Gia hạn khai thác mỏ đá Tân Đông Hiệp…Bài 2: Doanh nghiệp hưởng lợi còn người dân chịu thiệt !
Mỏ đá Tân Đông Hiệp gia hạn khiến dân lo lắng.
>> Bình Dương: Gia hạn khai thác mỏ đá Tân Đông Hiệp, người dân bất an !
Doanh nghiệp tại Bình Dương hưởng lợi...
Như đã thông tin, ngày 12/6/2018, HĐND tỉnh Bình Dương đã có phiên họp bất thường thông qua quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, giai đoạn 2016 – 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó có việc đồng ý kéo dài thời gian khai thác mỏ đá Tân Đông Hiệp đến hết năm 2019, thay vì phải đóng cửa mỏ vào cuối năm 2017 theo đúng giấy phép.
Chủ trương là vậy, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp (phường Tân Đông Hiệp, TX Dĩ An, Bình Dương) vẫn chưa có quyết định chính thức để tiếp tục khai thác, tức theo lý vẫn đang phải đóng cửa mỏ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, rất nhiều người dân địa phương sống cạnh khu vực mỏ đá này liên tiếp phản ánh về việc chủ đầu tư vẫn tiến hành hoạt động nổ mìn khai thác đá, bất chấp quy định pháp luật. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Mặc dù tới thời điểm hiện tại, mỏ đá vẫn chưa hoàn tất thủ tục để gia hạn, nhưng thời gian qua các đơn vị này có dấu hiệu khai thác “lậu”? |
Trong khi đó, tại văn bản số 733/SCT-KTAT ngày 24/5/2018 của Sở Công thương tỉnh Bình Dương chỉ cho phép Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) nổ mìn để đo đạc, đánh giá tác động và thời hạn cho phép nổ mìn chỉ trong vòng 30 ngày, tính từ ngày 17/5/2018.
Liên quan đến thông tin gia hạn khai thác mỏ đá trên, người dân đặt vấn đề: Nếu đồng ý gia hạn cho KSB và các nhà đầu tư tiếp tục khai thác mỏ đá thì ai và đơn vị nào được hưởng lợi nhiều nhất? Còn người dân sẽ được hưởng lợi gì trong việc này? Liệu UBND tỉnh Bình Dương đã tính đến bài toán “ô nhiễm” mà nhiều năm qua người dân phải gánh chịu?
Trước mắt, đa số người dân đều có thể khẳng định, nếu tiếp tục gia hạn khai thác mỏ đá thì chắc chắn KSB và các nhà đầu tư được hưởng lợi đầu tiên trong việc này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đảm bảo doanh thu trong năm 2018 của KSB tăng lên, trong khi người dân chỉ biết… chịu thiệt.
Biển chỉ dẫn vào khu vực mỏ đá. |
Trước đó, theo báo cáo kết quả kinh doanh của KSB quý I-2018, doanh thu ước đạt 252 tỷ đồng, lãi trước thuế 87,2 tỷ đồng và lãi sau thuế 69 tỷ đồng. Trong chiến lược tăng trưởng dài hạn của mình, KSB luôn chú trọng vào mảng kinh doanh cốt lõi là khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng.
... Người dân Đồng Nai chịu thiệt !
Doanh nghiệp hưởng lợi đã rõ, nhưng ở chiều ngược lại, việc gia hạn mỏ đá không những không mang lại lợi ích cho những người dân sống cạnh dự án mà tiếp tục đẩy người dân phải sống chung với ô nhiễm bởi khói bụi, tiếng ồn và tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm thêm thời gian dài.
Cụ thể, việc nổ mìn khai thác đá trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái, môi trường sống xung quanh và cả cuộc sống người dân. Nếu tình trạng khai thác trên vẫn tiếp tục tái diễn thì nguy cơ ô nhiễm lại càng tăng lên, đe dọa trực tiếp sức khỏe và tính mạng của nhiều người dân nơi đây, và đó là điều khó tránh khỏi.
Có một thực tế, mỏ đá Tân Đông Hiệp tuy tọa lạc ngay trên đất Bình Dương, nhưng chính những người dân Đồng Nai lại là nạn nhân phải gánh chịu ô nhiễm nặng nề nhất từ việc khai thác đá nơi đây. Theo đó, vị trí mỏ đá trên nằm tiếp giáp với địa phận của xã Hóa An, thuộc TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tại đây có đến hàng trăm hộ dân đang sinh sống.
Nhiều mỏ đá sau khi khác thác vẫn chưa được cải tạo, san lấp, để lộ thiên rất nguy hiểm. |
Trước thông tin cho rằng, Ban Quản lý mỏ đá Tân Đông Hiệp đang vận động người dân đồng ý để xin gia hạn đến năm 2019, tuy nhiên, rất nhiều hộ dân ở đây tỏ ra không đồng tình với việc làm đó. Bởi người dân không chấp nhận với tình trạng phải tiếp tục sống chung với ô nhiễm và nỗi sợ hãi, bất an khi nhà cửa phải thường xuyên chịu sự chấn động, rung lắc từ những đợt nổ mìn liên tiếp của chủ mỏ.
Theo người dân xã Hóa An cho biết, mặc dù đã có kiến nghị yêu cầu ngừng khai thác nhưng do mỏ đá thuộc tỉnh Bình Dương quản lý nên việc này đang gặp phải sự nan giải.
Một vấn đề khác khiến người dân sống quanh mỏ đá cũng rất quan tâm, đó là công tác cải tạo mỏ sau khai thác sẽ được thực hiện như thế nào? Vì thực tế hiện nay có rất nhiều mỏ sau khi khai thác đã để lại hố sâu cả trăm mét, nhưng chưa được san lấp, cải tạo, để lộ thiên, dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, lo lắng cho người dân.
Cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp hiện có 4 đơn vị đang hoạt động khai thác và chế biến đá tại đây, gồm: Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB), Công ty Cổ phần Xây dựng Bình Dương, Công ty Cổ phần Trung Thành và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 3-2.
Từ khi hoạt động đến nay, cụm mỏ đá này đã được gia hạn thời gian và độ sâu khai thác 3 lần. Cụ thể, lần 1: Gia hạn thời gian khai thác từ năm 2010 đến năm 2013 và độ sâu đến cote - 80m; lần 2: Gia hạn từ năm 2013 đến năm 2015 và độ sâu đến cote - 100m; lần 3: Gia hạn từ năm 2015 đến năm 2017 và độ sâu đến cote - 120m.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.