Gần 300 công nhân, lao động tham gia đối thoại về pháp luật lao động và tín dụng đen
Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, ông Đinh Tuấn Anh, Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết, nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động là một nhiệm vụ mang tính thường xuyên, liên tục của tổ chức công đoàn nhằm giúp người lao động có thể giải quyết hài hòa các mối quan hệ lao động, xã hội theo pháp luật; Hạn chế tình trạng xung đột trong mối quan hệ với người sử dụng lao động. Nắm rõ pháp luật, người lao động mới có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, còn người sử dụng lao động không vi phạm pháp luật, không xâm hại các quyền lợi hợp pháp của người lao động, từ đó tạo môi trường hoạt động ổn định phát triển doanh nghiệp.
Ông Đinh Tuấn Anh, Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc buổi đối thoại |
Tại buổi giao lưu, nhiều công nhân, lao động đã trực tiếp đặt câu hỏi về những vấn đề liên quan đến pháp luật lao động. Chị Ngô Thị Lý - Công nhân Công ty CP Thiết bị công nghệ Tân Phát hỏi: “Công ty tôi có công nhân trước làm công ty nhà nước và ở vị trí là công nhân tiện, cắt kim loại, thuộc ngành nghề độc hại. Người công nhân này làm hơn 16 năm sau đó mới chuyển qua làm ở công ty tôi. Tuy nhiên, khi chốt sổ bảo hiểm ở công ty cũ (từ 1990 - 2004) bên bảo hiểm chốt sổ với chức danh công việc chỉ là “công nhân” chung chung. Chỉ từ 2004 - 2006 mới ghi rõ chức danh tiện, cắt kim loại. Vậy trong khoảng thời gian hơn 15 năm làm nghề độc hại, bên bảo hiểm chỉ ghi là “công nhân” thì anh này có được hưởng các chế độ liên quan khi nghỉ hưu không?”.
Các chuyên gia tham gia buổi đối thoại |
Trả lời câu hỏi, bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội cho biết: “Việc cấp sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) không phải do cơ quan BHXH tự cấp và tự ghi mà xuất phát từ đơn vị với tờ khai ghi rất cụ thể. Nếu đơn vị chỉ đề nghị là công nhân thì trong sổ BHXH ghi là công nhân. Nếu không ghi nghề nghiệp trong danh mục độc hại thì dĩ nhiên sẽ không được tính các điều kiện liên quan đến tuổi nghỉ hưu. Trường hợp này, đơn vị lấy hồ sơ gốc, cùng các tài liệu liên quan để đề nghị cơ quan BHXH điều chỉnh chức danh nghề, anh công nhân này mới được hưởng và điều chỉnh các chế độ liên quan”.
Chị Trần Thị Mai Hương, giáo viên trường mầm non B Thanh Liệt hỏi: “Lương giáo viên hiện nay khá thấp, do đó có rất nhiều nhu cầu để tiếp cận các nguồn tín dụng, xin các chuyên gia cho biết Nhà nước hiện nay có các nguồn tín dụng nào để chúng tôi có thể tiếp cận để vay vốn?”.
Giải đáp thắc mắc, Thượng tá Đào Trung Hiếu, Tiến sĩ Tội phạm học, Cục Truyền thông Bộ Công an chia sẻ, nguồn tín dụng tin cậy nhất là các ngân hàng, các tổ chức tín dụng của Nhà nước. Hiện nay tổ chức công đoàn có những khoản vay ưu đãi dành cho người lao động để phát triển kinh tế gia đình, mua sắm phương tiện sinh hoạt, sửa chữa nhà, học nghề… với lãi suất ưu đãi, thủ tục giải ngân nhanh gọn. Để vay vốn từ quỹ, đoàn viên, người lao động đăng ký qua công đoàn cơ sở để được bảo lãnh và hướng dẫn về thủ tục. Người lao động nên hạn chế tìm đến những nguồn vay không chính thức trên mạng.
Người lao động đặt câu hỏi tại chương trình |
Đại diện Công đoàn trường Mầm non Tả Thanh Oai hỏi: Xin chuyên gia cho biết trong những trường hợp nào thì người lao động được nghỉ và vẫn được hưởng nguyên lương?
Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội trả lời: Theo Quy định của Bộ luật Lao động 2019, những trường hợp nghỉ mà vẫn được hưởng nguyên lương là nghỉ ngày lễ theo quy định của Nhà nước. Đối với những ngày nghỉ việc riêng sẽ có các trường hợp: Cưới được nghỉ 3 ngày, hiếu tứ thân phụ mẫu được nghỉ 1 ngày. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện trách nhiệm quyền lợi của người lao động, tại doanh nghiệp sẽ có những ngày nghỉ hàng năm căn cứ theo Hợp đồng lao động nghỉ 12-16 ngày nghỉ phép nghỉ nguyên lương.
Sau hơn 2 giờ diễn ra, chương trình đã giải đáp thắc mắc của gần 30 đoàn viên, người lao động về những vấn đề, tình huống thực tiễn thường gặp phải trong lao động; Những băn khoăn khi thực hiện các chính sách về pháp luật lao động và BHXH ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mình; Những vấn đề liên quan đến tín dụng đen.
Qua buổi đối thoại, cán bộ, công nhân, lao động, các công đoàn cơ sở có thêm hiểu biết về pháp luật lao động.