Nâng cao giá trị nông sản nhờ “gắn sao” OCOP
“Bắt tay” với doanh nghiệp để sản xuất rau an toàn
Đến thăm cánh đồng rau sạch của HTX dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (Hà Nội) mùa này là những mảng màu xanh mướt mắt của đủ các loại rau, củ đang vào độ thu hoạch.
Với lợi thế của vùng đất bãi phù sa sông Hồng, nhiều năm nay kể từ khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của UBND huyện Mê Linh đã tác động lớn đến sự "thay da đổi thịt" của vùng đất này. Trồng rau đã trở thành một nghề làm giàu đối với nông dân xã Tráng Việt, đặc biệt là rau, củ ở HTX dịch vụ tổng hợp Đông Cao.
Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Đông Cao Đàm Văn Đua cho biết: Năm 2014, HTX cùng một số thành viên đã nghiên cứu, học hỏi hệ thống tưới tự động ở Đà Lạt và áp dụng rộng rãi tại địa phương, với chi phí đầu tư khoảng 1,3 triệu đồng/sào. Nhờ đó mà giảm được công lao động, nông dân có thể mở rộng thêm diện tích rất lớn.
Đặc biệt, những năm qua, HTX đẩy mạnh mô hình trồng rau sạch phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Thôn Đông Cao nổi tiếng với các loại rau chính như: củ cải, mướp đắng, dưa chuột, cải xanh, dọc mùng, cà chua, cà pháo và nhiều loại rau gia vị khác… Nhờ sản xuất rau sạch mà nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá giả, ổn định cuộc sống.
Sản phẩm củ cải của HTX dịch vụ tổng hợp Đông Cao được đánh giá đạt 4 sao OCOP |
Điển hình như thành viên Nguyễn Văn Sinh (ở thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội), từ khi chuyển đổi từ trồng dâu, nuôi tằm sang trồng rau sạch, gia đình ông đỡ vất vả hơn hẳn. Trên diện tích 1ha, mỗi ngày khu vườn của gia đình cung cấp ra thị trường từ 35 - 40 kg rau các loại, thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Với nguồn thu này, gia đình ông Sinh đã xây được nhà mới khang trang, cuộc sống ngày càng được nâng cao.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Đức, thành viên HTX phấn khởi chia sẻ: “Trồng rau, củ theo hướng sạch, an toàn mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Vì thế, để tăng thu nhập cho gia đình, hai vợ chồng tôi quyết tâm thuê thêm hơn 7 sào đất tiếp tục trồng các loại rau ăn lá các loại, như: Củ cải, cải xanh, cà chua…Tính trung bình, gia đình tôi chỉ bỏ vốn đầu tư 2-3 triệu đồng/sào nhưng thu được 6 triệu đồng/sào”.
Thời gian qua, để tìm đầu ra cho nông sản, HTX Đông Cao đã ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm với các doanh nghiệp và hình thành chuỗi liên kết giữa thương lái với các thành viên.
Hiện, thương lái là người địa phương thường xuyên thực hiện hợp đồng thu mua ngay tại ruộng đối với rau cải có giá từ 6-7 nghìn đồng/kg, củ cải là 7-8 nghìn đồng/kg (tùy từng thời điểm)... Đồng thời, HTX liên kết với Công ty TNHH Đầu tư Phát triển sản xuất Nông nghiệp VinEco (thuộc VinGroup) bao tiêu sản phẩm củ cải cho các thành viên.
Sản lượng hàng năm của HTX Đông Cao đạt 30.000-40.000 tấn rau, củ các loại |
HTX cũng thành lập 5 tổ hợp tác thực hiện hướng dẫn, giám sát chéo các thành viên sản xuất và ghi chép nhật ký từ gieo trồng đến thu hoạch sản phẩm. Do có những bước đi đúng đắn, HTX luôn nhận được sự ủng hộ của các cấp, các ngành, sự tin tưởng của doanh nghiệp và người tiêu dùng trên thị trường.
Nhờ vậy, với sản lượng hàng năm đạt 30.000-40.000 tấn rau, củ các loại, sản phẩm nông sản của HTX đang có mặt tại trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, chợ đầu mối, chuỗi BigC… trên 36 tỉnh, thành phố cả nước.
Vượt qua “cơn bão” dịch bệnh
Theo ông Đàm Văn Đua, Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Đông Cao, mặc dù năm nay thời tiết thuận lợi, hơn nữa việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như thực hiện tốt công tác phòng trừ sâu bệnh hại nên năng suất, sản lượng nông sản của HTX tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát đã khiến đầu ra tiêu thụ tại các tỉnh, thành tạm dừng, dẫn đến tình trạng ứ đọng, rớt giá nông sản. Vựa rau “khủng” Đông Cao từng một phen lao đao vì củ cải rẻ như cho, phải kêu gọi cả cộng đồng “giải cứu”. Đáng lưu ý là diện tích canh tác củ cải của HTX Đông Cao chiếm khoảng hơn 80ha.
“Do thời tiết thuận lợi, giá củ cải trước Tết Nguyên đán lại rất cao nên người dân đồng loạt xuống giống trong một thời điểm, khiến nguồn cung dư thừa. Nhờ sự linh hoạt của Ban giám đốc, vụ vừa rồi, HTX đã kêu gọi hỗ trợ, tìm đầu ra tiêu thụ thành công 30.000 tấn rau, củ cho các thành viên”, ông Đàm văn Đua chia sẻ.
Ông Đàm Văn Đua, Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Đông Cao |
Rút kinh nghiệm từ vụ vừa qua, song song với hoạt động loại bỏ những nông sản không còn đáp ứng được nhu cầu thị trường, HTX đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, định hướng đến cho thành viên về các chủng loại giống cây phù hợp, tránh tình trạng gieo trồng tràn lan, không để cung vượt cầu, hạn chế sự tồn đọng của nông sản trên vùng sản xuất.
Đặc biệt, những năm gần đây, HTX đầu tư thêm nhóm sản xuất các sản phẩm rau, củ sấy khô, điển hình như củ cải, mướp đắng, cà rốt… Việc chế biến rau, củ sấy khô một mặt giúp HTX có thể điều tiết lượng rau củ nhiều khi vào chính vụ, mặt khác đáp ứng tốt hơn nhu cầu phong phú của khách hàng.
Hiện HTX đã liên kết với 351 thành viên sản xuất trên diện tích hơn 200ha theo phương thức chuỗi. Trong đó có 134,8ha được công nhận rau an toàn và 5ha VietGAP, đảm bảo các khâu từ sản xuất, sơ chế đến đóng gói bao bì, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngoài tổng diện tích trồng rau chuyên canh của HTX, thành viên đi thuê ngoài mở rộng 150ha tại các xã như Võng La (Đông Anh): 11ha, xã Văn Khê (Mê Linh): khoảng 40ha, xã Chu Phan (Mê Linh): 10ha…
Đặc biệt, năm 2019, 17 sản phẩm rau của HTX Đông Cao đã được UBND TP Hà Nội đánh giá đạt 3 sao OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), riêng củ cải đạt 4 sao. Nhờ đó, các sản phẩm của HTX đều được người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận.
Để thúc đẩy chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho biết, huyện đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản tập trung trên địa bàn huyện, trong đó ưu tiên các sản phẩm như: củ cải, chuối, bưởi, gạo...
Bên cạnh đó, huyện cũng mong Thành phố Hà Nội hỗ trợ huyện xây dựng các địa điểm giới thiệu hàng nông sản đặc trưng của huyện, xây dựng chợ trung tâm nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá thương hiệu, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, người sản xuất trong việc duy trì, phát triển chuỗi.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội |