“Giáo viên không chỉ truyền thụ kiến thức, mà còn dạy học sinh cách làm người”
Đối thoại nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo quận Ba Đình Tăng lương, phụ cấp ưu đãi cho giáo viên là việc cấp bách Ngành Giáo dục Hà Nội thăm hỏi, động viên giáo viên có hoàn cảnh khó khăn |
Hành trình 20 năm cống hiến
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có truyền thống theo nghề giáo, nhưng từ bé, ước mơ trở thành một người thầy đứng trên bục giảng đã có trong cô Đỗ Thúy Hằng. “Khi đi học, các thầy cô đã truyền cho tôi niềm đam mê với nghề giáo. Đặc biệt, năm học cấp 2, cô giáo dạy Văn đã thổi bùng lên trong tôi tình yêu môn Văn. Từ đây, mong muốn trở thành một cô giáo lớn lên theo tôi từng ngày.”, cô Hằng hồi nhớ về cơ duyên đến với nghề cầm phấn.
Với tinh thần ham học hỏi, say mê nghiên cứu, từ khi về công tác tại trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm), cô Hằng luôn cố gắng trau dồi kinh nghiệm, có những sáng kiến trong quá trình giảng dạy. Là trưởng nhóm môn GDCD, chủ nhiệm CLB học sinh Giỏi, áp lực đặt lên vai cô giáo sinh năm 1980 vô cùng lớn, yêu cầu có trình độ chuyên môn vững vàng. Nhưng những khó khăn đó chưa khi nào làm chùn bước cô giáo Hằng.
Cô Đỗ Thúy Hằng giáo viên môn Ngữ Văn trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hoàn Kiếm, Hà Nội |
Trong suốt quá trình giảng dạy, cô luôn được đồng nghiệp đánh giá là một người cẩn thận, tỉ mỉ khi trong công việc. Tận dụng những ngày nghỉ, giờ nghỉ, cô Hằng vẫn tranh thủ thời gian tìm tòi nghiên cứu để nâng cao kiến thức của bản thân.
“Nhận thức được vai trò của người giáo viên không chỉ là truyền thụ kiến thức, mà giáo viên còn là một người thầy dạy cho học sinh cách làm người, định hướng cho học sinh về tư tưởng, đồng hành cùng phụ huynh học sinh trong quá trình dạy học sinh thành một người có nhận thức đúng đắn, có nhân cách tốt, có kĩ năng trong cuộc sống để trở thành người có ích.”, cô Hằng chia sẻ.
Tại trường THCS Ngô Sĩ Liên, nhắc đến cô Hằng, các em học sinh nghĩ ngay đến một giáo viên chủ nhiệm vô cùng tâm lý. “Có những học trò trước kia tôi chủ nhiệm, về thăm trường chỉ nói với tôi 1 câu: Nhờ có những bài học của cô mà con thay đổi và trưởng thành như ngày hôm nay.”, cô giáo sinh năm 1980 nói về niềm hạnh phúc lớn nhất trên cương vị giáo viên chủ nhiệm.
Chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về công tác chủ nhiệm, cô Hằng tâm sự: “Lứa tuổi THCS đang ở ngưỡng thay đổi tâm, sinh lý. Khi làm công tác chủ nhiệm, đồng hành cùng các con, mình thấy vui khi có thể thay đổi nhận thức của các con, kết nối con gần gũi với gia đình, thầy cô, bạn bè”.
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, cô còn là một giáo viên cốt cán của quận Hoàn Kiếm và được Sở GD&ĐT Hà Nội mời đi thẩm định nhiều vấn đề chuyên môn. Trong giai đoạn hiện nay, cô Hằng đã trở thành giáo viên tiêu biểu của GD&ĐT Hà Nội khi tham gia tập huấn về chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Thổi hồn nhân cách học sinh bằng trách nhiệm và tình yêu thương
Mới đây, sáng kiến kinh nghiệm “Giải pháp hỗ trợ tâm lí cho học sinh do ảnh hưởng của dịch COVID -19 trong vai trò giáo viên chủ nhiệm” của cô giáo Đỗ Thúy Hằng đã được Sở Khoa học công nghệ Thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận cấp Thành phố năm 2022.
Cô Hằng đã có những tìm tòi, nghiên cứu sau đó áp dụng những cách thức để hỗ trợ tâm lý cho học sinh |
Chia sẻ về nguồn gốc sáng kiến, cô giáo trường THCS Ngô Sĩ Liên cho biết, trải qua hai năm COVID-19 đầy khó khăn, thấu hiểu những ảnh hưởng của đại dịch đến tâm lý và quá trình học tập của học sinh. Trước thực trạng đó, cô đã tham gia nhiều lớp tập huấn về tư vấn hỗ trợ tâm lý cho học sinh của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT Hà Nội để tìm hướng giải quyết.
“Trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, học sinh gần như tiếp cận khá thường xuyên với điện thoại, máy tính để học tập và tương tác. Trong khi đó, ở lứa tuổi này, các em cần bồi dưỡng, trưởng thành từ các kĩ năng xã hội và trường học. Tuy nhiên, dịch bệnh đã làm gián đoạn tương tác thực tiễn. Việc học – trao đổi trên các nền tảng trực tuyến nhiều hơn cũng khiến các con gặp phải các vấn đề tâm lí nhiều hơn.”, cô Hằng cho biết.
Bản thân đồng hành cùng các em học sinh trong thời điểm dịch bệnh, cô Thúy Hằng đã có những tìm tòi, nghiên cứu sau đó áp dụng những cách thức để hỗ trợ tâm lý cho học sinh, giúp đỡ phụ huynh và học sinh vượt qua những khó khăn trong gian đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Đánh giá về kết quả cho thấy các giải pháp đã kịp thời ổn định tinh thần học tập, động viên các em vừa tin tưởng giữ gìn sức khỏe thể chất, bình tĩnh, lạc quan trước các vấn đề nảy sinh do dịch bệnh.
Nhìn lại về hành trình 20 năm đứng trên bục giảng, cô Hằng luôn tâm niệm: “Người thầy không chỉ là một danh hiệu cao quý mà còn là trách nhiệm của con người khi được nhân dân gọi là thầy giáo, cô giáo. Nghề giáo là sự cống hiến, mang lại những điều tốt đẹp, thổi hồn nhân cách cho trẻ em, bằng tất cả trách nhiệm và tình yêu cho sự nghiệp Giáo dục”.
Cô giáo Đỗ Thúy Hằng đã có nhiều bộ sách bồi dưỡng và bổ sung kiến thức cho học sinh về môn Giáo dục công dân được Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam xuất bản từ năm 2010 đến nay. Với tinh thần ham học hỏi, say mê nghiên cứu, từ khi về công tác tại trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hoàn Kiếm, Hà Nội cô Hằng luôn cố gắng nghiên cứu, đưa ra những sáng kiến trong quá trình giảng dạy. Nhiều sáng kiến được công nhận là sáng kiến tiêu biểu cấp Quận, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác chủ nhiệm và công tác chuyên môn. Năm 2019, sáng kiến kinh nghiệm “Xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh và phát huy vai trò của thư viện lớp học” của cô giáo Đỗ Thúy Hằng được UBND quận Hoàn Kiếm công nhận và xếp loại A. |