Đưa vấn đề chủ quyền biển đảo vào trường học
Tuyên truyền bằng nhiều hình thức
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, từ nay đến năm 2020, Sở xây dựng kế hoạch, nội dung cụ thể, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh toàn thành phố hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; những quan điểm, nội dung về Luật biển và Chiến lược biển của Việt Nam. Đồng thời, Sở cũng xây dựng các phương pháp tổ chức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, với tình hình thực tế của nhà trường, đảm bảo an toàn, thiết thực, hiệu quả.
Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã triển khai tới 100% các phòng GD-ĐT và các trường trực thuộc. Kế hoạch cụ thể mà Sở GD-ĐT đưa ra là hướng dẫn tổ chức tuyên truyền kết quả công tác quản lí biên giới, phân giới, cắm và tăng dày cột mốc, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.
Thực hiện lồng ghép các nội dung giáo dục về Luật biển và Chiến lược biển Việt Nam trong tổ chức hoạt động giáo dục nội, ngoại khóa thông qua các trò chơi, chuyên đề, hoạt động tập thể từ đó nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh trong toàn ngành.
Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở triển khai tuyên truyền về biển đảo đến học sinh theo đúng tinh thần từ trên triển khai xuống. Cụ thể, Sở đã tổ chức tập huấn chuyên môn cho các cấp THCS và THPT, chỉ rõ cần tăng cường giáo dục về chủ quyền biên giới quốc gia, biên giới lãnh thổ đất liền và trên biển. Ngoài ra, Sở còn phát tài liệu liên quan đến biển, đảo tới tất cả các lãnh đạo trường.
Một giờ học về biển đảo của học sinh trường THCS Thành Công, Hà Nội
“Về phương pháp dạy học, Sở GD-ĐT chỉ rõ những nội dung nào có thể tích hợp, lồng ghép để tuyên truyền về chủ quyền biển đảo và được triển khai rất kĩ. Ngay từ đầu mỗi năm học, các mục tiêu, nhiệm vụ triển khai đều có nội dung tuyên truyền về biển đảo. Đồng thời, Sở GD-ĐT cũng tổ chức tập huấn cho các trường, với hình thức mời các chuyên gia của Bộ hay Viện nghiên cứu Lịch sử… đến thuyết giảng, trình bày và phát tài liệu chuyên sâu cho giáo viên nghiên cứu, tham khảo. Các trường đều cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn, sau đó chính những giáo viên này về truyền đạt lại cho tổ nhóm chuyên môn của các trường. Tại các buổi tập huấn, những nội dung nào trong sách giáo khoa có thể tích hợp, lồng ghép dạy học đều được chuyên gia chỉ ra và đưa ra những ví dụ cụ thể, sinh động. Giáo viên giảng dạy phải tự tìm tài liệu để dạy tích hợp, tài liệu được phát hoặc giáo viên tự tra cứu…”, vị đại diện sở GD-ĐT Hà Nội cho biết.
Ngoài những tiết học chính khóa, nhà trường còn tổ chức các buổi ngoại khóa để tuyên truyền về chủ quyền biên giới quốc gia trên đất liền cũng như trên biển. Tùy theo tình hình thực tế, các trường có thể sắp xếp, tổ chức các buổi ngoại khóa theo chủ đề, theo ngày kỉ niệm… liên quan đến chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.
Lồng ghép tuyên truyền vào dạy học
Tại trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội), việc tuyên truyền cho học sinh về chủ quyển biển đảo đã được lồng ghép, tích hợp trong các môn Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân. Bên cạnh đó, hàng năm vào ngày 22/12, trường đều tổ chức chuyên đề ngoại khóa nhằm tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo và lãnh thổ Việt Nam cho học sinh. Mỗi năm, trường tổ chức sự kiện này với hình thức và nội dung khác nhau, như: Mời các chuyên gia về nói chuyện với học sinh, tổ chức các cuộc thi cho học sinh tham gia…
Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội, trường Tiểu học Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội) đã có nhiều hoạt động lồng ghép trong giảng dạy chính khóa, ngoại khóa để tuyên truyền về biển, đảo đến từng học sinh. Đơn cử như chủ đề lồng ghép “Em yêu tổ quốc em”, được giáo viên tích hợp thêm nội dung thực tế để giáo dục cho học sinh về chủ quyền biển, đảo. Vào đầu tháng 2 hằng năm (tháng tuyên truyền về du lịch), nhà trường tổ chức giảng dạy lồng ghép dưới hình thức vẽ tranh, đặc biệt là tranh vẽ về biển, đảo. Một nội dung nữa, chương trình tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo còn được lồng ghép và gắn chặt nội dung với các cuộc thi, các buổi giao lưu như: Rung chuông vàng, các cuộc thi về kiến thức Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh… Ngoài ra, các giáo viên cũng thường xuyên dạy và phát động học sinh hát những bài hát về quê hương đất nước, những bài hát ca ngợi về biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam…
Cô Bùi Kim Thủy, giáo viên lớp 4, trường Tiểu học Ngọc Lâm cho biết, tất cả các bài học Địa lí, Lịch sử đều có những bài về biển đảo nước ta. Trong mỗi bài học đó, giáo viên sẽ lồng ghép, tích hợp với kiến thức thực tế để truyền tải kiến thức cho học sinh, giúp các em dễ hiểu, dễ tiếp thu hơn. Không chỉ tích hợp trong những giờ hoạt động chính khóa mà ngay cả những giờ sinh hoạt tập thể, giờ ngoại khóa, các cô đều lồng ghép để tuyên truyền về biển, đảo. Tài liệu do giáo viên tự tìm, rồi bằng nhiều hình thức sinh động, giáo viên sẽ diễn tả, tuyền tải cho học sinh hiểu.
Thầy Đặng Danh Hướng, giáo viên môn Lịch sử trường THPT Hoàng Văn Thụ chia sẻ, tại cấp THPT, về cơ bản các thầy cô đều cung cấp những kiến thức mới về chủ quyền biển đảo, biên giới quốc gia cho học sinh. Những nội dung đó có thể được giảng dạy trong liên môn như Giáo dục quốc phòng với những bài học về lịch sử liên quan đến biển đảo, các thầy cô đều giảng dạy kĩ lưỡng và lồng ghép thực tế, có dẫn chứng cụ thể. Những dẫn chứng này được sưu tầm từ bản tin thời sự chính thống của Đài Truyền hình Việt Nam, từ nguồn Tạp chí Cộng sản và những tờ báo, tạp chí chính thống. “Dạy học sinh lớn không thể nói theo một chiều mà cần chắt lọc cả ý kiến phản biện, từ đó đưa ra câu trả lời để học sinh hiểu và có tính thuyết phục như: Vì sao mà Đảng, Nhà nước ta phải làm như vậy? Vì sao nguồn tin không chính thống lại vin vào cớ này, cớ kia để nói xấu Nhà nước, hay nói xấu chủ trương bảo vệ lãnh thổ và biên giới của nhà nước…?”, thầy Hướng cho biết.
Công tác tuyên truyền liên hệ từ thực tế là một phương pháp giáo dục hay, giúp học sinh hiểu hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng cũng như tiềm năng của biển, đảo; đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về chiến lược biển, đảo trong tình hình mới. Qua việc này sẽ giúp học sinh có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
* Đây là bài viết tuyên truyền về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2017