“Gỡ khó” tiêu chí môi trường trong xây dựng Nông thôn mới ở ngoại thành Hà Nội
Bài toán nan giải
Thành phố Hà Nội có hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, doanh thu từ các làng nghề mỗi năm đạt hàng chục nghìn tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, vấn đề môi trường tại một số làng nghề cũng đang ở mức báo động.
Đơn cử, tại làng nghề gỗ xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín (Hà Nội), phần lớn các hộ sản xuất tại nhà gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường trong khu dân cư. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Diện cho biết, trước kia làm nghề gỗ thủ công nên mức độ ô nhiễm cũng ít hơn. Bây giờ, sử dụng máy móc nhiều, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng tăng theo.
Còn anh Nguyễn Hồng Tuyến, chủ cơ sở sản xuất gỗ tại Vạn Điểm chia sẻ: “Ô nhiễm môi trường tại làng nghề là điều khó tránh khi hầu hết các hộ dân đều làm tại nhà. Mặc dù vậy, địa phương vẫn chưa có khu sản xuất tập trung xa khu dân cư. Hiện cơ sở của tôi có lắp hệ thống quạt gió, cũng như hút bụi công suất lớn nhưng cũng chỉ giảm được phần nào bụi cho lao động trong xưởng…”.
Sản xuất đồ gỗ tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín |
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thành phố hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, trong đó mới có 26 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải. Kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề ở Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020 cho thấy, 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm 47,6%), 95 làng nghề ô nhiễm (chiếm 32,5%), 58 làng nghề không ô nhiễm về nguồn nước (chiếm 19,9%), tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%.
Ðối với việc xử lý chất thải chăn nuôi, mặc dù các hầm khí sinh học biogas được xây dựng theo quy chuẩn nhưng hệ thống này chỉ phát huy đối với các cơ sở chăn nuôi dưới 100 con. Với các trang trại chăn nuôi lớn, hệ thống bị quá tải, lượng nước thải ra môi trường không bảo đảm...
Còn theo kết quả khảo sát tại 40 làng nghề của Trung tâm Quan trắc và Phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội, hầu hết môi trường nước, không khí, đất đai của các làng nghề đã và đang bị ô nhiễm, thậm chí ô nhiễm ở mức báo động như: làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở các xã Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu (huyện Hoài Ðức); Kỳ Thủy, Thanh Lương, Cự Ðà, Bích Hòa (huyện Thanh Oai)… Phần lớn nước thải phát sinh từ quá trình tẩy rửa nguyên liệu, các khâu chế biến trong sản xuất chưa được thu gom, xử lý xả trực tiếp ra môi trường.
Thực tế trên cho thấy, vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay đang là “bài toán” khó tìm ra giải pháp một cách triệt để. Chính vì lẽ đó, tiêu chí môi trường được xem là tiêu chí khó thực hiện trong chương trình Nông thôn mới.
Nỗ lực thay đổi diện mạo vùng Nông thôn mới
Việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, ở nhiều xã vùng nông thôn hiện nay đã xuất hiện những làng, đường bích họa, dòng sông không rác, đường hoa, cây xanh… Đây là những mô hình tiêu biểu mà nhiều xã, ấp, bản đã triển khai giúp thay đổi bộ mặt vùng nông thôn và nâng cao chất lượng sống người dân.
Xây dựng Nông thôn mới, các tiêu chí có thể đạt được nhưng về tiêu chí môi trường là tiêu chí khó thực hiện nhất. Nguyên nhân là do môi trường nông thôn đang chịu sức ép ô nhiễm ngày càng lớn từ sự gia tăng dân số, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, bỏ trống khâu xử lý chất thải trong chăn nuôi, chất thải nông nghiệp, sinh hoạt, sản xuất nghề…
Việc đưa vào khai thác sử dụng nhà máy xử lý nước thải làng nghề tại các huyện Hoài Ðức góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các huyện lân cận |
Cùng với đó, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia trên địa bàn nông thôn chưa bảo đảm yêu cầu, tỷ lệ đạt thấp. Ranh giới giữa nước sạch và nước hợp vệ sinh còn chưa rõ ràng, nhiều xã mới chỉ đạt tiêu chuẩn nước hợp vệ sinh chứ chưa đạt tiêu chuẩn nước sạch.
Các hộ chăn nuôi gia đình dù đã xử lý môi trường nhưng không triệt để, gây thất thoát xả thải ra môi trường. Chưa kể đến những doanh nghiệp vì lợi nhuận mà “bán rẻ lương tâm”, bất chấp tính mạng và sức khỏe của người dân, còn có hành vi che giấu sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng.
Mặt khác, các cơ sở sản xuất kinh doanh đa phần nhỏ lẻ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, việc xử lý môi trường là tự phát, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đặc biệt, các làng nghề chưa được quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường và ý thức của chủ doanh nghiệp chưa cao, còn tư tưởng chạy theo lợi nhuận... là những nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường.
Nói về việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, nhất là ô nhiễm do hoạt động sản xuất làng nghề, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách như hỗ trợ 100% kinh phí để xây dựng công trình trạm xử lý chất thải đầu mối của khu thu gom xử lý chất thải tập trung, khu tập kết chất thải rắn; Đề án “Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định bố trí kinh phí từ ngân sách xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề truyền thống.
Bên cạnh đó, thành phố cũng xây dựng nhà máy xử lý nước thải làng nghề tại các huyện Hoài Ðức, Thanh Oai, Mỹ Ðức, Phú Xuyên... với công nghệ xử lý sinh học khép kín và dây chuyền thiết bị tự động hóa được nhập khẩu từ các nước châu Âu... Ngoài ra, thành phố cũng đặt hàng các nhà khoa học triển khai các công trình nghiên cứu xử lý chất thải tại các làng nghề.
Có thể nhận thấy rằng, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, công tác bảo vệ môi trường được quan tâm. Ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường của người dân nâng cao, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội |