Giải pháp căn cơ nhất để hỗ trợ hệ thống Quỹ tín dụng Nhân dân
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Co-opBank, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú đã nhấn mạnh: Năm 2021 là năm đầu tiên, Co-opBank làm được một việc chưa từng có, đó là trích lập dự phòng rủi ro gần như 100% các khoản nợ chưa thu hồi được của các QTDND.
Co-opBank đã rất chủ động sử dụng các nguồn để có thể trích lập hết các khoản nợ này nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, phù hợp với chỉ đạo chung của NHNN. Đó là một trong những thắng lợi...
Điều này cũng là một minh chứng cho thấy câu chuyện liên kết và hỗ trợ hệ thống của Co-opBank không chỉ đòi hỏi sự cố gắng của từng cán bộ nhân viên trong việc tái cơ cấu bộ máy, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng phục vụ, mà tiềm lực tài chính cũng đóng một vai trò quan trọng không thể thiếu.
Trong bối cảnh ngành ngân hàng đang đẩy mạnh chuyển đổi số, đòi hỏi Co-opBank phải chuyển mình hơn nữa để đáp ứng yêu cầu phát triển và tiếp tục hỗ trợ hệ thống QTDND phát triển bền vững. Việc nâng cao năng lực tài chính được xem là điểm tựa để thực hiện bướt đột phá này.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại Đại hội đại biểu thành viên năm 2020 - 2021 của Co-opBank |
Trong nhiều năm qua, Co-opBank đã nỗ lực nâng cao năng lực tài chính thông qua việc đảm bảo hoạt động kinh doanh có lãi để trích lập dự phòng tăng vốn điều lệ và vốn tự có.
Tính đến 31/21/2021, Co-opBank đã cơ bản hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính NHNN giao, trong đó tổng tài sản vượt 2,37%, lợi nhuận sau thuế vượt 7,13%, tỷ suất lợi nhuận (ROE) vượt 6,78%.
Hoạt động kinh doanh hiệu quả là nền tảng để Co-opBank tích lũy nguồn lực và tài chính, điều hành nguồn vốn linh hoạt hiệu quả, từ đó làm tốt công tác điều hòa vốn, đặc biệt là tiền gửi điều hòa của QTDND. Tính đến ngày 30/9/2022, dư nợ cho vay QTDND đạt 4.786 tỷ đồng, tăng 1.304 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 37,47% so với năm 2021.
Bên cạnh đó, theo yêu cầu của NHNN, trong năm 2022, Co-opBank đã tiến hành kiểm tra 42 QTDND thuộc địa bàn quản lý của 23 Chi nhánh Co-opBank. Qua kiểm tra, Co-opBank đã kết hợp công tác tư vấn hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ và kiến nghị các QTDND thực hiện bổ sung, chỉnh sửa các văn bản, quy chế nội bộ cũng như khắc phục các vấn đề trong công tác tín dụng, đồng thời báo cáo về NHNN Chi nhánh tỉnh/thành phố.
Co-opBank đã tích cực phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh/thành phố hỗ trợ, tư vấn kịp thời về biện pháp xử lý đối với các QTDND yếu kém, được kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN. Đến nay, ngoài các cán bộ tham gia thành viên Ban kiểm soát đặc biệt, Co-opBank đã cử 54 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tới đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc QTDND để thực hiện công tác quản trị điều hành hoạt động của các QTDND.
Đồng thời, Co-opBank đã bố trí nguồn vốn và tài chính để kịp thời cho vay, gia hạn, cơ cấu nợ, miễn giảm lãi để hỗ trợ các QTDND về nguồn vốn, lãi suất... khắc phục khó khăn theo đề án củng cố, chấn chỉnh hoạt động đã được NHNN phê duyệt. Tuy nhiên, để tiếp tục đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ hỗ trợ hệ thống QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững, Co-opBank rất cần được hỗ trợ tăng cường năng lực tài chính trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Co-opBank |
Tăng cường năng lực tài chính cũng là nền tảng để Co-opBank đầu tư cung ứng, phát triển các sản phẩm dịch vụ mới; Triển khai các dự án tín dụng quốc tế; Hỗ trợ công tác đào tạo, chuyển giao công nghệ cho các QTDND. Từ đầu năm 2022, Co-opBank đã đẩy mạnh phát triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng số để hỗ trợ hệ thống QTDND.
Tháng 1/2022, Co-opBank ra mắt ứng dụng Ngân hàng số Co-opBank Mobile Banking tới thành viên QTDND và khách hàng cá nhân. Tính đến ngày 30/9/2022, tổng số lượng giao dịch trên ứng dụng Co-opBank Mobile Banking là 931.768 giao dịch với số tiền 20.794 tỷ đồng.
Co-opBank cũng đã triển khai chính thức dịch vụ “Chuyển tiền nhanh 24/7 tại quầy” tới tất cả các QTDND thành viên trong hệ thống thanh toán chuyển tiền điện tử. Đặc biệt, ngày 23/9/2022 đã đánh dấu bước đột phá mới của Co-opBank với việc chính thức triển khai hệ thống E-Banking, được nâng cấp từ hệ thống chuyển tiền điện tử CF-eBank cũ.
Sau thời gian triển khai, hệ thống hoạt động dần đi vào ổn định, rút ngắn thời gian giao dịch của khách hàng. Co-opBank cũng hướng tới phát triển trở thành đầu mối hỗ trợ hệ thống QTDND chuyển đổi số, đầu tư cung cấp các sản phẩm ngân hàng hiện đại cho hệ thống QTDND, trở thành trung tâm thanh toán cho các QTDND và thành viên.
Phòng giao dịch Co-opBank |
Mở rộng quy mô hoạt động trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 là nhu cầu hết sức cấp bách của Co-opbank nhằm ngăn nguy cơ tụt hậu, đứng vững trong cạnh tranh, từng bước xây dựng đơn vị lớn mạnh để có nguồn lực phát triển bản thân và hỗ trợ hệ thống QTDND hoạt động ổn định, an toàn.
Tuy nhiên, năng lực tài chính còn hạn chế đang trở thành rào cản cho Co-opBank phát triển và chưa phát huy hết vai trò sứ mệnh của mình. Điều này có thể nhận thấy là: Trong khi hệ thống QTDND có mặt tại 59 tỉnh/thành, thì Co-opBank chỉ có 32 chi nhánh tại 30 tỉnh/thành, không thể mở rộng hơn vì năng lực tài chính hạn chế (hiện vốn điều lệ của ngân hàng dừng ở mức 3.029 tỷ đồng) và bài toán hiệu quả kinh tế mà cụ thể là tiết giảm đầu tư xây dựng cơ bản, tập trung cho chuyển đổi số.
Mặt khác, để thực hiện mức tăng trưởng theo kế hoạch thì tỷ lệ đảm bảo an toàn của Co-opbank sẽ tiến tới giới hạn và sẽ vi phạm vào năm 2023.
Tại Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 vừa ban hành (Quyết định 689/QĐ-TTg ban hành ngày 8/6/2022).
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện mô hình, chức năng và cơ chế hoạt động của Co-opBank có đủ năng lực tài chính, tăng cường năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát, hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững để thực hiện tốt vai trò là ngân hàng của các QTDND (thực hiện tính liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn, đảm bảo an toàn hệ thống các QTDND), hỗ trợ thúc đẩy phát triển các loại hình kinh tế tập thể là hợp tác xã khác trên phạm vi toàn quốc.
Mục tiêu cụ thể được đặt ra là tăng vốn điều lệ cho Co-opBank từ các nguồn hợp pháp đạt mức tối thiểu 5.000 tỷ đồng vào năm 2025.
Xuất phát từ sự cấp thiết, nhu cầu chuyển đổi số, tái cơ cấu nhằm xây dựng, phát triển Co-opBank thành Ngân hàng của các QTDND trong giai đoạn mới, Co-opBank dự kiến cần phải đầu tư để thực hiện đề án chuyển đổi số, hiện đại hóa công nghệ thông tin, phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại; Đồng thời, cần đầu tư trụ sở làm việc, cải tạo nâng cấp, trang bị bổ sung cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị cho trụ sở chính, 32 chi nhánh, 66 phòng giao dịch, 3 cơ sở đào tạo đảm bảo an toàn, nâng cao thương hiệu.
Thêm vào đó, Co-opBank cũng cần nguồn vốn để cải thiện, nâng cao tỷ lệ đảm bảo an toàn cho bản thân Co-opBank và hướng tới đủ khả năng đảm bảo an toàn cho cả hệ thống gần 1.200 QTDND thành viên.
Trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, mức thiếu hụt dự kiến cần phải bổ sung thêm là 5.000 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ lên trên 8.000 tỷ đồng.
Vì vậy, Co-opBank mong muốn NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét ưu tiên trình Chính phủ cho Co-opBank sớm tăng thêm 5.000 tỷ đồng nâng vốn điều lệ lên trên 8.000 tỷ đồng nhằm đẩy nhanh tiến trình phát triển Co-opBank thành ngân hàng đầu mối của hệ thống QTDND đủ mạnh về quy mô, năng lực tài chính, trình độ quản trị, công nghệ; Hỗ trợ có hiệu quả cho các QTDND về chuyên môn, nghiệp vụ, vốn và tài chính. Từ đó, nâng cao được vai trò và trách nhiệm của Co-opBank trong công tác điều hòa vốn, kiểm tra giám sát, hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ ngân hàng, công nghệ thông tin, phát triển sản phẩm dịch vụ, hỗ trợ hoạt động ngân hàng, hỗ trợ chuyển đổi số đối với QTDND, tham gia xử lý đối với QTDND thành viên gặp khó khăn hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động.