Du lịch Cà Mau "bứt phá" mạnh mẽ hậu COVID-19
"Điểm nhấn" phục hồi du lịch hậu COVID-19
Mùa du lịch cao điểm dịp 30/4 và 1/5 năm 2022, chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ của du lịch Cà Mau sau giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh. Trong chuỗi sự kiện “Cà Mau - Điểm đến năm 2022”, du lịch là lĩnh vực được kỳ vọng sẽ có những bứt phá mạnh mẽ nhất để tương xứng với tiềm năng, lợi thế và tài nguyên du lịch dồi dào của địa phương.
Sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2022” diễn ra từ quý I đến quý III năm 2022. Các sự kiện chính gồm: chuỗi sự kiện họp mặt doanh nghiệp và các hoạt động phát triển sản phẩm OCOP năm 2022; Lễ Nghinh Ông Sông Ðốc; Lễ hội Tri ân Quốc tổ; Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ lần II; sự kiện Hương rừng U Minh; Ngày hội Cua Năm Căn; Lễ Thượng cờ - Thống nhất non sông; Ngày hội ẩm thực Ðất Mũi; giải Ðất Mũi Marathon - Cà Mau năm 2022.
Hoạt động thu hoạch cá đồng ở U Minh hạ nằm trong sự kiện “Hương rừng U Minh” nằm trong khuôn khổ chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến 2022” |
Bên cạnh đó, các hoạt động gắn kết sự kiện “Cà Mau - Ðiểm đến 2022” sẽ là công tác truyền thông quảng bá sự kiện; tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư tỉnh; tổ chức chương trình ưu đãi, khuyến mãi giảm giá, hoạt động trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP, quà tặng lưu niệm; tổ chức không gian văn hoá nghệ thuật; tổ chức đoàn Famtrip, Presstrip khảo sát điểm đến du lịch Cà Mau và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch.
Trong Cà Mau - Ðiểm đến 2021, huyện U Minh tổ chức sự kiện Hương rừng U Minh với chuỗi các hoạt động: Tổ chức xác lập kỷ lục “Tổ ong lớn nhất Việt Nam” của nghề gác kèo ong rừng U Minh Hạ; Hội chợ thương mại kết hợp trưng bày sản phẩm mật ong và các loại thuỷ sản nước ngọt; Liên hoan tiếng hát thanh niên “Hương rừng U Minh”.
Ngoài ra, huyện U Minh cũng tổ chức giải việt dã “Ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân”; giải đua xe đạp xuyên rừng U Minh Hạ; giải đua xuồng ba lá trên sông Cái Tàu; tổ chức các trò chơi dân gian gắn với hoạt động trải nghiệm vùng đất U Minh như: tham quan một số mô hình vườn cây ăn trái kết hợp trải nghiệm các hoạt động thu hoạch cá đồng; theo chân thợ gác kèo ong lấy mật…
Vượt qua ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các điểm, khu du lịch ở Cà Mau đang tất bật chuẩn bị bước vào mùa du lịch cao điểm năm 2022. Đây có thể sẽ trở thành cú hích và dấu mốc quan trọng để du lịch Cà Mau khẳng định diện mạo, thương hiệu và vị trí tương xứng hơn trên bản đồ du lịch.
Xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo
Trong bối cảnh thích ứng với dịch COVID-19, ngành du lịch đã nỗ lực quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Cà Mau thông qua các kênh truyền thông báo, đài, trang Web du lịch Cà Mau và các trang mạng xã hội (Facebook, Fanpage “Du lịch Mũi Cà Mau”); Cổng thông tin du lịch Cà Mau (ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch; hỗ trợ các hộ du lịch cộng đồng… cũng như việc chuyển đổi số các điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn), đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch của địa phương.
Là vùng đất gợi nhiều cảm xúc thiêng liêng cho du khách khi đến tham quan, khám phá, các sản phẩm du lịch của Cà Mau đã và đang được hoàn thiện, khai thác theo hướng chú trọng hoạt động trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu về nét văn hóa bản địa, địa danh mang dấu ấn lịch sử.
Các sự kiện hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, ẩm thực giới thiệu vùng đất Cà Mau |
Các hoạt động đã mang lại hiệu ứng tích cực, thu hút đông đảo người dân địa phương cùng du khách trong, ngoài tỉnh tham gia; các phóng viên báo, đài đưa tin quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh. Đồng thời, qua đó còn góp phần bảo tồn những nét văn hoá đặc trưng về con người, vùng đất Cà Mau...
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Cà Mau đã chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và phát triển đa dạng sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, liên kết với một số tỉnh trong khu vực mở nhiều tour du lịch để thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Cà Mau.
Tài nguyên du lịch của tỉnh cũng rất đặc trưng gắn liền với nét văn hóa bản địa đặc sắc. Những chiến công vang dội trong kháng chiến đã hình thành nhiều công trình di tích lịch sử - văn hóa quan trọng gắn với các lễ hội dân gian, công trình kiến trúc, nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực và giai điệu ngọt ngào của loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ cùng câu chuyện hài hước, dí dỏm của ''Vua nói dóc Nam Bộ'' - Bác Ba Phi...
Bên cạnh đó, Cà Mau được thiên nhiên ưu ái là vùng đất lắm tôm, nhiều cá, có rừng, có biển, có hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập ngọt; cảnh quan thiên nhiên (miệt vườn, cây trái, hoa màu, vuông tôm,…), hệ sinh thái đa dạng, sự phong phú về ẩm thực đặc sản, sản vật đặc trưng của địa phương là những điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.