Tag

Góc khuất trong các xưởng sản xuất thời vụ và những bất cập đổi bằng mạng người

Xã hội 04/08/2017 13:10
aa
Các nạn nhân còn rất trẻ, hầu hết 16 -20 tuổi, họ ôm nhau co quắp trong nhà tắm của khu xưởng, lực lượng chức năng phải kỳ công gỡ các thi thể ra và thân nhân phải căn cứ vào nhẫn đeo tay hay vòng đeo cổ mới biết xác nào là của người nhà mình. Vụ cháy thảm khốc này chính là giọt nước tràn ly về những bất cập, những kẽ hở chết người từ công tác quản lý cẩu thả, luộm thuộm, đôi khi sống chết mặc bay trong nhiều xưởng sản xuất thời vụ, nhiều làng nghề chẳng giống ai.

Góc khuất trong các xưởng sản xuất thời vụ và những bất cập đổi bằng mạng người

Góc khuất trong các xưởng sản xuất thời vụ và những bất cập đổi bằng mạng người


Đi làm thêm dịp hè, chết cháy đúng ngày sinh nhật tuổi 16


Vụ cháy xưởng làm bánh kẹo chocolate vào lúc 10h30 ngày 29/7/2017, tại thôn Chiền, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội khiến 8 người chết, 2 người bỏng nặng đã gây chấn động dư luận. Hầu hết nạn nhân của vụ cháy là người ở xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

Tất cả nạn nhân trong vụ cháy đều quá trẻ. Có cháu Kiều Văn Chúc, sinh năm 2012, tức là vừa tốt nghiệp lớp 9, còn vài ngày nữa thì nhập học lớp 10. Nhà Chúc ở xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, bố bị di chứng chất độc da cam từ ông nội đi đánh Mỹ ở miền Nam. Chúc vẫn có thói quen ngủ cùng với mẹ, tâm sự mọi thứ với mẹ như một đứa trẻ. Nay ban thờ tan hoang, ảnh cậu bé mặt búng ra sữa nằm ở đầu giường, mẹ Chúc, chị Nguyễn Thị Lan khóc lóc thảm thiết. “Ai ngờ ngày sinh nhật nó lại đúng là ngày... giỗ của nó!”.

Các nhân viên ở xưởng làm bánh kẹo rất quý cậu bé Chúc. Họ còn bảo nhau: từ năm lớp 6 là Chúc đã tự ý không đòi bố mẹ tổ chức sinh nhật nữa, vì nhà quá nghèo. Thế thì các anh chị sẽ làm một cái bánh gatô ngon để tặng sinh nhật Chúc. Xưởng chế biến sản xuất sôcôla và bánh gatô “của nhà làm được” mà. Ai ngờ, Chúc trở thành người chịu nhiều đau đớn nhất. Những người chết cháy “thẳng” ở xưởng đã đành một nhẽ. Chúc chết ở bệnh viện, với độ bỏng lên đến 90%, những giờ phút cuối đời của cậu thật sự khiến bất cứ ai phải rợn người. May mắn hơn Chúc một chút xíu, hai cậu bé 16 tuổi cùng xã Long Xuyên đang nằm điều trị ở Viện Bỏng Quốc gia. Một trong hai cậu đang phải thở máy, với tình trạng bỏng lên tới 60%.

Có nhiều câu chuyện đau lòng khác xung quanh các nạn nhân của vụ cháy. Trần Quang Huy (SN 1997) chết ở tuổi 20, lại trúng ngày chuẩn bị để hôm sau 30/7 làm lễ sinh nhật đầy 1 tuổi cho đứa con trai yêu quý của mình. Huy người ở Hà Đông, lấy vợ đầu năm ngoái, vừa về quê vợ thăm tối hôm trước, sáng hôm sau vào xưởng thì khoảng 10h30 phút đã chết. Vợ Huy xông đến tìm chồng, thì tất cả đen thui cháy rụi. Người vợ nhận ra chồng vì chiếc nhẫn cưới rất đặc trưng đeo ở tay. Ngày đưa tang Huy cũng là ngày con trai cậu ta tròn 1 tuổi. Cái chết của bà nấu cơm cho xưởng cũng xót xa. Bà này tuổi chỉ khoảng 50, người xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Bà cùng vài người đã vọt ra khỏi xưởng, khi đám cháy bốc lửa mù trời. Nhưng tiếc ít đồ đạc, lo cho mọi người, bà đã quay vào sục sạo, thì không ngờ các đám vật liệu bắt lửa từ trần nhà rơi xuống, chặn lối ra.

Lại có chuyện, nhóm thanh niên trẻ măng, hầu hết chưa vợ, dĩ nhiên cháu nào cũng mê... điện thoại thông minh. Có những cháu chạy ra được, nhưng lại tiếc chiếc điện thoại. Các cháu quay vào tìm, thế là đen đủi thay, trần nhà với những tấm xốp và các vật liệu bắt lửa ụp xuống chặn lối ra. Không có lối thoát nào khác, vì xưởng chỉ có một cửa như cái chuồng cọp. Họ co cụm lại vào một khu vực kín đáo, lửa khói ít vào nhất. Đó là khu nhà tắm, wc của xưởng. Thế là vừa ngạt vừa chết cháy, họ ôm chặt lấy nhau.

Anh Dương Quốc Tuấn đã khóc cạn nước mắt vì nỗi đau “kỷ lục”: anh có 3 người thân thiết trong họ bị chết trong chính vụ cháy ấy, 1 cháu đang thập tử nhất sinh trong Viện Bỏng Quốc gia nữa là 4. Đặc biệt, anh cũng là người trực tiếp vào khênh các thi thể ra. Anh nhớ lại, các nạn nhân ôm nhau chặt đến mức, cơ quan công an phải khó khăn lắm mới gỡ được “nhóm bạn cùng xưởng kẹo” này ra.


Góc khuất trong các xưởng sản xuất thời vụ và những bất cập đổi bằng mạng người
Toàn cảnh vụ cháy xưởng bánh kẹo

Ngoài anh thợ hàn xì, còn những ai phải gánh nợ với 8 vong linh trẻ tuổi?

Ngay ngày xảy ra vụ cháy, Văn phòng Thủ tướng phát thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu xử lý quyết liệt các vấn đề liên quan đến vụ hỏa hoạn nghiêm trọng này. Bộ Công an, rồi UBND TP Hà Nội và ngành hữu quan đã quyết liệt vào cuộc, chia sẻ với đau thương của các gia đình nạn nhân, đồng thời tìm nguyên nhân vụ cháy. Vừa rồi, theo công bố của Huyện ủy Hoài Đức, nguyên nhân gây ra vụ cháy được xác định là do người thợ hàn sửa chữa làm bắn tia lửa điện vào khu xưởng với các trần vách bằng xốp dễ cháy. Người thợ hàn xì này đã bị tạm giữ hình sự để phục vụ điều tra.

Vâng. Tất cả, dù làm gì thì cũng quá muộn rồi. Và nguyên nhân thì quá cũ kỹ: một cậu bé thất nghiệp, thất học, không có nghề gì thì quay ra làm thợ hàn cho một xưởng gồm toàn những người như cậu. Họ truyền nghề cho nhau bằng cách... cứ nhìn, cứ làm khắc quen. Rồi đi làm thuê. Cẩu thả. Các xưởng thì cũng tiết kiệm chi phí, thuê quấy quá, nó hàn thế nào thì hàn.

