Hà Nội chuyển đổi số để bứt phá
Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số vào năm 2025 Chuyển đổi số trong giáo dục Hà Nội: Nhìn từ cách làm của các quận “đầu tàu” |
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) |
Phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại
Theo dự thảo Nghị quyết của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng trình bày tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố mới đây, đến nay, kinh tế số, xã hội số của Thủ đô đang phát triển khá mạnh mẽ, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Xếp hạng chỉ số thương mại điện tử của Hà Nội đứng thứ 2 trên toàn quốc, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 78%...
Việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ về phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử trên địa bàn thành phố đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, được Chính phủ đánh giá cao với vai trò là đơn vị làm điểm của cả nước. Đề án được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, góp phần thay đổi phương thức quản trị xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân.
Tuy nhiên, dữ liệu số chưa được hoàn thiện và khai thác hiệu quả, việc phân tích dữ liệu thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành chưa được triển khai; ứng dụng công nghệ thông tin trong khối Đảng, đoàn thể thành phố còn hạn chế. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số nói riêng và chuyển đổi số nói chung. Năng lực chuyển đổi sổ của doanh nghiệp còn yếu; chuyển đổi số trong hầu hết các ngành, lĩnh vực còn chậm so với nhu cầu của xã hội…
Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên có cả khách quan và chủ quan, nhưng có một phần do cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị chưa thật sự quan tâm đến chuyển đổi số; Chưa sẵn sàng đối mới về tư duy và hành động trong tiếp cận và thực hiện dẫn đến việc xây dựng chính sách và triển khai chuyển đổi số tại một số cơ quan, đơn vị còn chậm, chưa chủ động, chưa đáp úng yêu cầu thực tiễn về phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Để nâng cao nhận thức và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, Nhân dân về tính cấp thiết của chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, xứng tầm vị thế Thủ đô, việc ban hành Nghị quyết của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là cần thiết.
Theo dự thảo Nghị quyết, mục tiêu tổng quát đến năm 2025, thực hiện chuyển đổi số phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới; Hà Nội duy trì và phấn đấu vị trí cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; Hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước, phát triển các dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế, xã hội.
Về một số mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của thành phố Hà Nội khoảng 30%; Trong các ngành, lĩnh vực tối thiểu 10%; phấn đấu 50% dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân; phủ mạng Internet băng rộng cáp quang đến 90% hộ gia đình; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử…
Để thực hiện các mục tiêu trên, dự thảo Nghị quyết của Thành ủy cũng đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh.
Phát triển chính quyền số
Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) trong các ngành, lĩnh vực: Y tế, tư pháp, xây dựng quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, triển khai theo hướng tập trung, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin theo quy định.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thành phố tiếp tục duy trì, thực hiện tuyển sinh đầu cấp trực tuyến vào mầm non, lớp 1, lớp 6 với tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến của cả 3 cấp (năm 2021 đạt trên 89%). Hệ thống Số liên lạc điện tử cung cấp đầy đủ, miễn phí thông báo điểm học tập và rèn luyện của học sinh qua ứng dụng điện thoại thông minh, được áp dụng trong các trưởng tiểu học, THCS, THPT...
Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, Hà Nội tiếp tục ứng dụng hệ thống thu phí điều tiết, hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân. TP giám sát hoạt động của hệ thống xe buýt trên địa bàn bằng thiết bị GPS và ứng dụng công nghệ RFID trong quản lý, điều hành, thông tin hành khách bằng hệ thống âm thanh và bảng LED trên xe và một số nhà chờ, ứng dụng tìm xe buýt cho hành khách, hệ thống mua vé online. Thí điểm xử lý vi phạm thông qua hệ thống giám sát bằng camera ở bến xe Giáp Bát (xử phạt nguội). Ứng dụng phần mềm quản lý, giám sát công tác duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đảm bảo hiệu quả…
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố trong triển khai Đề án 06, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng đã phối hợp Văn phòng UBND thành phố, Công an thành phố, đơn vị triển khai thử nghiệm hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoàn thành kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến thử nghiệm với CSDL quốc gia về dân cư theo hướng dẫn, phục vụ xác thực thông tin công dân trong thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.
Với vai trò là hạt nhân dẫn dắt hoạt động, thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số của thành phố, trong thời gian tới, Sở TT&TT Hà Nội sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số của TP Hà Nội, đồng hành cùng các cơ quan của thành phố, các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân Thủ đô triển khai các hoạt động phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Sở TT&TT cũng sẽ chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, đề xuất phương án giải quyết, báo cáo Thành phố kịp thời giải quyết.