Giúp nông dân tiếp cận khoa học, nhân rộng những mô hình hiệu quả
Giúp người dân cập nhật kiến thức khoa học
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh tổ chức "Diễn đàn khuyến nông @ nhịp cầu nhà nông", nhằm giúp người dân cập nhật kiến thức khoa học, kỹ thuật, chính sách phát triển nông nghiệp. Những sự kiện như vậy hướng tới việc góp phần hình thành vùng nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nhân dân trên địa bàn huyện.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua: Tham gia "Diễn đàn khuyến nông @ nhịp cầu nhà nông", các hộ nông dân được gặp gỡ trực tiếp các nhà quản lý, nhà khoa học, nông dân sẽ có thêm kiến thức về trồng trọt, qua đó có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Điều quan trọng là, qua các diễn đàn, nông dân thấy việc cần thiết phải ghi chép sổ sách nhật ký đồng ruộng, từ khi trồng cấy đến chăm sóc, thu hái, sơ chế và đưa sản phẩm ra thị trường đều phải tuân thủ đúng quy định.
Tại diễn đàn, các nhà khoa học đã trực tiếp trả lời những câu hỏi của người dân xung quanh các vấn đề phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi cũng như đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận.
Hiện tại, huyện Mê Linh đang duy trì và phát triển các vùng trồng trọt chuyên canh ổn định có quy mô từ 20ha/vùng trở lên |
Diễn đàn đã cung cấp thông tin nhằm thay đổi nhận thức của người dân, chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hiện đại; chú trọng đến yếu tố thị trường, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất. Đặc biệt, tại diễn đàn, các cơ quan chuyên môn của thành phố và huyện Mê Linh đã giải đáp khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và nông dân đang gặp phải…
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) Đoàn Đức Dân cho biết: "Diễn đàn khuyến nông @ nhịp cầu nhà nông" được tổ chức tại huyện Mê Linh nhằm tạo cơ hội cho nông dân được gặp gỡ, trao đổi với các chuyên gia, nhà khoa học về những vướng mắc trong quá trình trồng trọt và chăn nuôi.
Ngoài những câu hỏi cụ thể về xử lý sâu bệnh, kỹ thuật trên cây trồng, vật nuôi, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi…; không ít vấn đề liên quan đến định hướng sản xuất của nông dân cũng được bà con đề cập, như: Nuôi con gì, trồng cây gì để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Toàn bộ các băn khoăn, thắc mắc của nông dân đều được các chuyên gia, nhà quản lý giải đáp đầy đủ, cặn kẽ, dễ hiểu.
Tiếp tục đầu tư, phát triển nông nghiệp sạch
Cùng với hình thức trên, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội còn triển khai có hiệu quả chương trình khuyến nông thông qua việc xây dựng trình diễn các mô hình, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho bà con nông dân. Nhờ đó, đã giúp tăng năng suất cây trồng, vật nuôi từ 20-25%, cho hiệu quả kinh tế tăng khoảng 30-35%, hạn chế dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường và bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm…
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thị Thanh Tám, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, những năm qua, huyện Mê Linh đã triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của Trung ương, thành phố cũng như của huyện.
Hiện tại, huyện đang duy trì và phát triển các vùng trồng trọt chuyên canh ổn định có quy mô từ 20ha/vùng trở lên, như sản xuất lúa chất lượng cao tại các xã Liên Mạc, Tam Đồng, Tự Lập, Thanh Lâm; cây ăn quả ở các xã Hoàng Kim, Chu Phan...
“Một số vùng sản xuất, nông dân đã dần chuyển dịch từ cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao, như: Ngô thu bắp non, cây rau, hoa hồng thế, hoa trồng chậu, hoa thảm, hoa ly... Việc sử dụng công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất, như hệ thống nhà màng, nhà lưới, tự động... đã từng bước đáp ứng nhu cầu sản phẩm ngày càng cao của thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân”, bà Nguyễn Thị Thanh Tám cho hay.
Huyện Mê Linh đã dần chuyển dịch từ cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao, như: Ngô thu bắp non, cây rau, hoa hồng thế, hoa trồng chậu... |
Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp của huyện Mê Linh vẫn còn gặp không ít khó khăn, như: Việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế và chưa bền vững; chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn thấp…
Do đó, trong thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP... Huyện cũng hỗ trợ nông dân xây dựng chuỗi liên kết giá trị sản phẩm; tham gia chương trình xúc tiến thương mại để giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện đến tay người tiêu dùng.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh Nguyễn Thị Chinh cho biết: Trong thời gian tới, trung tâm tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân để áp dụng vào thực tiễn. Các lớp tập huấn sẽ được xây dựng nội dung kỹ lưỡng, thực hiện nghiêm túc nhằm bổ sung thêm kiến thức mới cho người dân về trồng trọt, chăn nuôi, ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân cho rằng, trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, nông dân muốn tiêu thụ được sản phẩm thì nông sản làm ra phải bảo đảm an toàn. Việc tiếp thu và vận dụng tốt những thông tin hữu ích từ các chuyên gia, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, góp phần tăng thu nhập.
Chính vì vậy, huyện Mê Linh cần nắm bắt nhu cầu của nông dân để có biện pháp hỗ trợ cụ thể theo hướng “cầm tay chỉ việc”, giúp nông dân tiếp cận khoa học, kỹ thuật, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt.