Sớm triển khai quy định bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông
Việc sử dụng dây đai an toàn chưa được chú trọng
Hiện nay xu hướng sử dụng xe ô tô ở nước ta đang tăng nhanh, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Tuy nhiên, thực trạng việc sử dụng dây đai an toàn, thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô khi tham gia thông chưa được chú trọng thực hiện.
Cần bảo đảm sự an toàn của học sinh trong sử dụng phương tiện giao thông đưa đón các em tới trường (Ảnh: Việt Dũng) |
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, năm 2023 tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em ở lứa tuổi học sinh trên cả nước xảy ra 2158 vụ, làm chết 1034 người, bị thương 827 người. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, xảy ra 1957 vụ, làm chết 783 người và 2018 người bị thương.
Trước thực trạng trên, việc đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe ô tô là vấn đề phải được quan tâm.
Trên thới giới, việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô đã được thực hiện từ nhiều năm qua như một quy định bắt buộc. Nếu sử dụng thiết bị an toàn trên ô tô khi cho trẻ em tham gia giao thông hoàn toàn có thể hạn chế được những nguy cơ, tổn thương đáng tiếc khi có va chạm hoặc sự cố trong quá trình lưu thông như trong trường hợp xe phanh gấp, cha mẹ tập trung lái xe, trẻ em thì hiếu động tự ý di chuyển khỏi vị trí ngồi…
Theo khuyến cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ em dưới 12 tuổi và chiều cao dưới 1,50 m không được ngồi ghế trước, không an toàn cho trẻ. Việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em khi ngồi trên xe ô tô sẽ giúp giảm thiểu các tai nạn, thương tích nặng cho trẻ em từ 25% đến 90%.
Bảo đảm sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô
Để bảo vệ tốt hơn trẻ em khi tham gia giao thông, ngày 27/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Luật lần này đặc biệt lưu ý, quan tâm đến việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô khi tham gia giao thông. Đây là một trong những điểm mới, tiến bộ, quan tâm đến đối tượng tham gia giao thông là trẻ em.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông |
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật nhận định, chưa bao giờ chúng ta có một luật về Trật tự an toàn giao thông mà quan tâm nhiều đến bảo vệ đối tượng yếu thế nói chung, bảo vệ trẻ em như Luật lần này. Điều đó được thể hiện ở khoản 4, Điều 4 với quy định là trẻ em là một đối tượng được bảo vệ và được ưu tiên khi tham gia giao thông.
Đáng chú ý, ở khoản 3, Điều 10 của Luật quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em. Cụ thể, khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 m trên xe ô tô thì không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái, trừ loại xe ô tô chỉ có 1 hàng ghế.
Đồng thời, người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ. Tuy nhiên, quy định này có hiệu lực thi hành từ 1/1/2026, bởi cần thời gian chuẩn bị các phương án, quy chuẩn.
Theo ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, luật quy định chung về các phương tiện chở trẻ em nên dù xe cá nhân hay công cộng đều phải tuân thủ và dùng các thiết bị an toàn cho trẻ, song quá trình thực hiện vẫn cần lộ trình.
Một số nhận định cho rằng bố mẹ muốn ôm con trên xe, việc này an toàn ngang với các thiết bị nhưng khi thực nghiệm bằng các thiết bị tân tiến thì cho kết quả ngược lại.
"Ở tốc độ 30 km/giờ với trẻ nặng 10 kg thì lực quán tính lên tới 150 kg, người mẹ gần như không thể giữ con mình và nếu va chạm ở tốc độ 60 km/giờ thì lực quán tính lên tới 300 kg, người lớn còn không giữ nổi mình chứ không nói đến trẻ em", ông Minh lấy ví dụ để nhấn mạnh tầm quan trọng khi sử dụng các thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô.
Lực lượng chức năng kiểm tra các điều kiện vận hành xe chở học sinh |
Đối với quy định của xe ô tô chở trẻ em mầm non và học sinh, luật có một điều khoản riêng biệt về nội dung này. Theo đó, xe ô tô chở trẻ em mầm non và học sinh phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em, thiết bị có chức năng cảnh báo chống bỏ quên trẻ em trên xe và xe phải có niên hạn sử dụng không quá 20 năm, có màu sơn theo quy định.
Tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã đề xuất xe ô tô chuyên dùng chở trẻ em mầm non và học sinh phải được sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe, mặt trước và trên cửa sổ ở 2 cạnh bên xe phải có biển báo dấu hiệu nhận biết đây là xe chở trẻ em mầm non và học sinh.
Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non và học sinh, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết không cần sơn màu vàng đậm tuy nhiên phải có bộ nhận diện là biển báo dấu hiệu nhận biết xe chở trẻ em mầm non và học sinh đặt ở mặt trước và cửa sổ ở hai cạnh bên của xe.
Đồng thời, khi đưa đón trẻ em và học sinh, phải bố trí ít nhất một người quản lý trẻ trên xe, với ô tô từ 29 chỗ trở lên phải có ít nhất 2 người quản lý.
Nhiệm vụ của những người này là hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi. Khi rời xe phải kiểm tra để không còn trẻ nào trên xe, tránh các vụ việc đáng tiếc liên quan đến bỏ quên trẻ như thời gian qua.
Ngoài ra, lái xe ô tô chở trẻ em mầm non và học sinh phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, xe đưa đón học sinh sẽ được ưu tiên trong tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, được bố trí nơi dừng đỗ xe tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón trẻ em mầm non, học sinh.
"Hiện tại, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng CSGT phối hợp với ngành Giáo dục toàn quốc rà soát các cơ sở giáo dục. Từ đó phối hợp với ngành Giao thông để kiến nghị về tổ chức giao thông đảm bảo phù hợp cho xe đưa đón học sinh cũng như thuận lợi cho cha mẹ đưa đón trẻ em đến trường an toàn”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật thông tin thêm.