Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Khuyến khích cho vay nông nghiệp, nông thôn
Thông tin trên được Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tại hội thảo "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn", diễn ra ngày 2/12.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, đến ngày 19/11/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 10 triệu tỷ đồng, tăng 9,52% so với cuối năm 2020, là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến hầu hết các lĩnh vực, ngành kinh tế.
Trong đó, dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt trên 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 10,21% so với năm 2020 (cao hơn tăng trưởng chung nền kinh tế). Cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng đạt gần 1,95 triệu tỷ đồng, chiếm 19,6% dư nợ nền kinh tế.
Ngoài nguồn vốn tín dụng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai 23 chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách với dư nợ đạt trên 243 nghìn tỷ đồng, tăng 7,51% so với cuối năm 2020, tăng 25,2% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg với gần 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú (Ảnh: SBV) |
Ông Tú cho biết, quan điểm chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xác định, tín dụng tiêu dùng được coi là lĩnh vực được quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ và mở rộng trong thời gian tới.
Từ chủ trương này, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những chính sách, tạo điều kiện, khuyến khích và phát triển việc cho vay tiêu dùng đối với nền kinh tế. Chính vì thế, sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, kể cả tín dụng vi mô, hệ thống quỹ tín dụng Nhân dân, Ngân hàng Chính sách xã hội, đặc biệt là các công ty tài chính được tăng cường, tập trung phát triển tín dụng tiêu dùng.
Theo ông Tú, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, hành lang pháp lý để tín dụng tiêu dùng hoạt động phát triển nhưng có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo cho vay tín dụng giải quyết hài hòa 2 mục tiêu.
Một là tạo điều kiện để người dân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế thực sự được thụ hưởng một chương trình, một chính sách Hai là phải có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ để hoạt động tín dụng tiêu dùng lành mạnh, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ và thị trường tín dụng một cách lành mạnh.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân trong việc xác thực khách hàng để giúp các tổ chức tín dụng tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là người dân thuộc nhóm dễ bị ảnh hưởng của “tín dụng đen”.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện hệ thống pháp lý đối với các tổ chức tài chính vi mô để làm sao tạo điều kiện mở rộng ở các địa phương, Đây là hình thức tác dụng rất trực tiếp để giải quyết vấn đề tín dụng đen.
Đặc biệt, Phó Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, Ngân hàng Nhà nước sẽ dành nguồn vốn một cách hợp lý và có những chính sách khuyến khích đối với các ngân hàng thương mại nếu như cho vay lĩnh vực tiêu dùng một cách tích cực và hiệu quả, cũng như khuyến khích cho vay nông nghiệp, nông thôn.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh sẽ tạo điều kiện mở rộng mạng lưới của các tổ chức tín dụng ở vùng sâu, vùng xa, phục vụ cho nhu cầu vay tiêu dùng của các đối tượng yếu thế.