Hà Nội công bố các cửa hàng dịch vụ được mở cửa trong thời gian cách ly toàn xã hội
Hà Nội có 26 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 674 cửa hàng gas, hơn 400 chợ dân sinh được mở cửa trong thời gian cách ly toàn xã hội
Bài liên quan
Hà Nội đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân
1.000 kg rau bắp cải của thanh niên Hà Giang tặng khu cách ly Hà Nội
Dự kiến 500 người sẽ được test nhanh Covid-19 trong ngày 31/3
Hà Nội: Triển khai biện pháp phòng chống Covid-19 trong các cơ sở y tế
Tặng người dân trạm rửa tay dã chiến chống dịch
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, Theo đó, Sở Công thương Hà Nội đã công bố danh sách ngành hàng được mở cửa, gồm: Siêu thị tổng hợp (trừ dịch vụ vui chơi, ăn uống tại chỗ); Trung tâm thương mại (gồm siêu thị tổng hợp như trên, văn phòng cho thuê, bệnh viện); Chợ dân sinh (gồm các gian hàng lương thực, thực phẩm, rau hoa quả, đồ khô);
Cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini (trừ dịch vụ ăn uống tại chỗ); Các cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa, quả, trái cây; Chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm, thuốc chữa bệnh; Dịch vụ khám chữa bệnh; Dịch vụ ngân hàng; Cửa hàng kinh doanh xăng dầu gas khí đốt.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội hiện có 26 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 674 cửa hàng gas, hơn 400 chợ dân sinh… đây là các địa chỉ được mở cửa. Tất cả các ngành hàng kinh doanh còn lại, không có trong danh mục trên đều phải tạm dừng đến 15/4 và không có ngoại lệ.
Tuy nhiên, trước thông tin từ ngày mai (1/4) sẽ thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, hiện một số nơi có hiện tượng người dân đổ xô đến các siêu thị, trung tâm thương mại để tích trữ hàng hóa, lương thực thực phẩm.
Do đó, Sở Công thương Hà Nội đã trực tiếp gọi điện cho lãnh đạo các quận huyện trên địa bàn thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân không phải tích trữ hàng hóa, các hệ thống phân phối vẫn mở cửa bình thường đảm bảo hàng hóa cho người dân.
Theo đó, trong tháng có dịch, Hà Nội đã chỉ đạo các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, sẵn sàng cung ứng cho thị trường tăng gấp gần 3 lần, với tổng giá trị khoảng 64.000 tỷ đồng. Cụ thể, lượng gạo dữ trữ trong tháng có dịch là 278.910 tấn; thịt lợn 55.782 tấn; thịt trâu, bò 16.050 tấn; thịt gia cầm 18.594 tấn; rau củ 309.900 tấn; thủy hải sản 15.495 tấn...
Do vậy, người dân cần bình tĩnh không hoang mang, không nên xuất hiện tại những nơi đông người, không cần đi mua hoặc tích trữ lương thực thực phẩm. Đặc biệt, người dân cần phải tin tưởng và làm theo các ý kiến chỉ đạo của các cấp, ngành để công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 thành công.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND Thành phố Hà Nội cũng khuyến khích người dân sử dụng thương mại điện tử, giao hàng tại nhà. Khi giao dịch mua bán cần đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 m, vệ sinh khử khuẩn theo hướng dẫn của ngành Y tế.