Du lịch TP Hồ Chí Minh bứt phá với sản phẩm mới
Lần đầu tiên sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, TP Hồ Chí Minh đón du thuyền chở đoàn khách đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. |
Liên tục tung ra sản phẩm đặc trưng
Ngay từ đầu năm 2022, ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh đã triển khai những chương trình kích cầu du lịch trọng điểm, như chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City”; “Mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng”... Trong đó, ngành Du lịch thành phố phối hợp cùng TP Thủ Đức, các quận, huyện tổ chức khảo sát, cùng xây dựng và giới thiệu tour tuyến mới nhằm nâng cấp chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ cũng như đẩy mạnh hoạt động hợp tác liên vùng với nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Cụ thể, trong tháng 10/2022, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng (nay là Thứ trưởng Bộ Công thương) đã dẫn đầu đoàn đi khảo sát những điểm du lịch mới tại Quận 11. Đây là quận thứ 12 trong số 21 quận, huyện và TP Thủ Đức giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần tạo sự đa dạng điểm đến thu hút du khách trong nước và quốc tế trong những tháng cuối năm 2022 và đầu 2023.
Du khách thích thú khám phá TP Hồ Chí Minh bằng xe vespa cổ |
Trước đó, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh và UBND Quận 8, các doanh nghiệp du lịch đã giới thiệu 3 chương trình tour mới, gồm chương trình “Hội về trên bến Bình Đông” của Công ty CP Dịch vụ Lữ hành Chim Cánh Cụt; “Good morning Saigon” của Công ty TNHH Les Rives; Tour “Sài Gòn trăm năm - Hoa trái thương hồ” của Công ty Saigontourist Travel.
Trong khi đó, UBND quận Tân Phú và Công ty CP Dịch vụ Lữ hành Chim Cánh Cụt xây dựng chương trình tham quan “Tân Phú đi là nhớ", có hành trình đến Địa đạo Phú Thọ Hòa, Bảo tàng Sâm Ngọc Linh, chùa Pháp Vân với nhiều kỷ lục quốc gia... Ngoài ra, Sở Du lịch thành phố cũng phối hợp với UBND huyện Củ Chi tổ chức chương trình du lịch “Củ Chi vùng đất bình yên, thân thiện và nghĩa tình”…
Phù Châu Miếu (hay còn gọi là Miếu Nổi) là điểm đến du lịch mới ở TP Hồ Chí Minh |
Là người tham gia trải nghiệm khám phá du lịch tại quận Gò Vấp, chị Nguyễn Hồng Mai, ngụ Quận 1 cho biết, khi tham gia tour "Gò Vấp - Trăm năm tìm lại dấu xưa", lần đầu tiên được khám phá các điểm đến thú vị như: Phù Châu cổ miếu (hiện diện 300 năm trên dòng sông Vàm Thuật), đình Thông Tây Hội (ngôi đình cổ nhất của vùng đất Gia Định xưa và của miệt đất phương Nam tồn tại đến nay)… Đây đều là những di tích lịch sử lâu đời gắn với đời sống người dân Nam Bộ.
“Hiện nay, tôi cũng đã giới thiệu cho bạn bè ở Hà Nội, Đà Nẵng biết đến những sản phẩm du lịch mới tại quận Gò Vấp, Quận 1, TP Thủ Đức… và các bạn tôi đã lên kế hoạch Tết 2023 sẽ đến TP Hồ Chí Minh để cùng đi khám phá các điểm đến thú vị tại đây”, chị Hồng Mai chia sẻ.
Du khách khám phá, tìm hiểu về lịch sử Biệt động Sài Gòn tại quán cà phê Đỗ Phủ, Quận 1 |
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông và Marketing Công ty TST Tourist cho biết, hưởng ứng chương trình cùng quận, huyện xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, đơn vị đã phối hợp với TP Thủ Đức, quận Gò Vấp xây dựng nhiều tour du lịch giới thiệu các nét văn hóa, lịch sử của vùng đất Thủ Đức, Gò Vấp. Hiện các tour du lịch mà công ty đang triển khai được du khách rất yêu thích…
Tương tự, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho biết, để biến những góc nhìn quen thuộc trở thành điều thú vị, hấp dẫn là bài toán mà các công ty lữ hành đã cùng các quận, huyện tìm lời giải. Theo đó, các đơn vị đã biến những nơi "quen mà lạ" được đưa vào sản phẩm du lịch nhằm thu hút sự quan tâm của du khách. Ngoài ra, Vietravel cũng hoàn thiện 10 bộ sản phẩm riêng về du lịch thành phố, sẵn sàng giới thiệu đến bạn bè quốc tế, Việt kiều khi đến TP Hồ Chí Minh tham quan, trải nghiệm những nét đặc sắc riêng.
