Giải pháp cải thiện dinh dưỡng cho bà con vùng nông thôn và miền núi
Từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân
Ngày 12/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” đến năm 2025 với mục tiêu đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam. Đồng thời thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 2 do Chính phủ Việt Nam cam kết với Tổ chức Liên Hợp Quốc.
Qua hơn 3 năm triển khai chương trình, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng như người dân có đủ lương thực, thực phẩm, hệ thống lương thực, thực phẩm phát triển bền vững, tăng năng suất lương thực của người nông dân và giảm thiểu lãng phí lương thực, thực phẩm.
Một trong số những địa phương triển khai có hiệu quả mô hình nông nghiệp dinh dưỡng chính là bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Đây là một xã nghèo, vùng cao biên giới của tỉnh Thanh Hóa.
Tháng 8/2019, sau trận lũ quét lịch sử đã cuốn trôi tất cả nhà cửa, hoa màu, vật nuôi của người dân khiến cho đời sống kinh tế của bà con Nhân dân càng gặp thêm khó khăn. Nguồn thực phẩm tại chỗ của người dân bản Sa Ná còn thiếu so với nhu cầu, không có điều kiện chế biến và bảo quản thực phẩm phù hợp… Bên cạnh đó, nhận thức của người dân cũng chưa đúng, chưa đủ về dinh dưỡng nên đời sống vật chất của người dân không được đảm bảo.
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” đến năm 2025 đã đạt được những kết quả tích cực |
Trước thực tế đó, năm 2020, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn được giao triển khai mô hình “Nông nghiệp dinh dưỡng”, trong khuôn khổ chương trình hành động “Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025 tại bản Sa Ná. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là 725 triệu đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 350 triệu đồng, người dân đối ứng 375 triệu đồng.
Khi bắt tay triển khai thực hiện, dự án đã hỗ trợ người dân bản Sa Ná 4.590 con gà ri Hòa Bình 25 - 30 ngày tuổi (hộ nghèo 85 con/1 hộ, hộ cận nghèo 68 con/1 hộ); 3.390kg thức ăn hỗn hợp; 18.360 liều vắc xin các loại; 120 lít hoá chất sát trùng.
Không chỉ đơn thuần hỗ trợ giống gà, vật tư chăn nuôi cho bà con Nhân dân, dự án còn hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức cho người dân trong quá trình đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, cải thiện dinh dưỡng cho người dân.
Đến nay, sau hơn một năm triển khai thực hiện, dự án đã giúp các hộ dân trong bản có đủ thực phẩm hàng ngày đảm bảo dinh dưỡng, góp phần giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em trong bản. Ngoài ra, người dân trong bản còn biết cách nhân đàn gia cầm để phát triển kinh tế, có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cần nhân rộng mô hình ở các địa phương khó khăn
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan Thường trực của Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” đã triển khai 19 mô hình “Không còn nạn đói” ở các địa bàn khó khăn. Ngoài 19 mô hình mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thì rất nhiều các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu cũng tham gia triển khai thực hiện.
Hiện nay, cả nước có khoảng 28 tỉnh sẽ triển khai chương trình, đây là những tỉnh có tỷ lệ nghèo rất cao. Giai đoạn 1 được triển khai được xác định là giai đoạn thí điểm và chuẩn bị. Ở giai đoạn này, các đơn vị liên quan sẽ xây dựng các mô hình để đánh giá, tổng kết, xây dựng chính sách, rà soát lại các quy chế phối hợp.
Chương trình "Không còn nạn đói" đã từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực miền núi Quan Sơn, Thanh Hóa |
Từ 19 mô hình “Không còn nạn đói” triển khai hiệu quả ở các địa bàn khó khăn, Ban chỉ đạo sẽ hướng dẫn các địa phương bố trí ngân sách thực hiện chương trình ở diện rộng trong giai đoạn 2021-2025, tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và hướng dẫn nông dân sử dụng, chế biến sản phẩm tại chỗ để cung cấp dinh dưỡng cho người dân.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Chương trình “Không còn nạn đói” là một chương trình rất nhân văn, đáp ứng kịp thời xu thế phát triển của xã hội, đặc biệt là nguồn lực con người.
Việt Nam là một nước rất thành công trong việc giảm nghèo, tuy nhiên cần quan tâm đến vấn đề thể trạng, phát triển thể trạng của những thế hệ từ lúc còn nhỏ cho đến trưởng thành với những mục tiêu rất quan trọng. Do vậy chương trình “Không còn nạn đói” là phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và bắt kịp xu thế thế giới.
“Việc triển khai hiệu quả chương trình “Không còn nạn đói” trong thời gian qua và giai đoạn 2021-2025 sẽ mở ra hi vọng giải quyết căn bản những vấn đề mang tầm chiến lược trong mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thấp còi dưới 2 tuổi toàn quốc dưới 20%, đặc biệt tại 56 huyện khó khăn của cả nước”, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.