Giới trẻ đang không ngần ngại “nhảy việc”
Nhiều người trẻ muốn "làm việc linh hoạt" Nhiều người trẻ sẵn sàng vay nợ để mua sắm, đi du lịch Giới trẻ đang hứng thú với các công việc tạm thời |
Nhảy việc để đốt cháy giai đoạn
Khác với những thế hệ đi trước, nhiều người trẻ hiện đại cho biết họ sẵn sàng nhảy việc để đốt cháy giai đoạn thay vì lựa chọn các công việc đòi hỏi sự cống hiến dài hơi. Quá trình các bạn học hỏi và ra quyết định cũng nhanh hơn rất nhiều.
Theo Hải Linh (22 tuổi, sống tại quận Tây Hồ, Hà Nội) quan sát, phải mất hơn 1 năm để một lao động gen Z từ một thực tập sinh đi đến vị trí junior (mức thấp nhất của nhân viên chính thức). Do vậy, cô gái trẻ quyết định thực tập liên tục tại 3 công ty, mỗi công ty 3 tháng để thu thập trải nghiệm, học hỏi quy trình. Sau đó, Hải Linh mới quyết định xin việc ở một vị trí toàn thời gian cho một công ty khác.
Hải Linh quyết định "nhảy việc" để đốt cháy giai đoạn |
"Mình tin rằng không chỉ mình mà nhiều bạn trẻ khác chỉ mất thời gian ngắn để hiểu bản thân thiếu gì, cần trau dồi gì, có phù hợp không nên 6 tháng thực tập là đủ hiểu công việc để lên chính thức rồi. Vậy mà nhiều công ty còn có giai đoạn freelancer thêm 6 tháng nữa, thậm chí có nơi còn thử việc thêm 2 - 3 tháng. Như vậy đâu có khác gì làm như nhân viên chính thức, mà chẳng có phúc lợi, lương lại thấp", Hải Linh bày tỏ.
Tương tự Hải Linh, Nguyễn Quảng (22 tuổi, sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) đi làm từ năm 2, nhảy 4 công việc khác nhau trong chưa đầy 2 năm. Quảng hiện tại có mức thu nhập dao động 20 - 30 triệu mỗi tháng từ vị trí full time tại một công ty và nhận thêm một số công việc freelance.
"Bản thân nếu làm việc có tâm và hết mình thì không có việc này cũng sẽ có việc khác thôi, mình không lo thất nghiệp. Không làm full time thì làm freelancer trên các nền tảng online. Công việc hiện tại không thiếu, chỉ cần siêng cập nhật kiến thức, kỹ năng là được. Nhưng hãy tìm một nơi mà bạn thật sự muốn cống hiến", Quảng nói.
Có tiếc nuối nhưng không hề hối hận
Đầu tháng 5, Nguyễn Thị Hải Hà (25 tuổi, sống tại Hoàng Mai, Hà Nội) quyết định rời công ty cũ sau gần 2 tháng nghĩ suy về chuyện nghỉ việc. Cô chia sẻ rằng mình ra vị trí nhân viên thiết kế đồ họa mình đang làm không có cơ hội phát triển thêm ở môi trường hiện tại.
Nghỉ ở nhà được vài hôm, Hải Hà thử tìm kiếm việc làm mới. Mặc dù trên thị trường tuyển dụng, không ít nơi cần đến nhân viên thiết kế đồ họa nhưng cô gái 25 tuổi vẫn quyết định không vội vã mà lựa chọn thật kỹ để tìm được vị trí đúng ý mình.
Hải Hà quyết định "nhảy việc" khi không còn tìm thấy hứng thú với công việc cũ |
Trong lần nghỉ việc này, Hải Hà đã tích lũy một khoản tiền cho những trường hợp cấp bách và kiên nhẫn chờ đợi cơ hội việc làm phù hợp hơn. Cô gái trẻ cũng đến thử việc ở một công ty nhưng do cảm thấy không phù hợp lắm, Hải Hà đã xin nghỉ sau một tuần đi làm và ngồi nhà cho đến nay.
“Bạn bè có phần ngạc nhiên khi nghe mình tuyên bố nghỉ việc vào đúng thời điểm mình chuẩn bị lập gia đình. Ấy vậy, mình lại thấy thời điểm này rất hợp lý. Mình vừa có thể trau dồi thêm kỹ năng nghề nghiệp, vừa nghỉ ngơi mà không cảm thấy “tội lỗi”, lại có thể có thêm thời gian tìm hiểu về cuộc sống hôn nhân để chuẩn bị thật tốt cho cuộc sống “hậu” độc thân”, Hải Hà nói.
Trong thời gian này, cô gái trẻ vẫn nhận một vài hợp đồng thiết kế freelance, cũng mày mò đầu tư vài mã chứng khoán. Nhờ đó, Hải Hà cũng an tâm hơn khi ở nhà, học thêm kiến thức về thiết kế đồ họa và tìm kiếm công việc mới thực sự ưng ý.
Cuối tháng 7 vừa rồi cũng là thời điểm mà Phạm Hoàng (26 tuổi) nộp đơn xin nghỉ việc tại công ty cũ, chuyên mảng thương mại điện tử sau gần nửa năm cân nhắc. Thời điểm đó, chàng trai trẻ cảm thấy bị "ì", mất hứng thú với công việc và muốn đi tìm lĩnh vực phù hợp hơn.
Phạm Hoàng (áo trắng) chấp nhận có thể phải bắt đầu lại từ đầu khi từ bỏ công việc cũ để theo đuổi lĩnh vực đã đam mê từ lâu |
“Mình vốn đam mê ngành F&B từ lâu và may mắn được đề nghị vị trí chuyên viên thương hiệu (digital marketing, branding) cho một công ty trong lĩnh vực này. Không chỉ đem lại cơ hội theo đuổi ngành nghề yêu thích, công việc này còn có mức lương cao hơn, nhiều khả năng phát triển hơn so với vị trí cũ. Vì thế, mình quyết định gật đầu đồng ý”, Hoàng nói.
Chàng trai 26 tuổi cho biết bản thân hiểu rõ việc bắt đầu một công việc mới đồng nghĩa với việc phải làm lại từ đâu. Cùng với đó, việc chuyển sang một công ty về F&B lại càng mạo hiểm hơn do ngành này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Dẫu vậy, sau khi chia sẻ với gia đình và bạn bè, Phạm Hoàng quyết tâm "dứt áo ra đi" vì muốn nắm bắt cơ hội này.
“Mình chấp nhận rằng bản thân có thể nhận mức lương thấp hơn trong vài tháng đầu nhưng được làm công việc mình thích do đã có một khoản tích lũy từ trước. Do thời gian bàn giao công việc khá sát, mình hiện vẫn làm song song ở cả 2 công ty cho tới khi kết thúc hợp đồng với chỗ làm cũ vào cuối tháng này. Lượng công việc nhiều hơn, dồn dập hơn nhưng mình không hề hối hận với quyết định của bản thân”, Hoàng chia sẻ.