Gỡ vướng mắc về giấy phép lao động cho giáo viên người nước ngoài
Tháo gỡ mọi điều kiện về thủ tục hành chính
Tại hội nghị Đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội năm 2024, liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đại diện Công ty TNHH Phát triển công nghệ giáo dục Việt Nam nêu ý kiến, việc giấp phép lao động cho giáo viên người nước ngoài gặp nhiều khó khăn đối với nhóm giáo viên dạy chương trình bổ trợ tại các trường phổ thông.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương trả lời ý kiến doanh nghiệp (Ảnh: Viết Thành) |
Trực tiếp trả lời kiến nghị của các đơn vị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương làm rõ những quy định liên quan đến bằng cấp và chứng chỉ cho giáo viên nước ngoài. Theo đó, quy chuẩn cho lao động nước ngoài làm việc trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam thực hiện theo Nghị định 152 và Nghị định 70 của Thủ tướng Chính phủ về cấp phép cho lao động nước ngoài.
Bên cạnh đó, các chứng chỉ về ngoài ngữ thì thực hiện theo thông tư 21 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, nêu rõ yêu cầu về trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ của người lao động khi sang Việt Nam.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, tiêu chí với người nước ngoài làm việc tại Hà Nội hoàn toàn tuân thủ theo quy định, Nghị định của Chính phủ và thông tư Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài quy định chung, Hà Nội không ban hành bất kỳ quy định nào riêng cho đối tượng lao động này; tháo gỡ mọi điều kiện về thủ tục hành chính, để các doanh nghiệp, trung tâm tham gia hoạt động này một cách tốt nhất.
Bên cạnh đó, UBND thành phố đã ủy quyền cho quận, huyện thực hiện thủ tục hành chính cấp phép cho lao động nước ngoài để giảm thời gian đi lại, tạo thuận lợi cho các đơn vị, người lao động.
Tiếp thu ý kiến của đơn vị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết thêm, tất cả các chính sách của Việt Nam là ưu tiên cho người lao động trong nước trước, lĩnh vực nào, công việc nào người Việt Nam có đủ điều kiện, năng lực, đáp ứng yêu cầu thì ưu tiên cho lao động Việt Nam; còn những lĩnh vực không thể thực hiện được thì chúng ta thuê người nước ngoài, thực hiện theo quy định.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương trả lời kiến nghị của doanh nghiệp (Ảnh: Viết Thành) |
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, trung bình mỗi năm Hà Nội có trên 4.000 giáo viên nước ngoài, giáo viên người bản địa đến làm việc, trong đó tập trung vào giảng dạy tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Nhật tại các trung tâm.
“Sở vẫn thống nhất áp dụng theo quy định tại Khoản 5, Khoản 6 Điều 18 Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT ngày 24/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó có nêu rõ nếu không nắm được nhân thân, trình độ, văn bản cần thiết thì sự giảng dạy của giáo viên không đạt hiệu quả tốt. Đây là quy định bắt buộc với đội ngũ này khi giảng dạy tại Hà Nội”, ông Trần Thế Cương thông tin.
Nhiều chính sách ưu đãi, vay vốn với học nghề
Trả lời vấn đề hỗ trợ học phí cho gia đình chính sách, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương cho biết, TP Hà Nội đang triển khai nhiều nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
HĐND TP Hà Nội đã có Nghị quyết chuyên đề và thông qua đề án hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. UBDN TP Hà Nội có Kế hoạch thực hiện nội dung này. Hàng năm, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai đào tạo 2.000 - 3.000 lao động, với điều kiện các doanh nghiệp có đăng ký tổ chức đào tạo nghề cho đối tượng lao động của mình.
Đại diện doanh nghiệp nêu ý kiến tại hội nghị |
Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương, đối với gia đình chính sách, thương binh liệt sĩ, hộ nghèo, Hà Nội có nhiều chính sách hỗ trợ đối với nhóm đối tượng, đặc biệt là hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội cho con em gia đình chính sách, hộ mới thoát nghèo.
Liên quan đến vấn đề vay vốn và chính sách ưu đãi với học viên tham gia học nghề mà đại diện Công ty CP Công nghệ và Đầu tư Đức Minh nêu ý kiến, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, đối với học viên tham gia học nghề sau khi tốt nghiệp muốn mở xưởng sản xuất có thể được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố Hà Nội thông qua chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ nguồn vốn Trung ương hoặc nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH.
Riêng đối với nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH, hiện nay Sở Lao động -Thương binh và Xã hội đang tham mưu trình thành phố ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH thay thế Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 26/2017/QĐ-UBND ngày 4/8/2017 của UBND thành phố, theo đó, mức cho vay tối đa đối với cơ sở sản xuất kinh doanh là 3 tỷ đồng và không quá 200 triệu đồng cho 1 lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.