Chủ xưởng sản xuất bánh kẹo gây cháy kinh hoàng ở Hoài Đức kia, tên là Trần Văn Được, từ Phúc Thọ đến Hoài Đức thuê 170m2 đất của ông Lợi ở thôn Chiền (xã Đức Thượng). Ông Được cũng là người cùng làng cùng xã với hầu hết các nạn nhân của vụ cháy. Ông ta thuê cái xưởng ở đó, thuê vài công nhân trong làng mình, anh em họ hàng với mình, trẻ con cũng dụ xuống cho nó làm, khỏi bảo hiểm, khỏi hợp đồng, khỏi thủ tục gì phiền phức. Làm, ráo mồ hôi hết tiền. Xưởng đóng cửa im ỉm suốt đêm ngày. Chúng tôi đến phỏng vấn trưởng thôn, nơi xưởng tọa lạc, trong thôn và ven quốc lộ gần đó có hàng chục xưởng kiểu này, quy mô rất lớn. Tất tật đều bí ẩn thế. Đóng kín, chả cho ai biết sản xuất cái gì, hàng nhái hay hàng giả, hay hàng đầu độc người tiêu dùng. Cứ làm, rồi đùng một cái nó cháy. Những người tử tế như ông Trần Văn L., nhà ở gần xưởng bị cháy, đã dùng búa, xà beng, tìm mọi cách phá xưởng xông vào cứu người, nhưng bất lực. Vì cửa duy nhất thì bị bít kín do lửa khói và trần xưởng rơi xuống, ba bốn phía kiên cố kín bưng như lô cốt. Bình cứu hỏa thì nhỉnh hơn cái chai bia một tí, phun chả ích gì. Búa tạ phá cũng chả mẻ cái xưởng để xông vào cứu người được. Thế là thôi...

“Cháy nhà” ra “mặt chuột”, chuột nào? Là không ít các quy định về phòng cháy chữa cháy bị bỏ qua. Ông Nguyễn Huy Sơn, Trưởng thôn Chiền, trả lời phỏng vấn TT&ĐS, tiết lộ: họ là người nơi khác đến thuê, mở xưởng, đóng im ỉm bí mật suốt ngày này qua tháng nọ. Thôn, xã không quản lý nổi. Trên toàn bộ dãy xưởng dọc QL32 đó, hầu như họ đều làm theo mô hình nguy hiểm như vậy: chuồng cọp - lô cốt, chỉ có một cửa. Phía sau là ruộng, không có đường đi, nên chả ai mở lối thoát làm gì. Các phương án phòng cháy chữa cháy... chỉ là hình thức. Ông trưởng thôn và nhiều nhân chứng quanh vùng hỏa hoạn đều nhấn mạnh về sự tồi tàn của các xưởng và đặc biệt, họ không có bình cứu hỏa (?). Quá bức xúc, ông Sơn còn khẳng định: nếu cháy lan, cả khu xưởng mặt đường kia sẽ cháy hết vì rất nhiều xưởng vi phạm, thiết kế cẩu thả, bất lợi khi có hỏa hoạn. Chúng tôi khảo sát nhiều xưởng phía trong làng cũng thế. Họ bịt tôn xanh, tôn đỏ kín mít, cao ngất trời, rộng mênh mông. Để cả ô tô, xe máy trong đó. Tất cả đều có một cửa ra vào, nóng như hỏa lò. Nhiều người cho biết, với cung cách kinh doanh “nửa kín nửa hở” đó, các ông bà chủ muốn bí mật việc làm ăn của mình vì nhiều lý do tế nhị. Có người bảo: thường họ làm hàng nhái hoặc các sản phẩm rất có vấn đề nên mới phải “xấu xa đạy lại” thế.

