Giới thiệu không gian trưng bày và thưởng thức cà phê đặc sản Việt Nam
Dự buổi talk show có ông Lê văn Đức, Cục phó Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Việt Nam; Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột; Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp; Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk.
Thông tin về tình hình xuất khẩu nông sản trong những tháng đầu năm 2022 của tỉnh Đắk Lắk, đại diện Ban tổ chức cho biết: Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chạm mốc 368 triệu USD, đạt 55,76% kế hoạch, tăng 38,87% so với cùng kỳ năm 2021.
Giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như: Cà phê, hồ tiêu, trái cây có mức tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Riêng cà phê chiếm tỷ trọng 78,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh với sản lượng 145.000 tấn, đạt 290 triệu USD, tăng 20,8% về lượng, tăng 46,4% về giá trị.
Buổi talk show giới thiệu không gian trưng bày và thưởng thức cà phê đặc sản Việt Nam |
Chia sẻ tại buổi talk show, ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết: “Hàng năm, sản lượng cà phê xuất khẩu của Công ty đạt khoảng 70.000 tấn với kim ngạch khoảng 150 triệu USD. Riêng trong 5 tháng đầu năm nay, sản lượng cà phê xuất khẩu đã đạt 86.000 tấn với kim ngạch trên 170 triệu USD.
Thị trường xuất khẩu mở rộng ra hơn 40 nước, trong đó, châu Âu chiếm khoảng 60%. Để có nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ cho chế biến xuất khẩu, Công ty đã liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất cà phê chất lượng cao có chứng nhận 4C, Rainforest, UTZ”.
Các năm trước, kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh chỉ ở mức 200-300 triệu USD/năm. Trong khi đó, 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã đạt 290 triệu USD. Nguyên nhân thúc đẩy giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh đến 46,4% là do giá bình quân trong 5 tháng đạt khoảng 2.000 USD (tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước). Bên cạnh đó, quốc gia đứng đầu về xuất khẩu cà phê là Brazil bị giảm sản lượng đã tạo cơ hội cho cà phê trong nước nói chung và Gia Lai nói riêng.
Thông tin về quy trình sản xuất và chế biến cà phê đặc sản của Việt Nam, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk cho biết: Cà phê đặc sản được chế biến rất kỳ công, hái chín chọn lọc bằng tay 100%, được kiểm soát lên men nguyên trái theo phương pháp chế biến tự nhiên hoặc thóc với mật ong và trải qua giai đoạn phơi chậm. Toàn bộ quá trình này giúp hình thành những hương vị mới cho cà phê.
Cà phê đặc sản được chế biến rất kỳ công, hái chín chọn lọc bằng tay 100% |
Sau quá trình chế biến, cà phê sẽ được bảo quản trong kho mát để ổn định và giữ được hương vị lâu hơn. Hiện, nông sản do đơn vị kể trên xuất khẩu có độ phủ sóng trên 48 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có các thị trường khó tính như Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia, Hà Lan... Đây cũng là những thị trường có số lượng tiêu thụ sản phẩm trên 100.000 tấn/năm và là một trong số các thị trường truyền thống của doanh nghiệp.
Tại buổi talk show, ban tổ chức cũng giới thiệu top 10 các mẫu cà phê được giải trong cuộc thi "Cà phê Đặc sản Việt Nam 2022. Cuộc thi đã thu hút 48 đơn vị đăng ký dự thi với tổng số mẫu tham gia dự thi là 83 mẫu (đạt 166 % so với kế hoạch) trong đó có 53 mẫu Robusta và 30 mẫu Arabica. Tổng sản lượng đăng ký dự thi 158,52 tấn cà phê nhân trong đó sản lượng đăng ký Robusta 122,40 tấn và sản lượng đăng ký của Arabica 36,12 tấn.
Đơn vị dự thi phân theo các tỉnh cụ thể như sau: Đắk Lắk: 21 đơn vị, 33 mẫu ( 29 mẫu Robusta và 4 mẫu Arabica), tổng sản lượng đăng ký dự thi: 62,96 tấn; Đắk Nông: 3 đơn vị, 3 mẫu ( 3 mẫu Robusta ), tổng sản lượng đăng ký dự thi: 9,60 tấn; Gia Lai và Kon Tum: 4 đơn vị, 10 mẫu (5 mẫu Robusta và 5 mẫu Arabica), tổng sản lượng đăng ký dự thi: 21,16 tấn;
Lâm Đồng: 6 đơn vị, 11mẫu ( 5 mẫu Robusta và 6 mẫu Arabica), tổng sản lượng đăng ký dự thi: 25,70 tấn; Miền Trung, Phía Bắc và Tp. Hồ Chí Minh: 14 đơn vị, 26 mẫu ( 11 mẫu Robusta và 5 mẫu Arabica), tổng sản lượng đăng ký dự thi: 39,10 tấn.