Hà Nội có 80 chuỗi liên kết nông sản an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ
Mô hình nuôi lợn sinh học của Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ
Bài liên quan
Kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn giữa Hà Nội và Lâm Đồng
Hà Nội tập trung mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới
Nông thôn mới hoàn thành mục tiêu 2018
Đoàn cơ quan báo chí đi thực tế viết bài về nông thôn mới tại huyện Phúc Thọ
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, thời gian vừa qua, Chương trình kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản an toàn đã phát huy vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân tại các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố đã xây dựng, duy trì 80 chuỗi liên kết nông sản an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó 36 chuỗi có nguồn gốc động vật và 44 chuỗi có nguồn gốc thực vật. Đáng chú ý, giá tiêu thụ nông sản an toàn, nông sản hữu cơ trong Chương trình kết nối cao hơn so với giá bán nông sản đại trà khác từ 10 đến 30% tùy loại.
Một trong những địa phương đi đầu và thu được hiệu quả cao khi thực hiện Chương trình kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản an toàn chính là xã Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội). Thực hiện chỉ đạo của Hội Nông dân thành phố và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thời gian qua, Hội Nông dân xã Thụy Hương đã tích cực vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển mô hình trồng rau an toàn. Nhờ vậy, giá trị kinh tế trên một héc ta canh tác ở địa phương này đã đạt 275 triệu đồng/năm. Đáng nói, thông qua Chương trình kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản an toàn, trên địa bàn xã Thụy Hương đã xuất hiện nhiều mô hình trồng rau an toàn, rau hữu cơ và 40 hộ gia đình tham gia mô hình nuôi lợn sinh học.
Bên cạnh những hiệu quả của Chương trình mang lại thì khâu kết nối tiêu thụ nông sản tại các địa phương vẫn gặp phải không ít khó khăn. Cụ thể, lượng nông sản an toàn tiêu thụ thông qua liên kết ở Hà Nội đạt 15%, dù cao hơn mức trung bình của cả nước nhưng vẫn ở mức thấp.
Ông Nguyễn Hưng Thỉnh, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ, chia sẻ: Chăn nuôi an toàn sinh học đòi hỏi nông dân không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi, mà thời gian cũng thường kéo dài hơn chăn nuôi truyền thống từ 2 đến 3 tháng. Trong khi đó, có thời điểm giá sản phẩm chăn nuôi thấp, các hộ chăn nuôi an toàn sinh học cũng phải hạ giá sâu mới bán được hàng hóa, ngoài ra nông sản an toàn của địa phương bị cạnh tranh khốc liệt với nhiều sản phẩm chăn nuôi đại trà khác. Do vậy khâu kết nối tiêu thụ sản phẩm nhiều khi gặp phải khó khăn.
Nhằm hạn chế những rủi ro trong quá trình sản xuất, nông dân cần liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, hợp tác xã, không để tình trạng khi giá nông sản lên cao thì đưa hàng hóa ra ngoài bán cho thương lái và ngược lại, khi giá sản phẩm xuống thấp mới bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã...
Để chủ động hình thành các liên kết ổn định giữa người sản xuất và đơn vị tiêu thụ nông sản an toàn, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Lê Trọng Khuê cho biết: Thời gian tới, Hội sẽ thường xuyên tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm trong quá trình vận động nông dân tham gia sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn cho Hội Nông dân các cấp. Mặt khác, các đơn vị liên quan cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn.
Nói về vai trò của doanh nghiệp và hợp tác xã trong liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho hay: Doanh nghiệp và hợp tác xã đóng vai trò then chốt trong khâu tiêu thụ nông sản an toàn cho nông dân. Do đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục tham mưu thành phố hỗ trợ thành phần kinh tế này đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, điều tiết lợi ích giữa các khâu trong chuỗi liên kết. Ngoài ra, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã khi đầu tư vào lĩnh vực chế biến, liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bài liên quan
Hà Nội xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ rau – quả hữu cơ
Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau hữu cơ tại Long Biên.
Triển khai chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bò BBB
Sắp triển khai mô hình chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ lợn hương tại huyện Thạch Thất, Hà Nội