Điều kiện phòng cháy chữa cháy quá ẩu. Xưởng làm việc bừa phứa. Trẻ con lao động không tuân thủ một quy định nào cả. Cháu Nguyễn Nho Thành bỏ học, đi làm thêm nuôi anh trai bị nhiễm chất độc da cam và giúp chị gái học Đại học Điện lực, khi chết cháy, gia đình nhận ra xác Thành vì cái vòng bạc đeo ở cổ. Bé Kiều Văn Chúc, 15 tuổi, vừa học xong lớp 9 đi làm hè kiếm thêm. Tất cả đều tạm bợ, qua loa. Sử dụng lao động trẻ em, vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy đã “cướp” đi cùng lúc 8 mạng người. Để đền vào sự cẩu thả, vô lối đó, người ta cũng chỉ rút kinh nghiệm và đổ tội cho một cậu bé đi làm hàn xì. Cậu này cũng làm thuê theo đúng kiểu các nạn nhân đang làm. Cũng cái có “trụ sở” là xưởng đầy hiểm họa như cái xưởng vừa cháy và đem theo 8 linh hồn vô tội kia.

Chúng ta phải làm nghiêm và phải làm nhiều việc thực tâm, để ngăn chặn các nguy cơ thảm họa tương tự. Chỉ bằng mắt thường, chỉ bằng quan sát tâm huyết của ông trưởng thôn Chiền, bao bất cập, mất an toàn, nguy cơ cháy nổ trên diện rộng của cả hệ thống các xưởng sản xuất tạm bợ, mùa vụ, làm ăn chụp giật đã lòi ra. Vậy tại sao cơ quan chức năng không biết và xử lý? Việc sử dụng lao động trẻ em, bất chấp các quy định luật pháp và đạo lý, ai đã “ỉm” đi? Và khi việc tày trời xảy ra, có ai thật sự chịu trách nhiệm không? Hay lại chia buồn rồi hỗ trợ vài đồng, rồi tóm cổ một anh thợ hàn thất học và hành nghề không theo bất cứ tiêu chuẩn nào coi như “thí tốt”?

Vụ cháy quán Karaoke ở Trần Thái Tông làm 13 người chết cũng thế, gần như giống hệt vụ này. Các vi phạm lòi ra, rồi “đâu lại vào như cũ”. Vụ cháy sau lại coi như giọt nước tràn ly lòi ra các kẽ hở chết người giống hệt vụ cháy trước. Lại rút kinh nghiệm cho cả xã hội chung chung và lại như thế. Xin hỏi, ngoài anh thợ hàn xì, có bao nhiêu người đúng ra phải gánh tội (do vô cảm, cẩu thả hoặc không làm hết trách nhiệm hoặc “dung túng sai phạm” của mình!) trước vong linh 8 người xấu số kia?

Bi kịch từ lối làm ăn cẩu thả và trách nhiệm của lực lượng chức năng

Riêng về chuyện cháy nổ ở các xưởng kiểu này, các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo. Theo khảo sát của chúng tôi trên các địa bàn “thủ phủ” các công xưởng, nhà kho ở các quận huyện từ Nam Từ Liêm, đến Cầu Giấy và Hoài Đức, đều rất sơ sài, tạm bợ, cẩu thả. Họ làm trên đất dự án, đất phần trăm hay thuê tạm vài tháng, lợp tôn, quây tôn kín, vật liệu dễ cháy ném bừa bãi. Việc kiểm tra là có, nhưng đôi khi người trong cuộc cũng biết rõ, kiểm tra xong họ lại vi phạm và tỏ ra bất lực. Các công nhân thời vụ làm việc luôn cẩu thả, không có kỉ luật. Vì vậy, liên tục đã xảy ra cháy nổ lớn trong thời gian gần đây: cháy xưởng sơn, xưởng lốp và gara ô tô, cháy quán karaoke không có lối thoát... Và nguy cơ cháy nổ vẫn hiện hữu. Tại các làng sản xuất bánh kẹo ở Hoài Đức, HN mà chúng tôi điều tra, nhà xưởng đều làm theo kiểu chuồng cọp, chỉ có một cửa, không lối thoát hiểm, không hệ thống chống cháy. Đấy là chưa kể sản phẩm thì không rõ nguồn gốc, hàng nhái hàng giả tràn lan. Nên các chủ xưởng còn có ý quây kín nhằm che giấu, mặc kệ xốp, nhựa dễ cháy khi trời nóng và bất cẩn sử dụng điện và lửa.

Ông Tạ Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã La Phù, Hoài Đức, nơi có làng bánh kẹo và nhiều xưởng nổi tiếng (ở gần và giống như xưởng của ông Được vừa cháy làm chết 8 người), cho biết: vài tháng cơ quan chức năng lại kiểm tra phòng cháy chữa cháy một lần. Có vẻ quy củ lắm. Nhưng một cán bộ phòng cháy chữa cháy lại tiết lộ: kiểm tra xong họ lại vi phạm. Họ cứ bày bừa, chắn hết lối đi chữa cháy và thoát nạn, cản trở lưu thông trong chữa cháy. Có lẽ, bi kịch cũng giống như câu chuyện ở thôn Chiền kể trên. Một lý do cho sự cẩu thả người ta đưa ra là: người ta làm ăn mùa vụ, thuê xưởng 6 tháng đến 1 năm, chả tội gì họ đầu tư bài bản quy mô.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Nguyên giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội nhấn mạnh: việc không có hoặc để bít mất lối thoát hiểm là cực kỳ nguy hiểm, nhất là trong các xưởng sản xuất nhiều vật liệu dễ cháy. Đây là trách nhiệm của lực lượng chức năng, cần kiểm tra nhắc nhở và xử lý nghiêm. Chứ đừng để sự vô ý thức của chủ xưởng phải trả giá bằng gần chục mạng người vô tội. Còn PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho biết, các công xưởng thì ít nhất phải có 2 lối thoát hiểm, và nói chung càng nhiều lối thoát càng tốt. Người lao động cần có kiến thức về lĩnh vực này. Công tác kiểm tra, giám sát, tập huấn cần được nâng cao. Nghiêm cấm sử dụng các nguồn lửa, nguồn nhiệt (như thắp nhang, hút thuốc, hàn xì...) trong công xưởng.

Tất cả các ý kiến trên đều đúng. Chỉ có điều, thực tế diễn ra ở các địa bàn như thế nào thì không ai dám chắc. Điều dễ thấy nhất, là khi có 13 người chết ở Karoke trên phố Trần Thái Tông, khi có 8 người chết ở thôn Chiền, thì mới lòi ra là họ vi phạm đủ thứ quy định. Mỗi một vụ chết chùm thê thảm diễn ra, người ta lại có vẻ như nhận ra vài bài học bức thiết. Rồi đâu lại vào đó. Đã đến lúc chúng ta cần quy trách nhiệm cụ thể, cần xử lý nghiêm các vi phạm từ khi giọt nước chưa tràn ly. Cần có các vụ việc xử lý mạnh tay, làm gương để nâng cao tính giáo dục. Việc tạm giữ hình sự thợ hàn được coi là người “tác nghiệp” và gây ra cháy xưởng làm 8 người chết, đồng thời triệu tập ông Trần Văn Được, chủ xưởng, để phục vụ công tác điều tra, được coi là những động thái tích cực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, sự lôi thôi, cẩu thả tương tự diễn ra trên cả một khu vực nhà xưởng, làng nghề kia lý mới là nguyên nhân chính gây nên thảm họa, anh thợ hàn xì chỉ là mắt xích trong sự vô lối đó. Muốn không có các thảm họa giống thế nữa, muốn các cái chết kia góp phần “mở mắt” cho người sống, để người đang sống hạ quyết tâm trong việc hướng tới một cuộc sống an toàn và tử tế hơn, thì chúng ta cần phải chấn chỉnh một cách có hệ thống các vấn đề đã nêu ở trên.


