Giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Mặt trận vào cuộc gỡ “nút thắt” tư tưởng
Mang “làn gió mới” tới công tác Mặt trận Nâng tầm, nâng chất trong từng hoạt động của Mặt trận Mặt trận quận Hoàn Kiếm đẩy mạnh xây dựng các mô hình trọng điểm ở khu dân cư |
Bài 1: Lòng dân đồng thuận, di dời mồ mả không còn là việc khó
Di dời mồ mả thực hiện giải phóng mặt bằng luôn được xác định là khâu khó, bởi ít nhiều đụng chạm tới vấn đề tâm linh, phong tục, tập quán. Tuy nhiên, tại huyện Đan Phượng, hàng trăm ngôi mộ từ nghĩa trang Nhân dân thôn Bồng Lai (xã Hồng Hà) - nơi dự án đường Vành đai 4 đi qua, đang lần lượt được các hộ gia đình di dời về nghĩa trang mới, dẫu không phải là “thời điểm vàng” của việc cải táng, sửa sang mồ mả tổ tiên.
Mộ được di chuyển từ nghĩa trang Nhân dân thôn Bồng Lai về nghĩa trang Nhân dân xã Hồng Hà được xây mới, sắp xếp gọn gàng, quy củ, văn minh |
Gần 600 ngôi mộ được di dời
Giữa trưa nắng những ngày cuối tháng 4, tại khu đất được quy hoạch làm Nghĩa trang Nhân dân xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng), những người thợ xây đang gấp rút hoàn thành các phần mộ theo đặt hàng của các hộ dân trong xã, để phục vụ cho việc di chuyển mồ mả tổ tiên về đây. Dù mới chỉ là khu đất được quy hoạch, chưa có cổng, tường rào hay khuôn viên nhưng những dãy mộ mới được xây lên đều vô cùng chỉnh chu theo đúng kích thước, mẫu mã. Mộ nằm hướng về một phía, tập trung theo khu vực từng dòng họ, gia đình.
Chỉ về từng hàng mộ thẳng tăm tắp, lối đi rộng rãi, ông Trần Ngọc Chiến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hồng Hà cho biết: Cả xã có 1.050 ngôi mộ đã kiểm đếm. Trong năm 2022, xã đã di chuyển được 384 ngôi mộ. Từ đầu năm tới nay, xã tiếp tục di chuyển được thêm hơn 200 ngôi mộ, cơ bản đạt khoảng hơn 50 %.
“Trong tháng 3 Âm lịch này vẫn có nhiều hộ dân đăng ký di chuyển mộ. Chúng tôi kỳ vọng từ nay tới cuối tháng 6 sẽ hoàn tất chỉ tiêu huyện giao, đảm bảo bàn giao mặt bằng phục vụ cho việc khởi công dự án đường Vành đai 4”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hồng Hà cho biết.
Theo quy hoạch, xã Hồng Hà có diện tích đất nằm trong giải phóng mặt bằng triển khai dự án Vành đai 4 là 304.458,7m2. Ông Trần Ngọc Chiến cho biết: Ngay khi có các kế hoạch của TP và Huyện ủy, Đảng ủy xã về triển khai dự án, MTTQ xã đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động giải phóng mặt bằng. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã đã tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền tọa đàm tang văn minh, đi sâu vào nội dung di chuyển mộ; Trong đó, một hội nghị tổ chức cấp xã, một hội nghị thôn Bồng Lai mời sư thầy về nói chuyện trao đổi đạo phật.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hồng Hà Trần Ngọc Chiến (ngoài cùng bên trái) chia sẻ với phóng viên |
Ông Chiến cho biết, việc dự án đi qua Nghĩa trang thôn Bồng Lai ngay từ ban đầu đã được xác định là một khó khăn cần tập trung tháo gỡ. Thực tế thì tháng 10/2022, UBND xã đã nhận được đơn của các công dân thôn Bồng Lai có nội dung: “Đề nghị cơ quan có thầm quyền xem xét, uốn chỉnh con đường Vành đai 4 đi qua nghĩa trang để người dân không phải di chuyển các ngôi mộ”.
Ngay khi nhận được đơn thư, Đảng ủy xã Hồng Hà đã chỉ đạo UBND xã tổ chức hội nghị đối thoại với các công dân có đơn. Sau khi được tuyên truyền, giải thích và làm rõ các vướng mắc liên quan, ngay tại buổi đối thoại, 11/44 công dân đã nhận thức rõ và đồng ý với chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến việc triển khai dự án. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ không tới dự. Vì thế, ngay khi hội nghị kết thúc, các tổ công tác của xã gồm lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể đã tổ chức xuống các hộ, tuyên truyền vận động để công dân tự nguyện rút đơn, đồng thuận với chủ trương của thành phố.
Là một trong những hộ tiên phong di chuyển mộ của gia đình về nghĩa trang mới, ông Doãn Văn Dũng, Cụm trưởng Cụm 1, thôn Bồng Lai cho biết: Gia đình ông đã di chuyển 13 ngôi mộ và vận động các hộ gia đình trong dòng họ di chuyển hàng chục ngôi mộ.
“Trong dòng họ Doãn, những người cao tuổi đều tiên phong đi đầu. Thậm chí, hộ cụ Doãn Văn Chè, làm nghề thầy cúng nhưng vẫn tiên phong di chuyển mồ mả gia đình ngay dịp đầu năm. Vì thế, người dân trong dòng họ cũng thêm niềm tin trong việc này, từ đó chủ động trong công tác di chuyển mộ của gia đình, góp phần đảm bảo tiến độ, chỉ tiêu xã, huyện giao cho Cụm dân cư số 1”, ông Dũng chia sẻ.
Ông Doãn Văn Dũng, Cụm trưởng Cụm 1, thôn Bồng Lai chia sẻ |
Chưa nhận đền bù đã bàn giao đất
Việc di chuyển mồ mả diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hồng Hà Trần Ngọc Chiến trước hết là nhờ có sự ủng hộ của các hộ dân có đất nông nghiệp được thu hồi thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang nghĩa trang Nhân dân xã Hồng Hà.
“Chúng tôi xác định rằng, cuối năm 2022 là thời điểm vàng để di chuyển mộ. Nếu bỏ qua thời điểm này là bỏ qua cơ hội tốt. Tuy nhiên khi ấy, phương án đền bù đất chưa được ban hành. Vì vậy, chúng tôi đã tích cực vận động 7 hộ dân ở Cụm 4 bàn giao 2.602,1m2 đất để phục vụ việc di chuyển mộ. Thật may là các hộ dân này đều rất ủng hộ. Nhờ đó, tranh thủ được "thời điểm vàng" di dời mồ mả và đạt kết quả tốt như hiện nay”, ông Trần Ngọc Chiến cho biết.
Chia sẻ thêm về công tác vận động, tuyên truyền 7 hộ dân, ông Nguyễn Văn Tự, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận Cụm 4, thôn Bồng Lai cho biết: "Ban đầu, một vài hộ cũng còn băn khoăn khi chưa có phương án bồi thường. Để đảm bảo kịp thời việc di dời nghĩa trang Bồng Lai đúng lịch trình, chúng tôi đã vận động các gia đình áp dụng mức giá bồi thường theo phương án thu hồi các loại đất nông nghiệp của HĐND TP. Nếu sau này trong quá trình thực hiện có thay đổi thì các hộ sẽ nhận thêm sau. Phương án này nhanh chóng được các hộ dân chấp thuận”.
Ông Nguyễn Gia Chuyên (ngoài cùng bên trái) là một trong 7 hộ dân Cụm 4 tiên phong bàn giao đất thực hiện di dời Nghĩa trang thôn Bồng Lai |
Là một trong 7 hộ dân bàn giao đất sớm cho xã, ông Nguyễn Gia Chuyên (75 tuổi) từng là cán bộ Công ty Vật tư Bộ Nông nghiệp, về hưu đã 18 năm nhận thức sâu sắc được rằng, hạ tầng giao thông có vai trò quan trọng như thế nào đối với việc phát triển của một địa phương. Vì vậy, trước yêu cầu cấp bách, gia đình ông đã tiên phong ủng hộ chủ trương.
“Vì lợi ích chung, vì công việc chung cả, dự án đường Vành đai 4 chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân địa phương. Tôi hy vọng tuyến đường sớm được khởi công để huyện Đan Phượng kết nối tốt hơn giao thông, giao thương”, ông Chuyên bày tỏ và nói thêm: “Người dân chúng tôi rất vinh dự khi xã Hồng Hà có cầu nối lên con đường Vành đai 4 mang tên xã”.
Theo ông Chu Văn Giáp, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đan Phượng: Đường Vành đai 4 trong phạm vi chỉ giới theo hướng tuyến qua huyện Đan Phượng có chiều dài 6,3km, đi qua 5 xã: Hồng Hà, Liên Hồng, Hạ Mỗ, Tân Hội và thị trấn Phùng. Trong đó, xã Hồng Hà là địa bàn vừa phải di dời nghĩa trang thôn Bồng Lai, vừa có đất thổ cư phải thu hồi, vừa thực hiện tái định cư. Điều này đòi hỏi Đảng ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể của huyện và các xã phải vào cuộc sâu sát, nắm rõ tâm tư, kết hợp với vận động khéo để khơi thông tư tưởng cho người dân.
“Khối lượng công việc hiện còn không ít và cũng vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là việc thu hồi đất thổ cư tới đây. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng, khi lòng dân đã thuận thì việc bàn giao mặt bằng sẽ thuận lợi, các công việc còn lại của dự án sẽ đảm bảo tiến độ và mục tiêu, mở ra không gian phát triển mới cho Hà Nội nói riêng và vùng Thủ đô nói chung”, ông Chu Văn Giáp cho biết.
(Còn nữa)