Hà Nội bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho người dân trong dịch Covid-19
Theo thông tin từ Sở Công thương Hà Nội, các doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ trên địa bàn Thủ đô đã chuẩn bị lượng hàng hóa sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội trong 3 tháng có dịch với tổng giá trị khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) khoảng 21.500 tỷ đồng.
Ngành Công Thương Hà Nội cam kết bảo đảm đáp ứng đầy đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, các siêu thị không tăng giá. Người dân không cần thiết phải mua hàng hóa tích trữ trong thời gian dịch bệnh.
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 5/5 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, ngành Công thương thủ đô đã phải tăng cường công tác quản lý, tránh đầu cơ, thổi giá; Kiểm tra, kiểm soát hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả hàng nhái, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Ngành Công thương Hà Nội cam kết, đảm bảo đáp ứng đầy đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, các siêu thị không tăng giá |
Liên quan đến nguồn cung hàng hóa trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, Hà Nội bảo đảm dự trữ hàng hóa đầy đủ, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân Thủ đô khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Theo đó, lượng hàng hóa thiết yếu trong tháng dịch tăng gấp 3 lần so với tháng thường.
Bà Trần Thị Phương Lan khẳng định, căn cứ theo mức độ lây lan của dịch đã xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo cấp độ như sau: Cấp độ 1 (từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên): 313,78 tỷ đồng; Cấp độ 2 (từ 1.000 - 3.000 trường hợp mắc): 1.048,71 tỷ đồng; Cấp độ 3 (từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc): 5.359,05 tỷ đồng.
“Để chung tay phòng chống dịch Covid-19, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, rất cần sự chung tay của chính người dân, thực hiện nghiêm quy định 5K và không đầu cơ tích trữ hàng hóa gây khan hiếm cục bộ trong thời điểm dịch bệnh”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Ghi nhận của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô trong sáng 8/5 tại một số hệ thống siêu thị, chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội cho thấy, lượng hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm đầy đủ, không có cảnh người dân đổ xô đi mua hàng hóa, thực phẩm tích trữ.
Công tác tuyên tuyên phòng chống dịch Covid-19 được ban quản lý hệ thống chợ truyền thống triển khai dưới nhiều hình thức như: Dán pano áp phích, thông qua các loa phát thanh.
Đại diện các hệ thống siêu thị cho biết, từ năm 2020 đến nay luôn sẵn sàng phương án dự trữ hàng hóa, với lượng hàng nhu yếu phẩm tăng 30-50%, nên có thể chủ động trong mọi tình huống của dịch bệnh.
Bà Nguyễn Ngọc Dung, Giám đốc Vận hành VinMart toàn quốc cho biết, với nguồn hàng rất dồi dào, những ngày qua, toàn bộ hệ thống bao gồm 43 siêu thị VinMart và 793 cửa hàng VinMart+ tại Hà Nội đồng loạt triển khai chương trình khuyến mại, với hàng nghìn sản phẩm giảm giá, kéo dài đến hết ngày 15/5/2021.
Tương tự, ghi nhận tại hệ thống siêu thị MM Mega Market, siêu thị Big C Thăng Long, siêu thị Aeon… hàng hóa chất đầy các quầy kệ, với nhiều chương trình giảm giá.
Ông Nguyễn Anh Phương, Giám đốc khu vực vùng miền Bắc siêu thị MM Mega Market cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng hơn 50% so với nhu cầu bình thường, phục vụ người tiêu dùng mua sắm trực tiếp và mua sắm qua mạng”.
Người dân không nên mua hàng hóa tích trữ trong thời gian dịch bệnh để tránh tập trung đông người |
Tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông cũng đầy ắp hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm tươi sống, đông lạnh. Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để đảm bảo nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu cho người dân, hệ thống siêu thị Co.opmart đã dự trữ 12.000 tấn nông thủy sản, 5 triệu khẩu trang và một lượng lớn nước rửa tay khử khuẩn.
Liên quan đến công tác chuẩn bị hàng hóa trước bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Thái Dũng cho biết: Hiện nay, toàn bộ kho hàng của hệ thống siêu thị Hapro, Fuji Mart… đã được chuẩn bị đầy đủ hàng hóa cả hàng tươi và hàng đông lạnh (đầy đủ hàng ở cả kho mát và kho lạnh).
“Đặc biệt, các mặt hàng thiết yếu, người tiêu dùng quan tâm nhiều trong các đợt Covid-19 trước đây như gạo, dầu ăn, nước mắm, mì gói, nước rửa tay, khẩu trang… chúng tôi luôn luôn có đầy đủ hàng hóa, đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng”, ông Nguyễn Thái Dũng khẳng định.
Không chỉ các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại mà ngay cả các chợ truyền thống, các loại hàng hóa cũng rất dồi dào, giá các mặt hàng bình ổn. Các mặt hàng rau xanh rất phong phú. Rau muống có giá phổ biến 5.000-12.000 đồng/mớ tùy loại, rau ngót 6.000-7.000 đồng/mớ, cải ngọt 7.000 đồng/kg, cải xanh 5.000 đồng/kg, bắp cải 5.000-6.000 đồng/kg, bí đao 10.000 đồng/kg, khoai sọ loại ngon 30.000 đồng/kg, khoai tây 12.000 đồng/kg...
Đối với các loại thực phẩm như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, cá... cũng rất dồi dào, giá ổn định và có sự chênh lệch đáng kể giữa các chợ. Hiện, thịt lợn thăn, ba chỉ, sườn được bán phổ biến 130.000-150.000 đồng/kg, móng giò 90.000-100.000 đồng/kg, tim 230.000-250.000 đồng/kg... thịt gà có giá từ 85.000 - 100.000 đồng/kg tùy loại; Các loại cá có giá từ 60.000-80.000 đồng/kg tùy loại.
Mặc dù tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, song ngành Công Thương Hà Nội đã cam kết bảo đảm đáp ứng đầy đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, các siêu thị không tăng giá. Do vậy, người dân không nên mua hàng hóa tích trữ trong thời gian dịch bệnh để tránh tập trung đông người.
Đồng thời, người dân cần thực hiện nghiêm yêu cầu “5K” của Bộ Y tế; Cài đặt ứng dụng truy vết Bluezone và thường xuyên bật Bluetooth để ứng dụng hoạt động hiệu quả, nhằm cảnh báo sớm nguy cơ tiếp xúc với người nhiễm, người nghi nhiễm để giúp cơ quan chức năng phát hiện, truy vết nhanh…