Gặp mặt, liên hoan và nỗi lo tác hại rượu bia dịp Tết
Rượu bia với văn hóa giao thông Lái xe khi đã "ngấm tửu": Đi dễ, khó về "Đã uống rượu bia - Không lái xe" Tin tức trong ngày 29/9: Từ ngày 15/11, ép người khác uống rượu, bia sẽ bị phạt tiền |
Nỗi lo “tiệc tất niên”
Thời điểm trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội xuân là quãng thời gian diễn ra các hoạt động tổng kết, liên hoan, tất niên… việc sử dụng rượu, bia trong các buổi liên hoan, gặp gỡ là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, uống như nào để tạo được bầu không khí vui vẻ, đảm bảo sức khỏe và không để xảy ra các tình huống đáng tiếc lại là vấn đề không dễ xử lý của khá nhiều người.
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong thời điểm này, lực lượng chức năng đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp, đặc biệt là tăng cường xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông; Nhất là trong thời điểm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực.
Anh Trần Văn Công (38 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể: Cứ tới gần tết là ngày nào cũng nửa đêm mới về được đến nhà trong tình trạng say bí tỉ vì nhậu tất niên.
“Nhớ lại tết năm vừa rồi, tôi vẫn chưa thôi ám ảnh vì khá… tốn kém. Hôm đó là 20 tháng Chạp, tôi vừa vào bàn nhậu tất niên với đồng nghiệp cơ quan, cụng ly được 5 vòng thì vội đứng dậy qua tất niên nhóm bạn đại học. Vừa tới nhóm bạn đại học ngồi chưa ấm chỗ, hội đá banh đã liên tục gọi đến vì chưa đủ đội hình. Sợ mất lòng những người cùng đam mê, tôi vội mời mọi người vài ly rồi xin phép đứng dậy chạy tiếp.
Không may cho tôi, vừa ra khỏi quán được một đoạn thì gặp tổ công tác của lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, tôi bị gọi vào đo nồng độ cồn thì vượt quá ngưỡng cho phép. Tôi bị tạm giữ xe và bằng lái. Vậy là cả nhà phải đi chúc tết bằng taxi, vợ thì khó chịu ra mặt mà tiền thuê xe đi lại tốn kém”, anh Công ngậm ngùi chia sẻ.
Nguy cơ gia tăng những vụ ngộ độc, tai nạn giao thông do lạm dụng loại đồ uống có cồn |
Tất niên thường là cách người ta gọi để những người trong gia đình ngồi lại với nhau vào ngày cuối năm cùng ôn lại những kỷ niệm vui buồn của năm cũ. Tuy nhiên, những năm gần đây, tiệc tất niên không còn gói gọn trong không gian gia đình nữa, mà có tất niên cơ quan, tất niên xóm, tất niên nhóm bạn cũ, tất niên hội đồng hương, nhóm đá banh…
Chính vì vậy, cứ mỗi dịp cuối năm, nghe đến nhậu tất niên nhiều người phát ngán vì không thể nào uống nổi bia rượu nữa nhưng vẫn phải cố kẻo mất lòng. Kể từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, tình trạng vi phạm nồng độ cồn có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, cứ mỗi khi vào dịp Tết, cuối năm thì tình trạng uống rượu bia vẫn không ngừng gia tăng.
Để ngày vui được trọn vẹn
Vấn đề lạm dụng rượu, bia ở nước ta đang ở mức báo động. Bởi vậy, đã đến lúc chúng ta cần có những biện pháp mạnh hơn để kiểm soát tình trạng này.
Được biết, hiện nay trên thế giới đã có 168 quốc gia ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với những chế tài xử phạt rất nghiêm khắc đối với trường hợp say rượu, bia tham gia giao thông, gây tai nạn giao thông (nhiều nước coi đó là tội phạm). Còn ở nước ta, thói quen uống rượu, bia đã trở thành tập quán, nhất là khi có cỗ bàn, tiệc tùng, tiếp khách... và việc xử lý hành vi uống nhiều rượu, bia chưa được quan tâm đúng mức nên tình trạng lạm dụng rượu, bia vẫn khá phổ biến.
Theo các bác sĩ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), lạm dụng rượu, bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể. Nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu ngoại, rượu có thương hiệu thì không hại gan nhưng thực chất dù rượu, bia “xịn” mà lạm dụng uống nhiều, uống không đúng lúc thì vẫn nguy hại cho sức khỏe.
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong thời điểm này, lực lượng chức năng đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp |
Sử dụng rượu, bia lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức đề kháng của cơ thể. Người uống rượu, bia lâu ngày, khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung thì bệnh rất dễ trở nên nặng hơn, nguy cơ tử vong cao hơn. Các chuyên gia của Bệnh viện K (Hà Nội) cũng cho biết, hầu hết những người mắc ung thư gan đều liên quan đến lạm dụng rượu, bia.
Tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đã rõ nhưng theo thống kê của Bộ Y tế, nếu như năm 2010 trung bình mỗi người dân nước ta uống 6 lít rượu, bia, thì con số này đến năm 2019 tăng lên 8 lít. Tính trung bình, một người Việt Nam uống lượng rượu, bia gấp 4 lần so với thế giới. Đáng báo động là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lao động phổ thông thường xuyên ăn nhậu, uống rượu, bia chiếm tỷ lệ khá cao.
Lạm dụng đồ uống có cồn không chỉ có hại cho sức khỏe mà còn là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm. Mặc dù các ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động Nhân dân, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm nhưng tình trạng điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia vẫn có chiều hướng gia tăng.
Theo thống kê trong nhiều năm của Bộ Y tế, có đến 68% số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở nước ta liên quan đến yếu tố rượu, bia. Ngoài ra, việc lạm dụng rượu, bia dẫn đến không làm chủ được hành vi cũng là một nguyên nhân gây mâu thuẫn, căng thẳng trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình hoặc cộng đồng dân cư. Thống kê của cơ quan chức năng cũng cho thấy, hơn 70% số vụ xô xát, gây gổ, thậm chí đâm chém nhau trong các đối tượng thanh thiếu niên có liên quan đến rượu, bia.
Chỉ còn gần hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đá. Năm nay, theo kế hoạch, người lao động sẽ được nghỉ Tết 7 ngày. Trong những bữa liên hoan quây quần với gia đình, người thân, bạn bè khó có thể thiếu rượu, bia. Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý mua và sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có uy tín trên thị trường và bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi người cần tự giác điều chỉnh, không nên lạm dụng uống nhiều bia, rượu và biết uống "có điểm dừng", không ép buộc nhau uống nhiều. Đặc biệt, tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia.
Bên cạnh ý thức tự giác của mỗi cá nhân thì chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các bậc phụ huynh, thủ trưởng cơ quan, đơn vị và thầy cô giáo cũng cần tăng cường nhắc nhở, khuyên răn con cháu, nhân viên, học sinh, sinh viên về việc không lạm dụng rượu, bia để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc. Vui xuân đúng mực để những ngày nghỉ Tết thực sự có ý nghĩa, không để "Tết vui" lại trở thành "Tết buồn".