Đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) vào cuộc sống, cơ hội vàng bứt phá
Phát triển làng nghề từ cơ chế đặc thù Luật Thủ đô (sửa đổi) Điểm tựa vững chắc cho ngành Du lịch Thủ đô Cánh cửa rộng mở cho thu hút, trọng dụng nhân tài |
Kỳ vọng vào “kỷ nguyên mới”
Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua đã thỏa mãn niềm mong chờ, kỳ vọng của Nhân dân Thủ đô và cả nước. Luật được đánh giá rất toàn diện, đã luật pháp hóa các nội dung về phân cấp, phân quyền cho các cấp hành chính từ thành phố đến cấp huyện, cấp xã, từ đó giúp cấp ủy và chính quyền các cấp của thành phố phát huy tiềm năng, lợi thế. Cùng với đó, những cơ chế đặc thù mới hơn, áp dụng các tiêu chuẩn, tiêu chí cao hơn các địa phương khác.
Cử tri quận Đống Đa mong muốn Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống |
Đánh giá về ý nghĩa của Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội cho rằng, đây là cơ sở pháp lý cho Thủ đô phát triển nhanh và bền vững. Thủ đô là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Xét về mặt hành chính, Thủ đô mang tính chất đặc thù đồng thời cũng mang tính chất đặc biệt. Vì Thủ đô không phải riêng của Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo đột phá để Hà Nội phát triển nhanh, cũng như tạo động lực phát triển cho cả nước.
Trao đổi với các đại biểu Quốc hội tại các kỳ tiếp xúc cử tri đầu tháng 7, nhiều cử tri đã nêu kiến nghị sớm đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua vào cuộc sống.
Cử tri Nguyễn Viết Hiển (phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) nêu, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung nhiều nội dung rất quan trọng, phù hợp thực tiễn đặt ra. Cử tri đề nghị sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để Luật Thủ đô (sửa đổi) được triển khai có hiệu quả.
Đồng quan điểm, cử tri Vương Hữu Phú (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) cho biết, cử tri và người dân Hà Nội rất phấn khởi khi ngày 28/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ Đô (sửa đổi). Cử chi mong muốn những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội của Luật Thủ Đô (sửa đổi) lần này sẽ tạo ra động lực, điểm tựa để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, để Hà Nội sớm "cất cánh" trong giai đoạn mới, xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.
Sớm mở những đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp
Theo Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, hiện UBND, HĐND đang tập trung để báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy để triển khai sớm, hiệu quả Luật Thủ đô (sửa đổi).
Trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có hơn 50 nhiệm vụ mới được phân cấp, phân quyền với hai nhóm cơ chế chính sách, một nhóm có hiệu lực từ 1/1/2025 và một nhóm có hiệu lực từ 1/7/2025, như vậy sẽ phải có 2 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật để giải quyết những nội dung này.
Để Luật đi vào cuộc sống và phát huy cao nhất hiệu quả, thành phố rất cần sự đồng thuận của Nhân dân. Bởi Luật nằm trên giấy, còn việc thực thi pháp luật lại nằm trong lòng dân.
Do đó, việc cấp thiết ngay sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chủ tịch nước ký ban hành là phải tập trung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong toàn thành phố để thống nhất nhận thức và quyết tâm triển khai thực hiện. Thành phố sẽ sớm mở những đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, các cuộc thi tìm hiểu, các hội thảo, tọa đàm, đưa vào sinh hoạt chi bộ, các hội, tổ chức đoàn thể... về nội dung Luật Thủ đô (sửa đổi).
Cùng với đó, nhiều chuyên gia cho rằng, thành phố cần sớm có kế hoạch đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) vào tuyên truyền trong hệ thống cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Tất cả những việc này nhằm mục tiêu người nào đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội đều hiểu biết, tôn trọng và tự giác tuân thủ Luật.
Luật Thủ đô (sửa đổi) với cơ chế đặc thù cho phép Hà Nội tăng mức xử phạt để tăng sức răn đe đối với những hành vi vi phạm trật tự đô thị, môi trường là cơ hội cho thành phố nâng cao ý thức người dân. Để thực hiện tốt điều này, các cấp, ngành cần thiết kế các mô hình nhằm tăng cường giám sát bảo đảm duy trì thực hiện các quy định của luật một cách đầy đủ, nghiêm khắc, đồng bộ, toàn diện, công bằng, công khai, minh bạch.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương được tổ chức vào ngày 6/7, tại đầu cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ Hà Nội sớm xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi).
Để triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, dự kiến sẽ xây dựng 97 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 6 văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
UBND TP Hà Nội sẽ ban hành quyết định hoặc trình HĐND TP Hà Nội ban hành nghị quyết quy định phân cấp của từng ngành, lĩnh vực nhằm bảo đảm đồng bộ, đầy đủ theo chuyên ngành và đồng bộ, đầy đủ cho cấp huyện, cấp xã theo quy định trong quý IV/2024; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách cụ thể hóa Luật Thủ đô (sửa đổi), các đề án thí điểm các cơ chế, chính sách liên kết vùng, tạo đột phá để tiếp tục phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng.
Các văn bản cụ thể hóa sớm đưa luật đi vào cuộc sống sẽ từng bước được hoàn thiện nhưng để “cơ hội vàng” đem lại sức bật mới, động lực mới đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân.