Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn?
Hội thảo “Giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho các cơ sở công nghiệp nông thôn" |
Tại Đà Nẵng vừa diễn ra Hội thảo “Giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh giai đoạn trong và sau thời kỳ dịch bệnh COVID-19 cho các cơ sở công nghiệp nông thôn”
Hội thảo do Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương - Bộ Công thương và Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại - Sở Công thương thành phố Đà Nẵng phối hợp thực hiện.
Phát biểu tại Hội thảo bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng, cho biết thời gian qua dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế nói chung của cả nước và trực tiếp ảnh hưởng đến hoặt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, các cơ sở công nghiệp, thương mại tại các địa phương trên cả nước.
Cũng theo bà Mai, trong các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp tại các địa phương, việc tổ chức thực hiện lại các hoạt động xúc tiến thương mại, phân phối hàng hóa là điều rất cần thiết hiện nay.
Đây là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ, bao gồm các hoặt động như: Khuyến mại, quảng cáo, trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ, hội trợ triển lãm, tiêu thụ sản phẩm…
“Thông qua Hội thảo lần này, mong rằng các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn TP đà Nẵng sẽ lắng nghe, trao đổi, thảo luận để tìm được những giải pháp phù hợp, thiết thực cho đơn vị mình nhằm sớm phục hồi sản xuất kinh doanh đi vào ổn định và phát triển bền vững”, bà Mai nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, PGĐ Sở Công thương thành phố Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo |
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu thị trường cùng các đại diện các cơ sở công nhiệp nông thôn đã tiến hành thảo luận về các vấn đề gồm: Giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh giai đoạn trong và sau thời kỳ dịch bệnh COVID-19 cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; Chính sách hỗ trợ của nhà nước về các khoản thuế, lệ phí, gia hạn thời hạn thuế và tiền thuế đất hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn chịu thiệt hại bởi dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, hướng dẫn các cơ sở công nông nghiệp nông thôn quan tâm và đẩy mạnh về vấn đề xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ của các cơ quan quản lý cũng như của từng doanh nghiệp hoặc tổ chức kinh tế thông qua các hoạt động cụ thể như khuyến mại, quảng cáo thương mại, trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ và hội trợ, triển lãm thương mại.
Trong đó, tập trung ưu tiên các hoạt động kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu ngành hàng và đào tạo nâng cao năng lực xúc tiến thương mại bằng các hình thức phù hợp bằng cả trực tiếp và trực tuyến.
Chú trọng việc xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại theo sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp; xúc tiến thương mại theo sản phẩm chủ lực của địa phương, ngành kinh tế nhằm tạo ra sức cạnh tranh cao dựa trên các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, địa phương được tiêu thụ ổn định, mang lại nguồn doanh thu chiếm tỷ trọng lớn.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc triển khai mô hình xúc tiến thương mại trong thời gian qua đã đạt được rất nhiều hiệu quả lớn, tuy nhiên việc triển khai vấn đề này của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, do còn nhiều rào cản về công nghệ, chuyển đổi số. Mặt khác khi tham gia giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử thì hiệu quả chưa cao.
Do đó, để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến trong thời gian tới cần phải có các giải pháp từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và chính bản thân các doanh nghiêp.