Hà Nội chuẩn bị 194.000 tỷ đồng hàng hóa đáp ứng nhu cầu chống dịch
Hàng hóa không khan hiếm, không tăng giá
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội và hàng loạt bệnh viện phải cách ly y tế, dừng tiếp nhận bệnh nhân, các kịch bản ứng phó đã được sẵn sàng trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh ra cộng đồng.
Theo đó, ngành Công thương Hà Nội đã lập đoàn kiểm tra tình hình cung ứng và tiêu thụ hàng hoá trên địa bàn thành phố. Hiện 17 mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu, với tổng trị giá 194.000 tỷ đồng đã được Hà Nội chuẩn bị để đảm bảo đủ nguồn cung hàng hoá, phục vụ người dân theo các kịch bản phòng dịch cao nhất.
Trái với những thông tin nguồn cung hàng khan hiếm, tại các chợ truyền thống mặt hàng thực phẩm, rau xanh và hàng hoá nhu yếu phẩm vẫn được bày bán rất nhiều. Theo các tiểu thương, những ngày này việc buôn bán khá chậm, hàng nhiều và giá cả đang có xu hướng giảm.
Hà Nội chuẩn bị 194.000 tỷ đồng hàng hóa đáp ứng nhu cầu chống dịch |
Bà Vũ Thị Thanh, tiểu thương Chợ Bún, Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội cho biết: "Nhu yếu phẩm, thực phẩm không thiếu thốn gì cả, thậm chí là bây giờ các nhà hàng do dịch bệnh nên họ phải đóng cửa hết, lương thực, thực phẩm giờ còn dư thừa và giá cả còn mềm hơn".
Như vậy, có thể thấy là hàng hoá, nhu yếu phẩm hiện rất đầy đủ, người mua hàng không còn tâm lý gom hàng và thành phố Hà Nội cam kết đảm bảo đủ nguồn cung về nhu yếu phẩm cho người dân phòng dịch.
Báo cáo của Sở Công thương Hà Nội cho thấy, hiện toàn thành phố có gần 150 siêu thị, 128 chuỗi cung ứng thực phẩm, hơn 450 chợ và hơn 1.000 điểm bán hàng bình ổn. Lượng hàng hoá, nhu yếu phẩm để phục vụ nhân dân đã được lên kịch bản ứng phó từ trước, kể cả khi dịch bùng phát ở cấp độ cao nhất.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: Nhằm chủ động trong việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, Sở Công thương thành phố Hà Nội đã xây dựng các phương án chi tiết đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân thủ đô và hỗ trợ các tỉnh, thành phố giải tỏa lượng hàng hóa sản xuất ra. Lượng hàng hóa dự kiến chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) khoảng 30.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sở Công thương Hà Nội đã xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo cấp độ. Cụ thể, cấp độ 1 từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên là 313,78 tỷ đồng; cấp độ 2 từ 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc là 1048,71 tỷ đồng; cấp độ 3 từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc sẽ là 5359,05 tỷ đồng.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố tăng cường quản lý, giám sát việc lưu thông hàng hóa trên địa bàn, tránh đầu cơ, thổi giá.
Đại diện các nhà phân phối và các chợ trên địa bàn Thủ đô cho biết, đã tăng gấp đôi lượng hàng dự trữ tại các kho để cung ứng cho thị trường. Hàng thực phẩm tươi sống, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân rất đầy đủ, không có hiện tượng khan hàng "sốt" giá, gây bất ổn thị trường.
Sức mua ổn định, giá các loại hàng hóa cũng không tăng so với trước khi phát hiện trường hợp dương tính với dịch Covid-19. Bên cạnh đó, không có tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng hóa, tích trữ nhu yếu phẩm do lo sợ dịch bệnh.
Đảm bảo lưu thông hàng hóa giữa các địa phương
Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), hoạt động thương mại tại các địa phương có dịch bệnh vẫn đang diễn ra bình thường. Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày gần đây, các siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Big C, Hapro Mart, Win Mart… đều “đầy ắp” hàng hóa, nhân viên siêu thị luôn sẵn sàng bổ sung thêm hàng. Giá cả của các mặt hàng không tăng giá mà còn có nhiều chương trình khuyến mãi lớn.
Tất cả siêu thị trên địa bàn Hà Nội đều bố trí nhân viên kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu khách hàng sử dụng khẩu trang khi vào siêu thị mua sắm, 100% người dân đi mua sắm tại chợ truyền thống, siêu thị đều đeo khẩu trang. Có thể thấy, so với các đợt bùng phát dịch trước đây, người dân đã có ý thức hơn trong việc tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho bản thân, cho gia đình và cho toàn xã hội.
Tất cả siêu thị trên địa bàn Hà Nội đều bố trí nhân viên kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu khách hàng sử dụng khẩu trang khi vào siêu thị mua sắm |
Liên quan đến việc đảm bảo lưu thông hàng hoá, Bộ Công thương đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc ban hành hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản vùng đang có dịch Covid-19.
Văn bản nêu rõ, sản phẩm hàng hóa, nông sản sản xuất và lưu thông trên địa bàn phải bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật. Hoạt động vận tải qua lại, đi, đến vùng, khu vực, địa điểm có dịch nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của ngành y tế, giao thông vận tải và các quy định hiện hành khác.
“Hiện, Bộ Công thương đang phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa để kịp thời có phương án xử lý các bất ổn về cung cầu hàng hóa. Phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch (nếu có)”, lãnh đạo Bộ Công Thương thông tin.
Đối với các địa phương có hàng hóa tồn đọng, Bộ Công thương cũng đã có giải pháp hỗ trợ, ví dụ như tỉnh Sóc Trăng. Tính đến cuối tháng 4/2021, toàn tỉnh Sóc Trăng còn tồn khoảng 50.000 tấn hành tím trong kho và đang vào vụ hành cùng với ảnh hưởng do hành tím được nhập khẩu từ Thái Lan, Bộ Công thương đã phối hợp với Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng đánh giá nguồn cung và khả năng tiêu thu đối với mặt hàng hành tím.
Theo đó, UBND tỉnh và Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản gửi 63 Sở Công thương nhằm hỗ trợ kết nối tiêu thụ vào các hệ thống phân phối; vận động cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh mua ủng hộ hành tím giúp đỡ nông dân. Hiện nay, Sở Công thương đang phối hợp với Bộ Công thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tại phía Nam) và trang thương mại điện tử Sendo.com để xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ hành tím trên “gian hàng Việt”.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, người dân cần bình tĩnh, yên tâm, không nên dự trữ hàng hóa khi có dịch xảy ra, cũng như tăng cường hình thức mua sắm online để tránh gây tập trung đông người.