Gia tăng bệnh nhân bị rắn cắn vào mùa hè
Đắp thuốc Nam chữa rắn cắn dẫn đến hoại tử tay
Theo thông tin từ Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thời gian gần đây, số ca nhập viện do rắn cắn tăng lên đáng kể. Trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận 7-10 bệnh nhân; trong đó có trường hợp bệnh nhân bị rắn cắn nhưng tự ý trốn viện về nhà đắp thuốc Nam, khiến tình trạng bệnh càng trở nên trầm trọng.
Điển hình như trường hợp của bệnh nhân G.A.D (nam, 61 tuổi, ở Bảo Lạc, Cao Bằng), ngày 14/5 nhập viện trong tình trạng tay trái có 2 vết như dấu răng, sưng nề hoại tử xung quanh khoảng 5cm; sưng nề lan lên cẳng tay trái, cánh tay và vai trái, bệnh nhân đau nhiều.
Theo người nhà bệnh nhân, khoảng 18h ngày 11/5, bệnh nhân bị một con rắn màu xám đen cắn vào bàn tay trái. Sau khi cắn bệnh nhân đau nhiều, chảy máu ít. Bệnh nhân được người nhà đưa đến bệnh viện địa phương để điều trị nhưng sau đó bệnh nhân trốn về nhà đắp thuốc Nam.
Sau 2 ngày đắp thuốc Nam bệnh nhân đau nhiều, sưng nề lan lên cẳng tay trái, cánh tay trái và vai trái mới. Lúc này bệnh nhân mới tiếp tục vào bệnh viện địa phương điều trị.
Bàn tay bệnh nhân bị hoại tử vì trốn viện về nhà tự đắp thuốc Nam chữa rắn cắn |
Từ bệnh viện địa phương, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Hiện tại bệnh nhân tiếp tục được chuyển qua Viện bỏng Quốc gia để điều trị.
Trước đó, ngày 13/5, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận bệnh nhân H.T.K (nữ, 64 tuổi) bị rắn cắn khi đang nấu bữa tối cho gia đình.
Cụ thể, vào khoảng 19h ngày 12/5 khi bà K đang nấu cơm thì bất ngờ bị con rắn màu đen, cổ bành rộng cắn vào cánh tay phải. Sau khi bị cắn bà K đau nhiều, được người nhà lấy ngọn ớt và quả ớt đắp vào vết cắn sau đó đưa đến bệnh viện địa phương.
Từ bệnh viện địa phương, bệnh nhân tiếp tục được chuyển đến Trung tâm chống độc của Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có 2 vết răng cách nhau 1,5cm tại 1/3 ngoài cẳng tay phải; xung quanh hoại tử khoảng 30cm2; rỉ dịch vàng.
Một trường hợp khác là bệnh nhân N.N.T (nam, 51 tuổi; ở Kim Bảng, Hà Nam) mới đây cũng phải vào Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vì bị rắn cắn.
Bệnh nhân T cho biết, vào 6h ngày 12/5 khi đang tập thể dục ở sân thì bất ngờ bị một con rắn màu xanh lục, đuôi đỏ cắn vào ngón trỏ tay phải.
Lúc này bệnh nhân vội vàng rửa vết thương bằng nước sạch, sau đó đến bệnh viện địa phương để thăm khám. Từ bệnh viện địa phương bệnh nhân tiếp tục được đưa đến Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.
Không tự ý điều trị đắp thuốc Nam
Mỗi loại rắn có độc tính khác nhau, tùy theo loại rắn mà có biện pháp sơ cứu kịp thời. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân chủ quan áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu vết rắn cắn, cho đến khi có các biểu hiện suy hô hấp, tím tái, co cơ… thì mới vội vàng đến các cơ sở y tế.
Bệnh nhân bị rắn cắn đang điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai |
Ths.Bs Đỗ Tuấn Anh, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Thời gian gần đây, trung tâm tiếp nhận nhiều trường hợp bị rắn cắn. Nguyên nhân chủ yếu là do thời điểm hiện tại đang vào mùa rắn hoạt động mạnh, thời tiết mưa nhiều, ẩm ướt…
Cũng theo Ths.Bs Đỗ Tuấn Anh, nếu không may bị rắn độc cắn có thể gây tử vong, thường là suy hô hấp do liệt cơ. Các loại rắn gây liệt thường là rắn cạp nong, cạp nia, hổ chúa, một số trường hợp là rắn hổ mang, rắn biển…
"Nọc độc của rắn từ vị trí cắn về tuần hoàn hệ thống chủ yếu theo con đường bạch huyết. Liệt cơ thường xuất hiện trong vòng 1 đến vài giờ sau khi bị cắn. Một số trường hợp vết cắn vào tĩnh mạch liệt rất nhanh ngay sau khi bị cắn. Bệnh nhân có thể bị liệt cơ, suy hô hấp và tử vong trên đường vận chuyển tới cơ sở y tế", Ths.Bs Đỗ Tuấn Anh thông tin.
Ths.Bs Đỗ Tuấn Anh hướng dẫn, nếu không may bị rắn cắn cần nhanh chóng bóp nặn máu và cọ rửa bằng nước trong vài phút. Sau đó bệnh nhân cần được băng ép bất động rồi nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời. Khi vận chuyển bệnh nhân cần lưu ý, vùng bị cắn cần hạn chế vận động và để thấp hơn vị trí của tim.
"Khi bị rắn cắn tuyệt đối không tin vào thầy lang, không tự ý dùng lá thuốc, trích rạch, gây điện giật hay chữa bằng mẹo... Điều này hết sức nguy hiểm, có thể làm tình trạng bệnh nhân thêm trầm trọng như hoại tử mức độ tối đa, biến chứng nặng hoặc tử vong, khi đến các cơ sở y tế thì đã quá muộn", Ths.Bs Đỗ Tuấn Anh khuyến cáo.
Để tránh bị rắn cắn, người dân cần tránh các khu vực thường có nhiều rắn như bụi cỏ, chuồng gà, khe, hốc; đi ban đêm cần có đèn chiếu sáng; khi lao động cần sử dụng ủng, giày cao cổ và quần dài; không trực tiếp nằm ngủ trên nền đất.