Bài và ảnh: Quân Anh


Tin liên quan

Đọc thêm

Người dân lặng lẽ từ biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Xã hội

Người dân lặng lẽ từ biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

TTTĐ - Chiều 26/7, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất mẹ đã được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia. Biển người đau buồn nói lời từ biệt cuối cùng trước linh cữu Tổng Bí thư tưởng chừng sẽ không bao giờ dứt.
Bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản người dân vùng ngập úng Môi trường

Bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản người dân vùng ngập úng

TTTĐ - Sáng 26/7, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Chương Mỹ.
Tiễn đưa người với muôn vạn niềm thương Muôn mặt cuộc sống

Tiễn đưa người với muôn vạn niềm thương

TTTĐ - Cầm trên tay tờ báo Tuổi trẻ Thủ đô với trang bìa là ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người dân thành kính tiễn đưa đồng chí về đất mẹ.
Cảnh sát giao thông Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng Pháp luật

Cảnh sát giao thông Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng

TTTĐ - Đến 16h ngày 26/7, thông tin về việc hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trang trọng, an toàn được phát đi từ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP Hà Nội.
Nước mắt người dân Thủ đô tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng! Muôn mặt cuộc sống

Nước mắt người dân Thủ đô tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng!

TTTĐ - Chiều 26/7, người dân Thủ đô đứng dọc hai bên tuyến đường đoàn xe chở linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi qua về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội). Nhân dân Thủ đô bật khóc tiễn biệt người con ưu tú của dân tộc đi vào cõi vĩnh hằng...
Nhớ bác Trọng! Muôn mặt cuộc sống

Nhớ bác Trọng!

TTTĐ - "Nhớ bác Trọng!" là bài thơ do tác giả Nguyễn Hùng Sơn - Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) sáng tác ngày 25/7/2024, ngay khi nhận được hình ảnh xúc động từ Lễ chào cờ tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại mỏ Đại Hùng(PVEP POC).
Nhà lãnh đạo thấu hiểu lòng dân, được Nhân dân yêu mến Muôn mặt cuộc sống

Nhà lãnh đạo thấu hiểu lòng dân, được Nhân dân yêu mến

TTTĐ - Từ trưa 26/7, mặc dù trời Hà Nội nắng như “đổ lửa” nhưng đông đảo người dân đã có mặt dọc các tuyến đường khu vực đường Lê Quang Đạo - Lê Đức Thọ - gần Nghĩa trang Mai Dịch để chờ đến giờ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
Xúc động chứng kiến phút truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Muôn mặt cuộc sống

Xúc động chứng kiến phút truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

TTTĐ - Đúng 13h ngày 26/7, Lễ Truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu, nghi thức diễn ra tại Nhà Tang lễ Quốc gia (TP Hà Nội). Ở Hội trường Thống Nhất (TP HCM), nhiều người dân lặng người, bật khóc khi chứng kiến giây phút đưa tiễn đồng chí Tổng Bí thư.
Người dân tạc tượng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Xã hội

Người dân tạc tượng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

TTTĐ - 12h30, ngày 26/7, tuyến đường Lê Đức Thọ (Hà Nội) đã dường như chật kín người dân. Bức tượng tạc hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đặt trang nghiêm, kê cao trên bàn phủ vải đỏ. "Bức tượng y như thật, mang thần thái của vị Tổng Bí thư trong lòng dân" - nhiều người dân đứng vây quanh bức tượng cảm thán!
Biển người nghẹn ngào tiễn đưa Tổng Bí thư về với đất Mẹ Muôn mặt cuộc sống

Biển người nghẹn ngào tiễn đưa Tổng Bí thư về với đất Mẹ

TTTĐ - Dưới cái nắng nóng oi ả của Thủ đô Hà Nội, dòng người vẫn ùn ùn kéo về Nhà tang lễ Quốc gia (số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội) để viếng, tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Không ai thấy mệt mỏi, hàng nghìn trái tim chung một niềm thổn thức, chỉ một lòng muốn được vào vĩnh biệt người lần cuối.
Xem thêm