Gia đình là điểm tựa vững chắc cho sĩ tử
Tuổi trẻ Thủ đô đồng hành cùng sĩ tử Hot girl “7 thứ tiếng” cùng “áo xanh” trợ sức mùa thi Tiếp sức tinh thần thí sinh qua vẽ tranh, slogan cổ động |
Cả nhà chung sức
Kể từ khi trong nhà có một sĩ tử, các thành viên ở nhiều gia đình đã quyết tâm thay đổi nếp sinh hoạt để cùng con em mình vượt qua giai đoạn đầy khó khăn. Nào là tất cả cùng đi ngủ và thức dậy đúng giờ, "anh hai" tình nguyện đưa đón em đi học...
Hai mẹ con bạn Minh Ngọc đập tay động viên trước khi vào điểm thi |
Bạn Minh Ngọc (học sinh trường THPT Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể: "Kể từ ngày mình bắt đầu ôn thi đại học, mẹ mình đã ngay lập tức "hạ sắc lệnh" cho cả gia đình không được thức khuya coi đá bóng làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của mình.
Thời điểm này đang diễn ra các trận cầu kinh điển của World Cup và Euro. Bố với anh mê bóng đá lắm, nên mình cứ tưởng sẽ có một cuộc biểu tình nổ ra. Ai ngờ hai người đồng ý ngay lập tức vì lí do của mẹ quá chính đáng".
Cái ôm ấm áp mẹ giành cho con, truyền động lực cho sĩ tử thi tốt |
Những điều thú vị tương tự cũng diễn ra ở nhà bạn Hoàng Thế Bảo (học sinh trường THPT Đống Đa, quận Đống Đa, Hà Nội). Bảo chia sẻ: "Nhỏ em gái của mình là... chúa ham chơi, nhưng dạo gần đây mình thấy nó ít đi chơi hẳn.
Hóa ra em ở nhà làm việc phụ mẹ thay mình, giúp mình có nhiều thời gian hơn để ôn thi và nghỉ ngơi". Không những vậy, trong những ngày này, cả gia đình tích cực tham gia nhiều hoạt động cùng nhau hơn và luôn tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong nhà.
Hậu phương "tiếp lửa" tiền phương
Các bậc phụ huynh còn tích cực "tiếp lửa" cho các sĩ tử 2k6 từ chăm sóc sức khỏe, bồi bổ tinh thần đến bổ sung kiến thức.
Thí sinh Nguyễn Minh Sơn (học sinh trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội) ríu rít khoe về gia tài sách quý giá: "Ở nhà, anh trai mình có một tủ sách lớn đủ các thể loại nhưng từ đầu năm lớp 12 nó đã được chuyển nhượng lại cho mình. Mỗi khi lân la nhà sách hay đi đâu kiếm được sách ôn thi hay, anh trai đều mua về cho mình nâng cao kiến thức bản thân".
Hai người bạn chụp hình kỷ niệm tại điểm thi trường THPT Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) |
Sĩ tử sắp vượt vũ môn có hàng tá những áp lực bủa vây xung quanh. Những bữa cơm thân mật, những buổi trò chuyện chân thành giữa bố mẹ với con hay đơn giản chỉ là những hành động nhỏ nhặt thể hiện sự quan tâm của các thành viên trong gia đình, là phương thuốc hiệu quả mà đơn giản nhất để giải tỏa những căng thẳng. Nhiều thí sinh gen Z nhờ có hậu thuẫn mạnh mẽ từ gia đình nên luôn cảm thấy sẵn sàng "vượt vũ môn".
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, tại điểm thi trường THCS Nguyễn Trường Tộ (quận Đống Đa, Hà Nội) lúc 6 giờ sáng, gần như các thí sinh đã có mặt đầy đủ. Nhiều thí sinh đến rất sớm. Người tranh thủ ôn bài, người tạt vào những hàng quán gần điểm thi để ăn sáng, kiểm tra dụng cụ cần thiết như bút viết, Atlat Địa lí Việt Nam...
Theo quan sát, có rất nhiều phụ huynh đưa con em đến điểm thi rất sớm để các em tranh thủ ôn bài và đề phòng những rủi ro về thời tiết, về các thủ tục như quên giấy tờ, dụng cụ học tập...
Chị Hương đưa con đến điểm thi trường THCS Nguyễn Trường Tộ (quận Đống Đa, Hà Nội) đã giành tặng nụ hôn nồng ấm cho cô con gái |
Trong ngày thi cuối cùng, sự lo lắng vẫn hiện rõ trên gương mặt các sĩ tử. Sự căng thẳng lan sang cả nhiều phụ huynh đưa con đi thi.
Chị Thùy Lan (Đống Đa, Hà Nội) có con thi tại điểm thi Trường THPT Long Xuyên chia sẻ: "Con đi thi, cha mẹ tất bật không khác gì con, thậm chí còn lo lắng hơn. Dù cố gắng để con cảm thấy thoải mái và không tạo áp lực cho con, nhưng tôi hồi hộp như chính mình đi thi ngày trước, lại thêm phần lo lắng của một người mẹ nên cứ thấp thỏm suốt mấy ngày nay".
Ánh mắt cùng nụ cười hạnh phúc người mẹ vẫn dõi theo từng bước chân thí sinh |
Có con gái thi tại điểm thi trường THCS Nguyễn Trường Tộ, chị Lê Thị Huyền cho biết chị rất hồi hộp, nhất là khi nhìn theo con bước vào cổng trường thi. Trong suốt quá trình con ôn thi, chị đã luôn đồng hành, chăm lo bồi bổ sức khỏe, nhắc nhở con không học quá khuya và cố gắng để con không cảm thấy áp lực.
"Con gái tôi được đánh giá là có lực học tốt và ôn thi chăm chỉ nên con khá tự tin. Tôi cũng tin con mình sẽ làm bài tốt. Tuy nhiên, tôi cũng luôn nhắc nhở con phải bình tĩnh và không chủ quan", chị Huyền bày tỏ.
Một phụ huynh khác cũng chia sẻ: "Cô đưa con đến rồi, nhưng mà cố gắng nán lại đến khi con vào phòng thi rồi thì mới về, để xem con có cần mình hỗ trợ gì không. Thấy con học đến 2 - 3h sáng mình cũng sót, nhưng mà cố gắng tạo tâm lý thoải mái cho con".
Chú Lê Văn Khoa (Đống Đa, Hà Nội) trải lòng: "Dù chú cũng cảm thấy lo lắng nhưng chú cũng như các phụ huynh khác hy vọng con mình và các bạn có thoải mái và tinh thần tốt để hoàn thành bài thi và đỗ nguyện vọng như mong muốn".
Ngoài những lời động viên, nhiều phụ huynh cũng không quên thể hiện những hành động dịu dàng như cái ôm, cái nắm tay, cái xoa đầu để trấn an tinh thần các con.
Hôm nay (28/6) cũng là ngày thi cuối cùng của các sĩ tử 2k6. Gia đình sẽ là điểm tựa, động lực vững chắc nhất giúp các em vượt vũ môn thành công. Dù kết quả có ra sao thì các con cũng đã nỗ lực hết mình, hoàn thành kỳ thi một cách tốt nhất có thể.
Nhiều hình ảnh về hậu phương vững chắc của các sĩ tử đã trở thành ấn tượng riêng tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024:
Các phụ huynh luôn muốn bên các thí sinh thêm từng phút để các con có thể bình tĩnh, tự tin hoàn thành tốt bài thi |
Chị Hạnh sau khi đưa con vào điểm thi trường THPT Mỹ Đình vẫn cố nán lại nhìn bóng hình con tiến vào phòng thi |
Chị Hoàng Thị Thanh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhắc nhở con trai kiểm tra giấy dự thi cũng như các vật dụng cần thiết |
Nhiều phụ huynh đưa con đi thi từ sớm để tránh tắc đường cũng như có thể xử lý kịp thời các vấn đề khi cần |
Có những phụ huynh cố nán lại để quay những thước phim kỷ niệm cho các con |
Kiểm tra giấy tờ kỹ càng và những lời động viên tình thần đồng hành cùng các sĩ tử của gia đình |