&M nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thu hút các nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân của tỉnh. Dự án đã được HĐND tỉnh thông qua chủ trương vào kỳ họp thứ VI, giữa năm 2020 vừa qua. Hiện nay, UBND tỉnh đang thực hiện quy trình lấy ý kiến của cấp Bộ, ngành, Trung ương về mặt chủ trương.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Thu hút đầu tư FDI tại Hải Phòng, kỳ vọng đón “đại bàng” |
Novaland tăng trưởng vượt kỳ vọng, đạt 1.177 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế |
Sửa chữa mặt cầu Thăng Long: Kỳ vọng vào công nghệ mới |