Du khách tìm hiểu cách làm các món ăn truyền thống của người Hoa tại Quận 6, TP Hồ Chí Minh |
Khai thác thế mạnh vốn có
Theo Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa, tính đến nay đã có 12/21 quận, huyện trên địa bàn xây dựng và giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng, đóng góp vào sự đa dạng, phong phú của điểm đến thành phố. Tính trung bình, mỗi tháng một quận, huyện và TP Thủ Đức đã cho ra đời một sản phẩm du lịch đặc trưng. Đây là một nỗ lực rất lớn của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, các đơn vị, sở ngành và UBND các quận, huyện và người dân để có những bước chuyển mình mạnh mẽ và vươn lên so với các ngành nghề khác của TP. Dự kiến, trong năm 2023, Sở Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các quận, huyện để xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch khác gắn với phát triển du lịch về đêm, kinh tế đêm...
Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa |
Tương tự, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng (hiện là Thứ trưởng Bộ Công thương) cho biết, với thế mạnh đặc trưng có nhiều kiến trúc, di sản nổi tiếng cùng với cơ sở hạ tầng, sản phẩm và dịch vụ đa dạng, TP Hồ Chí Minh có cơ hội lớn trong việc tận dụng và đón đầu xu hướng du lịch kinh doanh, gia tăng lợi thế cạnh tranh so với các điểm đến khác trên thế giới. Hiện nay, thành phố có hơn 4.000 cơ sở lưu trú đến hàng loạt địa điểm du lịch sáng tạo, mang nét đặc trưng của một “thành phố không ngủ". Vì vậy, ngành Du lịch thành phố đang hướng đến phát triển du lịch kinh doanh là loại hình du lịch được dự đoán sẽ trở thành xu hướng trong thời gian tới. Mặt khác, ngành Du lịch thành phố khẳng định được vị trí trong lòng du khách trong và ngoài nước bằng sản phẩm du lịch đặc sắc như du lịch đường thủy; Mua sắm, ẩm thực; Du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện...).
Theo bà Phan Thị Thắng, TP Hồ Chí Minh xác định du lịch của TP đến năm 2030 thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, là một mục tiêu chiến lược; Nhận thức du lịch là ngành kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực mang tính xã hội hóa cao; Khai thác và phát huy liên kết phát triển du lịch giữa TP với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ... Vì vậy, ngành Du lịch thành phố cần tập trung thu hút khách bằng cách đẩy mạnh các chương trình truyền thông điểm đến thông qua các kênh truyền thông trong nước, quốc tế, cũng như kênh trực tuyến, mạng xã hội… với mong muốn giới thiệu, quảng bá được nét đẹp thiên nhiên, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, ngành nghề truyền thống của thành phố đến với người dân, với du khách trong và ngoài nước.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng (hiện là Thứ trưởng Bộ Công thương) |
Theo Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa, năm 2022, TP Hồ Chí Minh đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế, 32 triệu khách nội địa, doanh thu ngành Du lịch đạt 131 ngàn tỉ đồng, các chỉ số cũng tăng gấp đôi so với năm 2021.
“Trong năm 2023, ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu phát triển “Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố xác định đa dạng giải pháp như tập trung xây dựng sản phẩm du lịch mới; Nâng chất lượng, phát triển sản phẩm du lịch hiện có; Đổi mới hình thức, công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu về du lịch; Đẩy mạnh công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trên cả nước… Mặt khác, để sản phẩm du lịch sống được còn phải tăng cường tính liên kết trong hoạt động kinh doanh, quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn. Khi doanh nghiệp lữ hành chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, đầu tư xây dựng sản phẩm mới… sẽ đóng góp rất lớn vào việc định vị du lịch thành phố trong 2023 và những năm tiếp theo”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết thêm.